📞

Khám phá Điện Biên lịch sử

THU THỦY 11:29 | 13/01/2024
Những ngày đầu năm chúng tôi đến Điên Biên - mảnh đất hội tụ tinh hoa của vùng Tây Bắc với thiên nhiên hùng vĩ, lịch sử hào hùng và văn hóa đặc sắc.

Hành trình càng ý nghĩa hơn khi tỉnh Điện Biên đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2024, cũng là năm kỷ niệm tròn 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ…

Đoàn khách du lịch trải nghiệm ở Đèo Pha Din. (Ảnh: Trung Kiên)

Điểm dừng chân thơ mộng

Được mệnh danh là một trong Tứ Đại Đỉnh Đèo của Tây Bắc, đèo Pha Đin nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển thực sự là trải nghiệm đáng nhớ đối với những du khách về với Điện Biên, đặc biệt là những ai muốn được thử thách và tận hưởng cảm giác thích chinh phục những đường cua uốn lượn mạo hiểm này.

Nằm trên đỉnh đèo hùng vĩ nối giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên là điểm dừng chân thơ mộng mang tên Pha Din Pass. Cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 100 km, khu du lịch được xây dựng từ năm 2016 ngày càng thu hút du khách ghé thăm.

Với khuôn viên rộng 50ha, Pha Din Pass được chia thành nhiều không gian cho du khách thưởng ngoạn, chụp hình, ăn uống và vui chơi thỏa thích.

Đến đây, đoàn chúng tôi không chỉ được tận hưởng không khí trong lành, mà còn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thung lũng hoa tràn ngập sắc màu với các loại hoa tam giác mạch, oải hương, cẩm tú cầu, xuyến chi... cùng những hàng thông xanh.

Ngoài ra, khu du lịch còn trang trí không gian độc đáo và đẹp mắt như đồi chong chóng, cối xay gió, xích đu, nhà chòi, con đường bậc thang đá…

Ẩm thực đặc trưng ở Pha Din gây thương nhớ trong ngày se lạnh của mùa Đông với các món nướng dân dã như thịt xiên, rau cải quấn thịt, gà đồi nướng, cá suối nướng… hay món ăn độc đáo bản địa là nậm pịa dê.

Cảnh quan thiên nhiên và những hương vị ấm áp này giúp đường tới thành phố Điện Biên Phủ bớt mệt mỏi và mang lại tâm lý háo hức khám phá những địa điểm mới cho mỗi chúng tôi.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Tượng đài chiến thắng công viên Mường Phăng. (Ảnh: Trung Kiên)

Sống lại không khí năm 1954

Chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng năm xưa để lại cho mảnh đất Điện Biên một quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ với các di tích nổi bật như Đồi A1, cầu Mường Thanh, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Hầm De Castries, Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi Him Lam, Tượng đài kéo pháo...

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Năm Du lịch quốc gia 2024, tỉnh Điện Biên đã tiến hành sửa chữa, cải tạo nhiều điểm di tích trong quần thể di tích đặc biệt này so với trước đây.

Tại di tích quan trọng Đồi A1 - nơi ghi dấu ấn lừng lẫy với chiến thắng của quân đội Việt Nam, các công trình như cổng chào, đường dây cấp điện, hệ thống âm thanh, hầm hào, lô cốt, tường rào, nhà đón tiếp, các bức phù điêu, biển chỉ dẫn... được sửa chữa, lắp đặt và sơn mới. Tham quan nơi đây là trải nghiệm đầy cảm xúc với niềm tự hào, sự biết ơn và tôn trọng lịch sử.

Cùng với Đồi A1, nhiều địa điểm như Hầm De Castries, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, tượng đài Chiến thắng, cầu Mường Thanh… cũng được cải tạo trên quan điểm giữ nguyên thiết kế, hình dạng ban đầu.

Trong khi đó, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hiện là điểm đến không thể thiếu với du khách khi tới đây.

Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng cho biết, trong năm 2023, Bảo tàng đã đón hơn 150.000 lượt khách tham quan, cùng với sức hút từ bức tranh Panorama chiến dịch Điện Biên Phủ - bức tranh lớn nhất Đông Nam Á, một trong ba bức tranh lớn nhất trên thế giới.

Được chia thành bốn trường đoạn (Toàn dân ra trận, Khúc dạo đầu hùng tráng, Cuộc đối đầu lịch sử và Khúc khải hoàn mừng chiến thắng), tất cả hình ảnh, sự kiện trong bức tranh đã được xâu chuỗi, kết nối liền mạch theo diễn biến, tạo cho người xem cái nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động về chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tính đến hết năm 2023, tỉnh Điện Biên có 33 di tích văn hóa vật thể được xếp hạng (một di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích quốc gia và 18 di tích cấp tỉnh); 18 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó, hai di sản được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại (Nghệ thuật xòe Thái và Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam). Đây là tiềm năng, lợi thế về du lịch văn hóa mà tỉnh Điện Biên sẽ quan tâm phát huy thời gian tới.

Ấn tượng Mường Phăng

Theo dòng lịch sử 70 năm trước, chúng tôi tiếp tục đến với Khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - cơ quan đầu não quan trọng nhất của chiến dịch, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 30km.

Nằm tại khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn thuộc xã Mường Phăng, nơi đây Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã đóng quân trong vòng 105 ngày từ ngày 31/1 đến 15/5/1954.

Sở chỉ huy quan trọng này được xây dựng dọc theo con suối nhỏ, trước sau có hầm hào, lán trại thuận tiện, bảo đảm được bí mật và an toàn tuyệt đối.

Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào ngày 7/5/1954. Quân ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Hiện nay, khu di tích lịch sử đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo với một số hạng mục như bia, biển, hầm, lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, trưởng đoàn cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh…

Ngoài ra, Tượng đài chiến thắng công viên Mường Phăng góp phần khẳng định quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Đây chính là điểm đến để mỗi người có cái nhìn khái quát, chân thực khách quan về sức mạnh của một dân tộc, sức mạnh của những người chiến thắng không phải ở vũ khí, trang thiết bị hiện đại hay ở lô cốt vững chắc mà đó là sức mạnh của tinh thần yêu nước và những người yêu hòa bình.

Về Mường Phăng chuyến này, chúng tôi nghỉ chân ở Che Căn – nơi có đỉnh Pú Huốt lịch sử cao hơn 1.700m so với mặt biển. Chính trên đỉnh núi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho đặt trạm quan sát để theo dõi diễn biến chiến trường ở lòng chảo Mường Thanh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Che Căn (nguyên gốc là từ “Che Cẳn” với ý nghĩa che chở cho nhân dân ngăn cản giặc ngoại xâm) cũng là một trong số ít bản có từ trước năm 1954, còn bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa Thái cổ.

Hiện nay, chính quyền địa phương đã xác định và triển khai những mô hình để Che Căn trở thành bản kiểu mẫu về du lịch cộng đồng, là điểm dừng chân lý tưởng đối với du khách khi đến Điện Biên.

Du khách tới đây được khám phá, tìm hiểu những kiến trúc nhà sàn, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội, các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, mộc, làm nhạc cụ của người đồng bào dân tộc Thái...

Nơi đây còn có dịch vụ xe đạp dành cho du khách khắp bản làng, hay trải nghiệm ngồi xe trâu để khám phá điểm du lịch quanh bản, thu hái nông sản.

Đặc biệt, trong những ngày sôi nổi của Lễ hội Đua thuyền đuôi én lần thứ IX và Giải vô địch các Câu lạc bộ dù lượn quốc gia lần thứ IV diễn ra ở thị xã Mường Lay, những vườn hoa anh đào ở Điện Biên cũng đang bước vào thời kỳ nở rộ, sẵn sàng cho mùa lễ hội từ ngày 12-14/1.

Đây là năm đầu tiên sự kiện Hoa anh đào - Pá Khoang được nâng tầm lên thành Lễ hội Hoa anh đào - Điện Biên Phủ năm 2024 trong Năm Du lịch quốc gia, hứa hẹn thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước.