Lào Cai là nơi sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh, ở trung tâm vùng, có cửa khẩu lớn, văn hóa các dân tộc đa dạng, giàu bản sắc; danh lam thắng cảnh, khoáng sản phong phú. Với cửa khẩu quốc tế lớn, Lào Cai hội tụ đầy đủ kết cấu hạ tầng, hệ thống dịch vụ phát triển, thuận lợi cho nhu cầu giao thương, xuất - nhập khẩu, du lịch và dịch vụ.
Lào Cai là nơi sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh, ở trung tâm vùng, có cửa khẩu lớn, văn hóa các dân tộc đa dạng, giàu bản sắc; danh lam thắng cảnh, khoáng sản phong phú. (Ảnh: Văn Tuyên) |
Cửa ngõ tin cậy và điểm trung chuyển hàng hoá quan trọng
Lào Cai là một tỉnh vùng cao, biên giới ở phía Bắc của Việt Nam, có vị trí địa lý đặc biệt với mạng lưới giao thông đa dạng, là tỉnh nằm giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc. Tỉnh có vị trí chiến lược trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là con đường ra biển ngắn nhất, hiệu quả nhất của hàng hoá từ thị trường Vân Nam - Trung Quốc đến với thị trường Đông Nam Á, Đông Á và ngược lại.
Lào Cai có điều kiện tự nhiên đa dạng, khí hậu ưu đãi để trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế, lượng du khách đạt trung bình trên 5 triệu lượt khách, lượng khách du lịch đến Lào Cai giai đoạn 2010-2020 dẫn đầu khu vực Tây Bắc; kinh tế du lịch đã đóng góp 15% tổng GRDP của cả tỉnh.
Dự kiến đến năm 2030, Khu du lịch Quốc gia Sa Pa với tuyến cáp treo đạt 2 kỷ lục thế giới, cùng với Khu nghỉ dưỡng Quốc tế Y Tý đang được đầu tư sẽ đưa Lào Cai đón 15 triệu du khách và nguồn thu từ du lịch chiếm 25% - 30% GRDP.
Lào Cai ngày càng phát triển với những trung tâm kinh tế - du lịch xứng tầm. (Nguồn: Vietnamnet) |
Lào Cai có thế mạnh lâu dài về phát triển công nghiệp chế biến gắn với hoạt động khai khoáng, với trên 35 loại khoáng sản, 150 điểm mỏ có trữ lượng lớn, trong đó: Quặng apatit có trữ lượng trên 2,5 tỷ tấn, quặng đồng có trữ lượng trên 100 triệu tấn, hàng đầu Đông Nam Á. Tổ hợp nhà luyện đồng công suất 30.000 tấn/năm đã đáp ứng 25% nhu cầu trong nước, giúp ngành công nghiệp giảm gần 300 triệu USD nhập khẩu nguyên liệu.
Ngoài ra, Nhà máy cán kéo đồng hiện đại nhất Đông Nam Á công suất 60.000 tấn sản phẩm dây cáp điện/năm xuất khẩu sang thị trường Châu Âu khởi công trong tháng 3/2022. Quặng sắt trữ lượng trên 120 triệu tấn với mỏ sắt Quý Sa lớn thứ 2 Việt Nam là nguồn nguyên liệu cho Nhà máy Gang thép Lào Cai (công suất dự kiến đạt 1.000.000 tấn/năm) đang cung cấp phôi thép cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, cùng với Lai Châu, Lào Cai có trữ lượng đất hiếm lớn nhất cả nước, là loại khoáng sản giữ vai trò chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật công nghệ cao của thế giới.
Địa phương này có điều kiện để thực hiện vai trò đầu mối thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các tỉnh trong vùng và tỉnh Vân Nam-Trung Quốc, đây chính là lợi thế lâu dài để Lào Cai trở thành cửa ngõ tin cậy và là điểm trung chuyển hàng hoá quan trọng trên tuyến hành làng kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Lào Cai cũng là địa phương nổi bật với những quy hoạch hạ tầng đang và sắp được hoàn thiện. (Nguồn: VGP) |
Môi trường đầu tư thông thoáng, hạ tầng đồng bộ
Với tiềm năng, lợi thế to lớn kể trên, thời gian qua, chính quyền Lào Cai đã nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, như: Vận hành có hiệu quả cao Tổ hỗ trợ doanh nghiệp; nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao uy tín của địa phương đối với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Lào Cai.
Ngoài các văn bản quy định của Trung ương, tỉnh cũng chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù trong giai đoạn, phù hợp với điều kiện thực tế khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến đầu tư kinh doanh, sản xuất trên địa bàn, cam kết tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được hưởng mọi ưu đãi với mức tối đa theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Tỉnh cũng ưu tiên, cho phép hưởng các ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành có liên quan, nhất là các ưu đãi về: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất – nhập khẩu, tiền thuê đất, thuê mặt nước…
Lào Cai cũng là địa phương nổi bật với những quy hoạch hạ tầng đang và sắp được hoàn thiện.
Hồi tháng 9/2023, đúng dịp kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa, dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa, với điểm nhấn là công trình cầu Móng Sến - cầu cạn có trụ cao nhất Việt Nam - chính thức thông xe.
Cùng với đó, dự án mở rộng cao tốc Hà Nội - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn xe, dự án đường kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút IC16 được Bộ Giao thông vận tải triển khai cũng được đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuyến đường kết nối có tổng chiều dài 147km với đoạn qua huyện Văn Bàn dài 68 km.
Đây là những dự án tạo đà phát triển cho cả khu vực với khả năng rút ngắn thời gian di chuyển giữa thành phố Lào Cai với SaPa, Lai Châu và vùng phụ cận, đưa Lào Cai trở thành thành phố trung tâm kết nối.
Trên phương diện hạ tầng kết nối xuyên quốc gia, dự án xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc), kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) cũng đang trong quá trình cấp tập triển khai. Khi hoàn thành thông xe, đây sẽ là một trong những cú hích tăng trưởng giao thương - kinh tế cho thành phố cửa khẩu.
Đặc biệt, dự án Cảng Hàng không Sapa đạt công suất 3 triệu khách/năm vào 2025 cũng là một trong những quy hoạch tạo bước đột phá cho sự phát triển của địa phương. Với tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, khi đi vào hoạt động sân bay sẽ đưa Lào Cai trở thành điểm đến du lịch quốc tế với đủ loại hình giao thông (đường bộ - đường thủy - đường sắt - đường hàng không). Điều này cũng giúp nâng tầm vị thế Lào Cai trở thành cầu nối kinh tế quan trọng trong Tiểu vùng sông Mê Công, bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc).
Sapa là điểm sáng du lịch Lào Cai. (Nguồn: Vneconomy) |
Kinh tế “vươn mình”
Từ một tỉnh nghèo nhất cả nước, đến nay, kinh tế của tỉnh Lào Cai đã vươn lên trở thành tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc và đứng tốp đầu trong 14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục tăng cao, bình quân giai đoạn từ năm 1991 (thời điểm tái lập tỉnh) - năm 2020 đạt 10,4%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt 9.172 tỷ đồng (gấp 252 lần so với năm 1991), thu nhập bình quân đầu người đạt đạt 76,3 triệu đồng (gấp 112 lần so với năm 1991), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Văn hóa - xã hội của tỉnh phát triển toàn diện, có bước đi vững chắc; giáo dục, y tế có bước phát triển vượt bậc. Tỷ lệ giảm nghèo giảm mạnh, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp đảm nhận tốt vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế; tư duy sản xuất hàng nông sản bước đầu hình thành, lan tỏa, ngày càng có nhiều hơn sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP.
Ngoài ra, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Lào Cai luôn được xếp thứ hạng cao của cả nước; là tỉnh đầu tiên công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI).
Nhờ lợi thế vị trí, tài nguyên, du lịch, Lào Cai cũng là điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn ngoại tệ với 27 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 686 triệu USD. Riêng đối với du lịch, tỉnh đã thu hút trên 40 dự án đầu tư quy mô lớn với tổng mức đầu tư đạt khoảng 50.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong tầm nhìn phát triển kinh tế xã hội, cùng với những mục tiêu về đào tạo đội ngũ kinh doanh, quản trị, chuyên gia ngành nghề, các chương trình khởi nghiệp, tăng cường quan hệ ngoại giao hữu nghị với Trung Quốc, Hàn Quốc, Belarus, Pháp... trong năm 2024, Lào Cai sẽ có thêm 800 doanh nghiệp.
Bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cửa khẩu tiếp tục có nhiều điểm sáng. 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lào Cai đạt 5,62%, cao hơn 1,28 điểm so với cùng kì năm 2023. Các lĩnh vực có thế mạnh như công nghiệp, xây dựng, xuất nhập khẩu chưa tạo được đột phá. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn nửa đầu năm đạt trên 4.700 tỷ đồng, cao hơn cùng kì năm trước, nhưng mới đạt 37% so với kế hoạch của tỉnh trong năm nay.
Với quyết tâm bằng chính sức mạnh nội sinh, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp đang chung tay hướng tới một Lào Cai phát triển mạnh mẽ, hiện đại và bền vững.
| Lào Cai thúc đẩy công tác nhân quyền ngày càng hiệu quả và thực chất Ngày 20/6, Văn phòng thường trực về Nhân quyền Chính phủ phối hợp với Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Lào Cai tổ chức Hội ... |
| Cục thuế tỉnh Lào Cai: Tạo đòn bẩy để cán đích mục tiêu mới Khép lại năm 2023, số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của Lào Cai đạt 9.399 tỷ đồng, dù chưa đạt dự toán tỉnh giao, ... |
| Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai: Phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác năm 2024 Với những cố gắng, nỗ lực, trong năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã có 3 tập thể được công nhận ... |
| Nỗ lực vượt khó, góp phần vào thành tựu chung của ngành Tài nguyên và Môi trường Lào Cai Những năm qua, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Lào Cai đã nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo không ngừng vì sự phát triển ... |
| Choản Thèn - Điểm du lịch cộng đồng hấp đẫn nơi vùng cao biên giới Lào Cai Tuy nằm ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Lào Cai, Choản Thèn vẫn nổi tiếng bởi khung cảnh biển mây bồng bềnh hư ảo ... |