Nhiều doanh nghiệp Anh lâm vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng. (Nguồn: Reuters) |
Đây được cho là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Anh liên hệ tình trạng khủng hoảng hiện nay với sự kiện Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, một bước ngoặt mà London khẳng định là giúp kiểm soát hệ thống nhập cư quốc gia.
Phát biểu khai mạc Đại hội toàn quốc đảng Bảo thủ cầm quyền, được tổ chức tại thành phố Manchester, ông Johnson bảo vệ những biện pháp của chính phủ trong bối cảnh ngày càng nhiều người than phiền về tình trạng thiếu nhiên liệu, hàng hóa dịp Giáng Sinh, trong khi các công ty cung cấp khí đốt phải chật vật tránh phá sản khi giá bán buôn khí đốt tăng mạnh.
Do tính chất cấp bách của vấn đề, cuộc khủng hoảng đã được ông Johnson đề cập đầu tiên trong bài phát biểu tại đại hội đảng Bảo thủ, dù ban đầu ông dự kiến tập trung vào các nội dung như các biện pháp chống dịch Covid-19 sau 18 tháng và kế hoạch thực hiện các cam kết được đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2019 nhằm giải quyết những thách thức về bất bình đẳng, tội phạm và chăm sóc xã hội.
Trả lời phỏng vấn của đài BBC, ông Johnson cho rằng nền kinh tế Anh đã "đổ vỡ" từ trước Brexit và giờ đây đang trải qua những thay đổi cần thiết.
Ông nêu rõ người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit vào năm 2016 và tiếp tục ủng hộ chính phủ do phe chủ trương Brexit lãnh đạo vào năm 2019, qua đó người dân đã thể hiện mong muốn chấm dứt mô hình kinh tế đã đổ vỡ, phụ thuộc vào lực lượng lao động lương thấp và kỹ năng không cao.
Đây được cho là lần đầu tiên Thủ tướng Anh nhắc đến Brexit liên hệ với những khó khăn mà các chuỗi cung ứng và thị trường lao động nước này đang đối mặt, từ tình trạng gián đoạn vận chuyển nhiên liệu tới thiếu hàng hóa dịp Giáng Sinh do thiếu tài xế xe tải. Ngành chăn nuôi cũng đối mặt với nguy cơ hàng chục nghìn con lợn có thể bị tiêu hủy trong những ngày tới do các lò mổ không có người làm.
Tuy nhiên, ông Johnson khẳng định chính phủ do ông lãnh đạo sẽ không mở cửa cho nhập cư ồ ạt để giải quyết những khó khăn trên, đồng thời cho rằng trách nhiệm hiện nay là ở các doanh nghiệp, cần có những biện pháp tăng lương để thu hút thêm người lao động.
Chủ tịch đảng Bảo thủ Oliver Dowden cho biết, chính phủ đang thực hiện các biện pháp nhằm thu hút thêm các tài xế xe tải.
Cuộc khủng hoảng trên được cho là phủ bóng lên đại hội toàn quốc của đảng Bảo thủ. Bên cạnh đó, Thủ tướng Johnson có thể bị chỉ trích vì phá vỡ lập trường truyền thống của đảng Bảo thủ là áp thuế thấp, sau khi chính phủ mới đây công bố tăng thuế để hỗ trợ các lĩnh vực chăm sóc y tế và xã hội.
Về vấn đề này, ông Johnson khẳng định chính phủ không muốn tăng thuế, nhưng cần phải làm điều đó vì trách nhiệm tài chính công, đồng thời khẳng định sẽ tránh tăng thuế trong tương lai nếu có thể.