Tổng thống Biden phát biểu lại Thượng đỉnh COP26 tại Glasgow ngày 1/1. (Nguồn: NY Times) |
Trong hai ngày Hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đưa ra cam kết quốc gia và đề ra những hành động trong nước cũng như quốc tế nhằm giảm mức phát thải, đồng thời mở rộng quy mô thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường sống tự nhiên.
Hội nghị cũng thảo luận về huy động tài chính khí hậu và các hành động để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu được kỳ vọng sẽ đặt các mục tiêu tham vọng và hành động nhằm giới hạn mức gia tăng nhiệt độ Trái đất ở ngưỡng 1,5°C và đạt mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu vào năm 2050 theo Hiệp định Paris.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cần hành động ngay để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu trước khi quá muộn và thực hiện các bước cụ thể để loại bỏ dần than đá, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe chạy điện, ngăn chặn nạn phá rừng cùng hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển trong cuộc khủng hoảng khí hậu.
Tổng thống Biden thừa nhận sai lầm
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu tại Thượng đỉnh COP26, trong đó thừa nhận sai lầm về quyết định trước đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump rút Washington khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tổng thống Biden nói: "Tôi nghĩ mình không nên đưa ra lời xin lỗi nhưng thực sự, tôi phải xin lỗi cho thực tế rằng Mỹ - dưới thời chính quyền trước - đã rời khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu".
Tuy vậy, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định: "Cuộc gặp của chúng ta tại Glasgow hôm nay không phải kết thúc một hành trình. Đây mới chỉ là vạch xuất phát. Chúng ta có các công cụ lẫn tài nguyên. Tôi nghĩ chúng ta cần phải đưa ra những lựa chọn".
Cho rằng lịch sử thế giới đang ở thời khắc quan trọng, ông Biden nói, đây sẽ là thập kỷ mang tính quyết định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, do đó, hội nghị tại Glasgow lần này chính là thời điểm kích hoạt thập kỷ tham vọng những mục tiêu về giảm khí phát thải.
Tổng thống Biden nhận định, giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển kinh tế và đang là vấn đề cấp bách, không còn thời gian để chần chờ. Riêng với Mỹ, ông khẳng định sẽ không tụt hậu trong cuộc chiến này mà sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt và những cam kết khí hậu không chỉ dừng ở lời nói mà được thể hiện bằng hành động.
Nhấn mạnh Mỹ có thể hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 giảm từ 50-52% lượng khí phát thải so với năm 2005, ông Biden cho biết, Mỹ muốn có thêm nhiều hành động để hỗ trợ các nước đang phát triển thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh.
Cuối bài phát biểu, Tổng thống Biden cho rằng: "Biến đổi khí hậu đang tàn phá thế giới. Nó không chỉ là giả thuyết, nó đang phá hủy cuộc sống và sinh kế của mọi người", với hàng loạt thiên tai như hạn hán, lũ lụt, cháy rừng....
Ông Biden nói: "Chúng ta có khả năng đầu tư và xây dựng một tương lai sử dụng năng lượng sạch, quá trình đó sẽ tạo ra hàng triệu việc làm và cơ hội trên thế giới.
Mỗi ngày trì hoãn, cái giá vì không hành động sẽ tăng lên. Hãy để đây là thời điểm chúng ta đưa ra câu trả lời cho lịch sử, tại Glasgow này".
Đôi lời từ Chủ tịch Trung Quốc
Không tham dự trực tiếp, song Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi bài phát biểu tới Hội nghị, trong đó kêu gọi tất cả các bên có hành động mạnh mẽ hơn để cùng giải quyết thách thức khí hậu.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi các nước phát triển không chỉ cần làm nhiều hơn nữa trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, mà còn hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đạt được nhiều thành tích hơn trong cuộc chiến này.
Ông Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc có chiến lược tăng cường phát triển trong lĩnh vực năng lượng xanh, quy hoạch xây dựng các trang trại gió quy mô lớn và các dự án quang điện, trong nỗ lực giảm khí phát thải.
Diễn ra từ ngày 31/10-12/11, Hội nghị COP26 là sự kiện khí hậu quan trọng nhất kể từ Hiệp định Paris được hơn 195 quốc gia ký kết tại Hội nghị COP21 ở Pháp năm 2015 với cam kết hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu.
COP26 được kỳ vọng là cơ hội sau cùng để các nhà lãnh đạo trên thế giới đưa ra kế hoạch hành động cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại kể từ khi ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tìm cách thúc đẩy các nỗ lực nhằm khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở ngưỡng 1,5°C trong thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Chiều 1/11 (giờ Anh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng trong ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh COP26. Trong phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên cần có cách tiếp cận toàn dân. Thủ tướng nhấn mạnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân, mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia, phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu. Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang hết sức nỗ lực, vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng với cộng đồng quốc tế. Theo dõi Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại đây. |