📞
Vườn Quốc gia Hoàng Liên:

Khẳng định vị thế trên bản đồ hệ thống Vườn Quốc gia trong nước và khu vực

Xuân Hạnh 10:38 | 03/10/2024
Sở hữu sự đa dạng về sinh vật vào bậc nhất của Việt Nam, trong 22 năm (2002 - 2024) xây dựng và phát triển, Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai) đã nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ với mục tiêu cao nhất và xuyên suốt là quản lý, bảo vệ, bảo tồn những giá trị quan trọng nhất về đa dạng sinh học mà cả nước và thế giới kỳ vọng.
Một góc Vườn Quốc gia Hoàng Liên. (Nguồn: Shutterstock)

Được thành lập năm 2002, Vườn Quốc gia Hoàng Liên là một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng của Việt Nam có tổng diện tích 29.845 ha. Vườn được chia làm các phân khu: Phân khu được bảo vệ nghiêm ngặt (11.800 ha); Phân khu phục hồi sinh thái (17.900 ha); Phân khu hành chính, du lịch, dịch vụ (70 ha). Bên cạnh đó, Vườn còn có vùng đệm với 38.724 ha tiếp giáp và bao quát một phần diện tích của các xã lân cận thuộc huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai); huyện Than Uyên, Phong Thổ (tỉnh Lai Châu).

Do đặc thù về khí hậu, thời tiết, địa hình, dãy Hoàng Liên đã hình thành tại đây hệ động - thực vật vô cùng phong phú. Theo đánh giá của các nhà khoa học, Vườn Quốc gia Hoàng Liên là một trong những trung tâm đa dạng sinh vật vào bậc nhất của Việt Nam, đặc biệt là hệ thực vật rừng.

Theo thống kê, Vườn Quốc gia Hoàng Liên có 2.847 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 1.064 chi của 229 họ, trong 6 ngành thực vật, nhiều loài có tên trong Sách đỏ. Vườn sở hữu 3 loài cây đặc biệt quý hiếm là loài bách xanh, thông đỏ, vân sam fansipan (sam lạnh). 3 loại cây này đã được Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Chương trình Đông Dương khuyến cáo cần có biện pháp bảo tồn, nhân giống vì đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao.

Cùng với đó, các nhà khoa học đã phát hiện ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên nhiều loài phong lan quý hiếm, như lan sứa Sa Pa, lan môi dày Sa Pa và nhiều loài phong lan đặc hữu của Việt Nam phân bố ở Sa Pa, như hoàng thảo ngọc vạn, thanh đạm tuyết ngọc, lan môi ẩn vàng rủ…

Đặc biệt, Vườn Quốc gia Hoàng Liên không thể không nhắc tới các loài đỗ quyên, như đỗ quyên gai, đỗ quyên răng lá nhỏ, đỗ quyên silie, đỗ quyên ly, đỗ quyên huyền diệu, đỗ quyên lưu huỳnh… với khoảng 20 loài trên tổng số 27 loài có mặt tại Việt Nam. Ngoài ra, ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên, các loài cây dược liệu cũng rất phong phú, với gần 800 loài đã được phát hiện.

Bên cạnh hệ thực vật đa dạng, phong phú, tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, các nhà khoa học đã thống kê được 555 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó 96 loài thú; 346 loài chim; 63 loài bò sát và 50 loài lưỡng thể, đặc biệt có loài ếch gai rất hiếm mới được phát hiện.

Hệ động vật đa dạng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên. (Nguồn: 52 HZ)

Đáng chú ý là Vườn Quốc gia Hoàng Liên có rất nhiều loài bướm đẹp, không những có giá trị bảo tồn, thương mại, mà còn có giá trị tham quan du lịch và thẩm mỹ. Nơi đây đã ghi nhận được 304 loài, thuộc 138 giống, 10 họ. Đây là nơi duy nhất của Việt Nam có nhiều loài bướm chưa được tìm thấy ở các vùng, miền khác của đất nước.

Do đó, tại Hội nghị các Vườn Di sản ASEAN tổ chức tại Thái Lan tháng 12/2004, có 4 vườn quốc gia của Việt Nam gồm: Hoàng Liên (Lào Cai), Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn, Chư Mom Ray (Kon Tum) và Kon Ka Kinh (Gia Lai) được công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Vườn còn từng được Quỹ môi trường toàn cầu xếp vào loại A, cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao; công tác phòng cháy chữa cháy rừng triển khai hiệu quả, không để xảy ra cháy rừng đặc dụng trên địa bàn quản lý; Các đề tài dự án thực hiện theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra; Công tác cứu hộ các loài động, thực vật đạt hiệu quả, tỷ lệ cứu hộ thành công cao; Công tác giáo dục môi trường và phát triển du lịch cảnh quan luôn sạch đẹp, đảm bảo an toàn cho khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Những tháng cuối năm, vườn sẽ tiếp tục chú trọng công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; Công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng; Công tác giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường; Công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật.

Với những nỗ lực của hành trình hơn hai thập kỷ, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã khẳng định vị thế trên bản đồ hệ thống Vườn Quốc gia trong nước và khu vực. Chặng đường phía trước dường như đang đặt ra nhiều cơ hội để Vườn Quốc gia Hoàng Liên phát triển, nhất là khi Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.