TIN LIÊN QUAN | |
Hội nghị ISOM khởi động Năm APEC Việt Nam 2017 | |
Giới thiệu Năm APEC 2017 tới các nền kinh tế thành viên |
Hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017 là dịp để Việt Nam nắm bắt thêm quan tâm của các nền kinh tế thành viên, tranh thủ ý kiến của các đại biểu, các tổ chức quốc tế, giới học giả và doanh nghiệp Việt Nam và APEC về xu hướng hợp tác quốc tế và khu vực liên quan đến các hướng ưu tiên mà Việt Nam đã đề xuất.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia APEC 2017 phát biểu tại phiên khai mạc. (Ảnh: Quang Hòa) |
Phát biểu Chỉ đạo Hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia APEC 2017 phân tích, 10 năm sau khi Việt Nam chủ trì Năm APEC 2006, cả thế giới đang sống trong sự chuyển động không ngừng, các khu vực đang trải qua những thay đổi phức tạp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi cách chúng ta sống, kết nối và tương tác với nhau. Kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu (2009), những biến động và thách thức càng gia tăng, tác động sâu, rộng, đa chiều đến tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế của khu vực APEC vì thế bị đe dọa bởi giá cả hàng hóa xuống thấp, chính sách tiền tệ thắt chặt..., và đang có những quan ngại sâu sắc về sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trên toàn cầu. Thành quả của toàn cầu hoá không được phân chia đồng đều giữa các khu vực, các nền kinh tế và các cộng đồng.
"Chúng ta phải nắm bắt các cơ hội của các thảo luận khu vực đang có và đang tiến hành như là Cộng đồng ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RECP) và Hiệp định tự do thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) để đạt được các mục tiêu của mình", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia APEC 2017, nhấn mạnh.
Từ đó, Phó thủ tướng bày tỏ mong muốn đại diện các nước có thể đưa ra các ý tưởng để đưa ra các hướng ưu tiên mới cho năm 2017. Các nước cần xây dựng dựa trên những kết quả đạt được ở Peru - nước chủ tịch APEC 2016 và thành tựu của những năm trước, để thúc đẩy những nỗ lực của mình, đặc biệt trong việc hoàn thiện các chiến lược của APEC về tăng trưởng chất lượng, kết nối, cải cách cấu trúc, cạnh tranh các dịch vụ và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội thảo. (Ảnh: Quang Hòa) |
Bên lề Hội thảo, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 cho biết, đại biểu của các nền kinh tế thành viên APEC đánh giá rất cao và ủng hộ chủ đề và những ưu tiên do Việt Nam đưa ra trong Năm APEC 2017, vì nó đáp ứng được xu thế phát triển chung của thế giới, của khu vực, đồng thời cũng sát sườn với lợi ích của các nền kinh tế thành viên. Trên tinh thần đó, trong sự kiện mở màn này, các đại biểu quốc tế tham dự rất đông đủ, với tinh thần đóng góp để cụ thể hóa, đưa ra những kết quả tốt nhất, đáp ứng được lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như người dân của các nền kinh tế APEC.
Hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017 là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các sự kiện Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM). Trong đó, Hội nghị ISOM diễn ra ngày 9/12 là hoạt động quan trọng nhất. Ngay sau Hội nghị ISOM sẽ là Họp báo quốc tế về Năm APEC 2017, nước chủ nhà Việt Nam giới thiệu chủ đề, các hướng ưu tiên, biểu trưng, cổng thông tin điện tử và lịch hoạt động năm APEC 2017; đồng thời thông tin về công tác chuẩn bị.
Một sáng kiến của Việt Nam trong vai trò của nước chủ nhà là sự kiện Đối thoại APEC và doanh nghiệp với chủ đề “Tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng và liên kết APEC”. Sự kiện nhằm tạo điểu kiện để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và APEC có được thông tin đầy đủ hơn về Diễn đàn, về những cơ hội mà các doanh nghiệp có thể có được trong năm 2017, để đóng góp vào tiến trình hợp tác của Diễn đàn khu vực.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh chung. (Ảnh: Quang Hòa) |
Trong hai ngày (8, 9/12), Hội nghị đón trên 350 đại biểu bao gồm đại biểu các nền kinh tế thành viên, Ban thư ký APEC quốc tế, các quan sát viên của APEC, đại diện các tổ chức quốc tế như Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), các học giả, doanh nhiệp trong nước và quốc tế… tới cùng bàn thảo những vấn đề kinh tế của khu vực.
CEO các nước APEC đang quan tâm đến điều gì? Các lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc nhóm lạc quan nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đầu tư xuyên ... |
Bài phát biểu của Chủ tịch nước về Việt Nam đảm nhận vai trò nước chủ nhà Năm APEC 2017 Ngày 20/11 tại Lima, Peru, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài phát biểu về việc Việt Nam đảm nhận vai trò nước ... |