Đây là sự kiện thường niên, quy tụ nhiều chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp, người nổi tiếng và nhà hoạt động xã hội lớn trên toàn cầu. Sự kiện năm nay kéo dài từ ngày 17/1 đến hết 20/1, với sự tham gia của 3.000 đại biểu từ khắp các châu lục, trong đó có các đoàn đại biểu chính phủ của hơn 70 quốc gia trên thế giới, với sự tham gia của gần 50 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ, 40 Lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)…; 1.200 CEO của các tập đoàn hàng đầu thế giới, các học giả có uy tín, các nhà hoạt động xã hội, đại diện các tổ chức phi chính phủ.
Năm nay, nhận lời mời của Chủ tịch WEF Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn Davos lần thứ 47. Sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Davos năm nay một mặt thể hiện quan hệ Việt Nam và WEF đang tiếp tục trên đà phát triển tích cực, mặt khác, cho thấy Việt Nam ngày càng tham gia tích cực và có đóng góp lớn trên các diễn đàn quốc tế.
WEF Davos 2017 kéo dài từ ngày 17/1 đến hết 20/1. (Nguồn: WSJ) |
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng đa dạng và phức tạp. Thế giới đã chứng kiến nhiều xu hướng tiêu cực, như bất bình đẳng kinh tế, phân cực xã hội và những hiểm họa môi trường khó lường gây ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế người dân, tác động tới sự gắn kết xã hội và uy tín của các nhà hoạch định chính sách. Kinh tế thế giới đã phục hồi sau thời gian dài suy thoái nhưng tăng trưởng còn chậm và mong manh. Bất ổn an ninh và nguy cơ khủng bố ngày càng hiện hữu và đe dọa mọi quốc gia.
Đặc biệt, bất bình đẳng giàu - nghèo, vấn đề “nóng” từ Diễn đàn Davos 2016 chưa bao giờ hết là thách thức toàn cầu, khi nhóm 1% người giàu nhất thế giới hiện sở hữu khối tài sản có giá trị lớn hơn số tài sản của nhóm còn lại. Báo cáo có tiêu đề "Nền kinh tế của 99% thế giới", được đưa ra trước thời điểm khai mạc WEF lần này, theo đó, tổng tài sản của 3,6 tỷ người nghèo nhất thế giới chỉ tương đương với tổng giá trị tài sản ròng của 8 người gồm 6 công dân Mỹ, một doanh nhân Tây Ban Nha và một doanh nhân đến từ Mexico. Điều này cho thấy dù các nhà lãnh đạo trên thế giới đang ngày càng chú ý tới vấn đề bất bình đẳng thu nhập thì khoảng cách thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nhóm còn lại vẫn gia tăng một cách đáng kể.
Chính vì thế, Diễn đàn Davos năm nay được coi là sự kiện quốc tế có ý nghĩa lớn góp phần đề ra những giải pháp bền vững có tầm, giải quyết các vấn đề toàn cầu. Chủ đề được lựa chọn diễn đàn năm nay là Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm, nhằm đề cao vao trò quản trị toàn cầu trong việc đối phó với những thách thức trong thời kỳ mới.
Vấn đề bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo chưa bao giờ hết là thách thức toàn cầu. (Nguồn: CNN) |
WEF nhận định sự trỗi dậy của thế giới đa cực không nên được viện làm lý do cho sự thiếu quyết đoán và ì ạch của các lãnh đạo. Họ phải cùng nhau hành động để cải thiện tình hình thế giới. Việc này càng trở nên cần thiết khi thế giới bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, được đánh giá sẽ có tác động mạnh lên các nền kinh tế và việc làm trong tương lai. Theo đó, các lãnh đạo phải cam kết hướng tới phát triển bao trùm, bình đẳng, cả trong nước và quốc tế.
Là diễn giả chính tại phiên Khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, sẽ không có người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại.Trung Quốc sẽ luôn giữ cho “cánh cửa của mình mở”, không khởi động một cuộc chiến tiền tệ hoặc giảm giá Nhân dân tệ. Bởi vậy, ông Tập hy vọng các nước khác sẽ giữ cho “cửa mở” và duy trì một sân chơi bình đẳng.
Nói về nền kinh tế Trung Quốc, ông Tập cho biết, nền kinh tế nước này hiện nay đang bước vào một thời kỳ "bình thường mới" sau nhiều năm tăng trưởng hai con số. Chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu đạt vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng và điều tiết tốt hơn nền kinh tế. Dự kiến, trong năm năm tới, Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 8 nghìn tỷ USD hàng hóa từ Mỹ và đầu tư ra bên ngoài khoảng 750 tỷ USD.