Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức. Bên lề Hội nghị Đối tác phát triển Việt Nam (VDF) khai mạc vào ngày mai 13/12, tại diễn đàn này, những khuyến nghị chính sách cụ thể, trực diện sẽ được chuyển tới người đứng đầu Chính phủ và các cơ quan có liên quan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Diễn đàn VBF 2017. (Nguồn: VGP) |
Theo kế hoạch, với chủ đề “VBF – 20 năm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020”, Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao năng suất và phát triển các ngành công nghiệp trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân và tăng cường hội nhập quốc tế.
Diễn đàn cũng sẽ nghe các ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện các hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ với nhiều khuyến nghị, sáng kiến về khung pháp luật, chính sách vĩ mô, tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế.
Dự kiến, trong phiên thứ nhất, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận điều kiện lao động trong các ngành công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, hợp tác chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, tác động của cách công nghiệp 4.0 đối với FDI tại Việt Nam.
Trong phiên thứ hai, chủ đề chính là một vấn đề được nhiều người quan tâm: mô hình hợp tác công tư/quỹ tư nhân, tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp tư nhân trong nước, phát triển ngành ngân hàng.
Tại phiên ba, Diễn đàn sẽ tập trung vào vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá. Tại đây, các đại biểu sẽ tập trung vào vấn đề cải cách thủ tục hành chính và các vấn đề thuế, quản trị minh bạch và liêm chính.
Thông tin tại cuộc Họp báo trước sự kiện, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS. Vũ Tiến Lộc, Đồng Chủ tịch Diễn đàn VBF cho biết, Diễn đàn kỳ này sẽ đưa ra các vấn đề nổi lên mà doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, trong đó bao gồm nâng cao năng suất lao động, tăng cường nền tảng tài chính, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân.
Theo đánh giá của VCCI, từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đến nay, đặc biệt là từ đầu năm 2017, môi trường kinh doanh của doanh nghiệp đã được cải thiện rõ rệt. Những quyết sách quan trọng về phát triển kinh tế tư nhân, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được ban hành, tạo nên đường hướng phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017. (Nguồn: VGP) |
Cùng với sự quyết tâm từ Chính phủ, các bộ ngành địa phương cũng có những chuyển biến rõ rệt về thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh. Bộ Công Thương đã đưa ra lộ trình cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh, nhiều Bộ ngành cũng đang cố gắng đưa ra các chương trình đột phá như vậy.
Năm 2017, với số lượng doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng, với khoảng 120.000 doanh nghiệp năm 2017. Đây là đỉnh cao nhất trong vòng 17 năm từ khi Việt Nam có Luật doanh nghiệp. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cũng chưa bao giờ được các địa phương thực hiện thực chất và sôi nổi như hiện nay, mỗi năm đối thoại với doanh nghiệp ít nhất 2 lần theo yêu cầu của Thủ tướng.