Toàn cảnh Hội thảo tham vấn quốc gia về dự thảo Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định, thực tế lịch sử đã cho thấy, vai trò của phụ nữ gắn liền với sự phát triển và tiến bộ của xã hội loài người. Chỉ khi phụ nữ được trao quyền, được bình đẳng, chỉ khi tiếng nói và kinh nghiệm của phụ nữ được coi trọng và nâng cao, các giải pháp mới thực sự mang tính toàn diện, bền vững và lâu dài. Với nhận thức và tư duy đó, phong trào đấu tranh vì quyền của phụ nữ và bình đẳng giới đã đạt nhiều bước tiến quan trọng, trong đó phải kể đến thành tựu về Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Nghị quyết 1325 (2000) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã đánh dấu sự ra đời của Chương trình nghị sự quan trọng này, với 2 mục tiêu: bảo đảm tốt hơn các quyền của phụ nữ, trẻ em gái và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong mọi mặt giai đoạn của tiến trình giải quyết xung đột, xây dựng hòa bình.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, đến nay, Chương trình nghị sự này đã trở thành khuôn khổ quan trọng, là cơ sở để tập hợp nguồn lực, tổ chức hành động, hỗ trợ phụ nữ trong các bối cảnh xung đột, khủng hoảng, từ đó giúp họ bảo vệ tốt hơn các quyền và phát huy hiệu quả hơn vai trò của mình trong xã hội.
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, tạo dựng nên truyền thống bản sắc của người Việt Nam. Hiện nay, họ còn là những cán bộ, doanh nhân, nữ chiến sĩ gìn giữ hòa bình của LHQ. Theo Thứ trưởng, chính những hoạt động phong phú này đã thôi thúc Đảng, Nhà nước đặt ưu tiên quan trọng cho việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Ưu tiên này được khẳng định khi Việt Nam lần đầu tham gia HĐBA LHQ năm 2008-2009.
Việt Nam đã ghi dấu ấn quan trọng khi chủ trì thúc đẩy HĐBA thông qua Nghị quyết 1889 (2009) về vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh hậu xung đột - được coi là 1 trong 4 Nghị quyết trụ cột của Chương trình Nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh của HĐBA. Việt Nam hiện cũng là nước có tỷ lệ nữ chiến sĩ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ ở mức cao, đạt 16%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của cơ quan này là 4%. Trong năm 2020, cũng tại Hà Nội, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị quốc tế kỷ niệm 20 năm thực hiện Nghị quyết 1325 của HĐBA LHQ, sự kiện toàn cầu duy nhất trong năm kỷ niệm, và thông qua Cam kết hành động Hà Nội, với 75 nước đồng bảo trợ, trong đó kêu gọi các nước xây dựng Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cũng nhấn mạnh, Việt Nam hiểu rằng, chặng đường hiện thực hóa mục tiêu bình đẳng giới nói chung và Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh nói riêng còn đứng trước nhiều thách thức. Dù chiến tranh trôi qua đã lâu, người dân và nhất là phụ nữ Việt Nam vẫn phải đối mặt với nguy cơ thường nhật cũng như những hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại.
Các đại biểu quốc tế tham dự sự kiện. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng khẳng định, phụ nữ, trẻ em gái luôn là chìa khóa quan trọng, là nguồn lực để mỗi gia đình, cộng đồng chuẩn bị tốt hơn, ứng phó hiệu quả hơn và phục hồi bền vững sau khủng hoảng. Song, những nỗ lực, đóng góp đó thường thầm lặng và chưa được phát huy đầy đủ. Do đó, việc Việt Nam triển khai xây dựng Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh vào thời điểm này có nhiều ý nghĩa quan trọng, tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy chương trình nghị sự này. Chương trình hành động quốc gia sau khi được xây dựng sẽ bổ sung và hoàn thiện các khuôn khổ chính sách về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đặc biệt, đây sẽ là khuôn khổ tổng thể đầu tiên về nội dung này trong lĩnh vực hòa bình và an ninh, với những mục tiêu và giải pháp cụ thể để thúc đẩy hơn nữa các hành động vì phụ nữ, hòa bình và an ninh, nhất là trước những thách thức mới nổi, các thách thức an ninh phi truyền thống.
Bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng đại diện tổ chức UN Women tại Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Phát biểu tại Hội thảo, bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng đại diện tổ chức UN Women tại Việt Nam đánh giá cao việc Việt Nam xây dựng Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh
Theo bà Caroline Nyamayemombe, đây là hành động hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam trong triển khai Cam kết hành động Hà Nội đạt được tại Hội nghị năm 2020, đó là công nhận vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong việc tạo lập hòa bình và phát triển bền vững.
Dù với tư cách là người kiến tạo hòa bình, người gìn giữ hòa bình, người xây dựng hòa bình hay người ứng phó với khủng hoảng và cam kết thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, việc thực hiện quyền con người của họ như một phần không thể thiếu trong nỗ lực duy trì hòa bình quốc tế.
Phần trình bày giới thiệu nội dung dự thảo Việt Nam xây dựng chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hoà bình và an ninh. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Tiếp sau phiên khai mạc, nhóm soạn thảo Chương trình hành động đã giới thiệu nội dung dự thảo Việt Nam xây dựng chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hoà bình và an ninh, ghi nhận những ý kiến đánh giá và chia sẻ, góp ý của các đại biểu, đặc biệt đối với các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp chính đề ra tại dự thảo, những kỳ vọng đối với công tác triển khai Chương trình hành động sau khi được thông qua.
Hội thảo tham vấn quốc gia về dự thảo Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh diễn ra trong hai ngày 6-7/11.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm. (Ảnh: Tuấn Việt) |