Hồ thiêng đã được bơm nước đầy lại và một bản sao của bức tượng Ba'al được đặt ở giữa hồ. (Nguồn: CNN) |
Trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng hồ này từng là một bến cảng quân sự và nằm trong chuỗi giao thương của vùng Địa Trung Hải. Nhưng các cuộc khai quật và nghiên cứu mới tại địa điểm lân cận là thành phố đảo Motya của người Phoenicia cổ đại đã tiết lộ rằng hồ này là "trái tim" của một khu bảo tồn tôn giáo hình tròn, rộng lớn…
Motya từng là một cảng nhộn nhịp trong thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Các nhà nghiên cứu xác định niên đại xây dựng hồ này là năm 550 trước Công nguyên, khi thành phố được xây dựng lại sau một cuộc tấn công của Carthage, một vương quốc cổ ở dọc theo bờ biển Bắc Phi và là đối thủ chính của đế chế La Mã. Ngày nay, Motya được biết đến nhiều hơn với cái tên San Pantaleo, và là một địa điểm lý tưởng dành cho khách du lịch.
Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên tìm thấy di tích hồ này vào những năm 1920 và xác định nó phải là một bến cảng nhân tạo giống như bến cảng được phát hiện ở Carthage, được gọi là Kothon.
Khi có những cuộc khai quật mới được thực hiện tại Motya, nhà khảo cổ Lorenzo Nigro, giáo sư trường Đại học Sapienza của Rome, và nhóm của ông đã xác định một thứ khác.
"Trong một thế kỷ, người ta nghĩ 'Kothon' của Motya là một bến cảng nhưng các cuộc khai quật mới đã thay đổi đáng kể cách giải thích: Đó là một hồ thiêng ở trung tâm của một khu tôn giáo lớn", giáo sư Nigro, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong một tuyên bố.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Antiquity vào tuần trước.
Phát lộ địa điểm linh thiêng
Các cuộc khai quật đã được tiến hành tại Motya trong 60 năm qua, cung cấp những manh mối tiềm năng khác về mục đích thực sự của hồ nước. Ở rìa của hồ nhân tạo, các nhà nghiên cứu đã khai quật một cấu trúc mà họ xác định là Đền thờ thần Ba'al, chứ không phải là các tòa nhà của bến cảng. Phát hiện này vào năm 2010 là điều đã thúc đẩy một quan điểm mới về Kothon.
Hồ nước linh thiêng chứa đầy nước ngọt, được ba ngôi đền bao quanh và có một bức tượng nam thần Orion (được người Phoenicia gọi là thần Ba'al) được dựng trên một cái bệ ở trung tâm.
Bức tượng thần này ban đầu được tìm thấy trong đầm nước vào năm 1933 và được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học khu vực Antonio Salinas ở Palermo. Nó cao khoảng 2,4 mét.
Trong thập kỷ qua, Nigro và nhóm của ông đã rút cạn nước ở lưu vực để tiến hành khai quật. Hồ nhân tạo dài hơn và rộng hơn một hồ bơi cỡ Olympic.
"Điều này cho thấy nó không thể hoạt động như một bến cảng, vì nó không được kết nối với biển. Thay vào đó, nó được cung cấp nước từ các con suối tự nhiên", Nigro nói.
Trong quá trình làm việc, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy thêm nhiều ngôi đền dọc theo lưu vực, cũng như bàn thờ, đồ cúng, bệ ở giữa hồ từng là nơi đặt tượng, các tấm bia và cột đá có khắc chữ.
Các phát hiện đã cung cấp thêm bằng chứng rằng nơi đây từng là một hồ nước thiêng hơn là một bến cảng. Và khi lập bản đồ cho khu phức hợp tôn giáo này, họ nhận ra cấu trúc chính của khu này được sắp đặt theo các chòm sao cụ thể và các quan sát thiên thể khác.
Nigro cho biết: “Ngôi đền Ba'al gần đó phù hợp với vị trí của chòm sao Orion vào ngày đông chí, trong khi các tấm bia và các cấu trúc khác phù hợp với các sự kiện thiên văn khác”, Nigro nói. "Điều này chỉ ra kiến thức sâu sắc về bầu trời mà các nền văn minh cổ đại đã có được".
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng bề mặt nằm ngang của hồ có thể đã được sử dụng như một công cụ phản chiếu để lập bản đồ chuyển động của các ngôi sao - điều này rất quan trọng cho việc điều hướng cũng như quan sát các ngày lễ tôn giáo nhất định vào thời điểm đó.
"Các ngôi sao và chòm sao được người Phoenicia coi là thần thánh và tổ tiên linh thiêng", các tác giả viết trong nghiên cứu.
Hồ này đã được bơm nước đầy lại và một bản sao của tượng Ba'al đã được đặt trên bệ ở trung tâm hồ vào năm 2019.
Thành phố của những nhà tư tưởng
Thành phố Motya là một trung tâm hoạt động trong thời kỳ Đồ đồng và Đồ sắt vì nó cung cấp vô số tài nguyên thiên nhiên như nước ngọt, muối và cá, đồng thời là một bến cảng được bảo vệ tốt. Vị trí này cũng là một địa điểm chiến lược giữa Bắc Phi, Iberia và Sardinia.
Vào thế kỷ thứ bảy trước Công nguyên, Motya đã tham gia vào hoạt động thương mại qua Trung và Tây Địa Trung Hải, điều này khiến họ xung đột trực tiếp với Carthage ở phía đối diện của eo biển Sicily.
Các lực lượng Carthage đã tấn công Motya trong thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên, nhưng người dân trên đảo chống trả. Họ đã xây dựng một bức tường thành, cùng hai công trình tôn giáo được xây sau đó.
Các ghi chép lịch sử cho thấy Motya là một nơi giao thoa văn hóa, vì vậy các ngày lễ và sự kiện thiên thể thuộc các nền văn hóa cổ đại khác có thể đã được tổ chức ở đó. Thật không may, sự cởi mở này đã kéo theo cơn thịnh nộ của Carthage, vốn tập trung vào việc duy trì quyền lực chính trị và kinh tế.
Khi Dionysius Đệ nhất, bạo chúa của Syracuse (Hy Lạp), bao vây thành Motya, Carthage đã trì hoãn cung cấp cứu viện. Cuối cùng, Motya đã bị bao vây và phá hủy trong khoảng thời gian từ năm 396 đến năm 397 trước Công nguyên.