📞

Khám phá quán bánh mì chảo Liên Xô thời bao cấp 40 năm tuổi

12:45 | 08/07/2023
Sau 40 năm, quán bánh mì chảo ở Triệu Việt Vương vẫn sử dụng những chiếc chảo Liên Xô thời bao cấp-hình ảnh gắn liền với nhiều người Việt để bán hàng.
Quán bánh mỳ của bà Hồng đã tồn tại 40 năm có biển hiệu quán nhỏ và không nổi bật. (Nguồn: Dân trí)

Trên chiếc chảo Liên Xô, bà Hồng tỉ mỉ đặt trứng ốp la, thịt xiên, pate, xúc xích đỏ, chả, ruốc bông. Món bánh mì chảo của bà đã gắn bó với nhiều thực khách từ thơ bé tới khi trưởng thành.

Bánh mì Hồng Trang là một trong những quán bánh mì chảo lâu đời nhất tại Hà Nội. Trước đây, quán nằm ở Mai Hắc Đế, khoảng 5 năm nay chuyển về Triệu Việt Vương.

Điểm đặc biệt của món bánh mì chảo tại đây là những chiếc chảo Liên Xô với tuổi đời hơn 40 năm. Đó cũng là lí do, nhiều thực khách còn gọi quán là bánh mì chào Liên Xô bà Hồng.

Bà chủ quán tên là Đỗ Thị Xuân Hồng (66 tuổi). Tên quán ghép giữa tên bà và con gái. Bà Hồng bắt đầu bán bánh mì từ năm 22 tuổi. Gọi là quán nhưng không gian khá nhỏ, chật hẹp, gồm một gian nhỏ trong ngõ - xếp được hai bàn nhựa, một góc ngoài trời xếp khoảng hai, ba bộ bàn ghế nhựa và để xe.

Sau hơn 40 năm mở bán, bà Hồng vẫn dùng những chiếc chảo Liên Xô đã gắn bó với quán. Theo chia sẻ của bà, vào thời kỳ bao cấp, bà có dịp được thưởng thức món bít tết của châu Âu.

Món này không chỉ ngon mà còn trình bày đẹp, lạ mắt. Từ đó, bà Hồng sáng tạo nên món bánh mì chảo với cách trình bày tương tự nhưng sử dụng những nguyên liệu quen thuộc của người Việt, với mức giá phải chăng.

Bà Hồng giới thiệu chiếc chảo Liên Xô mấy chục năm của quán. (Nguồn: Dân trí)

Ngày đó, có người hàng xóm của bà đi Liên Xô về, mang theo hơn 50 chiếc chảo, thìa, dĩa, phích đá bằng nhôm. Bà Hồng đã mua hơn 30 chiếc chảo Liên Xô để làm dụng cụ thực hiện món bánh mỳ chảo.

Đến nay, qua nhiều năm, bà chỉ còn giữ lại hơn chục chiếc chảo ngày đó. Bà vẫn hay dùng những chiếc chảo đặc biệt này để phục vụ khách thân quen.

Những chiếc chảo Liên Xô đã dùng hơn 40 năm nhưng vẫn sáng bóng do được bảo quản cẩn thận. Những chiếc chảo này khiến thực khách hoài niệm về thời bao cấp.

"Chảo Liên Xô họ làm tốt lắm, suốt hơn 40 năm mà tới nay vẫn dùng tốt, không bị dính khi cho pate hay trứng vào. Những chiếc chảo mới bây giờ, không bền, không dày dặn bằng", bà Hồng chia sẻ.

Quán chủ yếu bán hai loại bánh mì chảo với mức giá khác nhau. Suất 35.000 đồng bao gồm: Trứng ốp la, thịt xiên, pate, xúc xích đỏ, chả, ruốc bông. Suất 50.000 đồng thì mọi thứ đầy đặn hơn và có thêm viên xíu mại do bà Hồng tự làm.

Hai suất bánh mỳ chảo đầy đủ của quán bà Hồng.

Quán cũng bán thêm các loại bánh mì kẹp với giá dao động 20.000 - 25.000 đồng. "Từ pate, ruốc tới thịt xiên đều do chính tay tôi làm. Tuy tự làm vất vả mà giá thành lại cao hơn là đi nhập loại làm sẵn nhưng đảm bảo sạch, nguyên liệu nguồn gốc rõ ràng. Tôi chọn các loại gan, thịt tươi. Khi khách hàng ăn mình cảm thấy yên tâm hơn. Tuy lãi ít một tí nhưng tôi thấy vui vẻ và hạnh phúc", bà Hồng cười tươi chia sẻ.

Khi khách gọi món, bà mới bắt đầu chế biến, nên món bánh mì chảo luôn được phục vụ trong lúc vẫn còn nóng hổi. Khi chảo nóng, bà đập trứng gà vào, sau đó lần lượt cho thêm thịt xiên, pate, xúc xích đỏ, chả và cuối cùng là ruốc bông.

Pate chính tay bà Hồng làm, được khách gọi là "Pate gây thương nhớ".

Mỗi suất bánh mỳ chảo đều có rau chua ăn kèm. Đặc biệt quán bà Hồng không có nước sốt sền sệt như các quán khác. Thay vào đó, thực khách có thể chấm nước xì dầu hay nước mỡ từ pate, trứng...

Bà Hồng cho biết, mỗi chảo mất khoảng 5 phút để chế biến. Trước đây, ở cơ sở cũ, bà dùng bếp than nên đun nấu tốn thời gian hơn, không gian quán cũng nóng bức, ngột ngạt. Bây giờ, bà chuyển sang bếp điện nên tốc độ phục vụ được cải thiện.

Khách gọi món, bà Hồng mới bắt đầu làm đồ ăn cho nóng.

Tuy là một hàng bánh mỳ nhỏ nhưng để vận hành cũng mất 3 người làm liên tục. Chồng bà Hồng là ông Trần Quang Hoan, phụ trách đi chợ, mua đồ, và bán phụ vợ vào chiều tối.

"Khách một khi đã ăn pate hay bánh mỳ nhà tôi thì khó đi ăn ở chỗ khác lắm. Bởi mọi thứ đều được chính tay vợ tôi làm, luôn đảm bảo nguồn nguyên liệu tươi ngon, chế biến sạch sẽ. Mình ăn thế nào thì nấu bán cho khách như thế", ông Hoan tự hào về tay nghề của vợ.

Quán bánh mì nhỏ nhưng phải có ba người làm mới kịp phục vụ khách.

Khách của bà Hồng ở mọi lứa tuổi, từ người già cho tới trẻ em hay khách nước ngoài. Trước kia, khi chưa đổi địa điểm, có những ngày bà bán gần nghìn chiếc bánh mỳ. Hiện nay, lượng khách giảm mất quá nửa.

Một khách quen, ông Tiến (60 tuổi) cho biết: "Tôi ăn bánh mì ở đây đã ngót nghét hơn 30 năm, từ địa chỉ cũ sang địa chỉ mới. Hương vị ở đây ngon, giữ nguyên theo năm tháng. Những chiếc chảo Liên Xô mang nét xưa cũ, khiến khi ăn tôi thấy bồi hồi".

Khách quen lâu năm thường được phục vụ "suất đặc biệt" sử dụng những chiếc chảo Liên Xô hơn 40 năm tuổi.

Một thực khách trẻ tuổi ở Hai Bà Trưng, Hà Nội đã ăn bánh mỳ chảo ở quán bà Hồng được gần 10 năm, từ khi còn là học sinh.

Anh chia sẻ: "Đồ ở đây ăn khá vừa miệng. Ngon nhất là pate béo ngậy ăn kèm với bánh mỳ giòn rụm. Ruốc ở đây cũng ngon, trứng ốp vừa khéo. Tuy nhiên chỗ ngồi chưa được rộng và có phần hơi bí bách. Nhiều khi tới phải đợi khá lâu".

Quán đông nhất là vào giờ trưa. Quán chật nên nhiều khi khách phải chờ đợi tới lượt. Quán không có chỗ để xe riêng nên đôi lúc gây bất tiện. Tuy nhiên, ngoài chất lượng món ăn, nhiều thực khách yêu mến quán vì sự niềm nở, thân thiện của bà chủ.

(theo Dân trí)