📞

Khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Mông Cổ

10:18 | 04/12/2017
Ngày 25/11, tại Trường thực nghiệm Quốc gia số 14 mang tên Hồ Chí Minh ở thủ đô Ulan Bator (Mông Cổ), Đại sứ quán Việt Mam tại Mông Cổ đã tổ chức Lễ Khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, khai trương Phòng tuyền thống Hồ Chí Minh và kỷ niệm 63 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mông Cổ. 

Đến dự có đại diện Bộ Ngoại giao và một số Bộ, ngành của Mông Cổ; lãnh đạo thành phố và lãnh đạo các ban, ngành của thủ đô Ulan Bator và quận Bayanzurkh; Đại sứ một số nước tại Mông Cổ; các cựu Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam qua các thời kỳ.

Lễ khánh thành còn có sự tham dự của toàn thể Ban Giám hiệu, đại diện Hội Phụ huynh học sinh và các học sinh xuất sắc trường số 14 mang tên Hồ Chí Minh; đại diện Hội Hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam, Hội Du học sinh Mông Cổ tại Việt Nam.

Ngoài ra, các cơ quan thông tấn, báo chí của Mông Cổ; Hội Người Việt, Hội Sinh viên Việt Nam tại Mông Cổ cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Mông Cổ và đông đảo bà con người Việt đang làm ăn sinh sống ở Ulan Bator cũng tới tham dự buổi lễ.

Đại sứ Đoàn Thị Hương đọc diễn văn tại Lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 63 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mông Cổ. (Nguồn: ĐSQ)

Biểu tượng của quan hệ thủy chung Việt Nam - Mông Cổ

Trong bài diễn văn, Đại sứ Đoàn Thị Hương đã điểm lại những công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng giành độc lập cho dân tộc và xây dựng đất nước. Đại sứ cũng điểm lại quá trình xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phòng truyền thống Hồ Chí Minh tại Trường Thực nghiệm quốc gia hàng đầu số 14 mang tên Hồ Chí Minh. Đại sứ Đoàn Thị Hương nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng cho hệ hữu nghị truyền thống hai nước Việt Nam và Mông Cổ.

"Lễ Khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phòng truyền thống Hồ Chí Minh tại Trường số 14 mang tên Hồ Chí Minh ở Ulan Bator là một sự kiện lịch sử trọng đại, khẳng định mối quan hệ tốt đẹp, bền vững, thủy chung giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam  Mông Cổ. Công trình này không chỉ là niềm tự hào của người dân Việt Nam mà còn thể hiện lòng biết ơn của Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của nhân dân Mông Cổ đối với Việt Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước", Đại sứ Đoàn Thị Hương nhấn mạnh.

Đại sứ gửi lời cảm ơn sự giúp đỡ của Chính phủ, nhân dân Mông Cổ nói chung và lãnh đạo, nhân dân thành phố Ulan Bator nói riêng; đặc biệt cảm ơn sâu sắc đến tập thể lãnh đạo, giáo viên, học sinh Trường số 14 mang tên Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện để Đại sứ quán hoàn thành công trình tượng đài và Phòng truyền thống Hồ Chí Minh; cảm ơn cộng đồng người Việt ở Ulan Bator đã chung tay góp sức, thể hiện lòng yêu kính Bác Hồ và hướng về quê hương đất nước; cảm ơn bạn bè quốc tế đã luôn bên cạnh ủng hộ Việt Nam.

Lễ cắt băng khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: ĐSQ)

Phát biểu tại buổi lễ, ngài D. Enkhbat, đại diện Bộ Ngoại giao Mông Cổ khẳng định, tình hữu nghị giữa Việt Nam và Mông Cổ đã được thử thách qua thời gian. Nhân dân hai nước luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Mối quan hệ tin cậy tốt đẹp đó ngày càng được củng cố và phát triển. Ngài D. Enkhba khẳng định, nhân dân Mông Cổ rất vui mừng và tự hào về sự phát triển mạnh mẽ, phồn vinh của Việt Nam, tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Mốc son thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mông Cổ

Tại sự kiện, nhiều đại biểu là các cựu Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam, các quan chức của chính quyền địa phương… đã phát biểu bày tỏ sự phấn khởi và cho rằng, đây không chỉ là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với người Việt Nam mà còn là sự kiện quan trọng đối với cả người Mông Cổ. Chúc mừng Lễ khành thành, giáo sư S. Dashtsevel, Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông Cổ Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Mông Cổ.

Trong bài phát biểu tại buổi Lễ, bà Vaandad Tsetsgee - Hiệu trưởng Trường số 14 mang tên Hồ Chí Minh - chia sẻ, giáo viên, học sinh rất vinh dự, tự hào được giảng dạy, học tập trong ngôi trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Trong những năm qua, trường đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước cũng như ĐSQ Việt Nam tại Mông Cổ, trường đã có 10 học sinh được Việt Nam cấp học bổng học tập tại Việt Nam.

Công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trong khuôn viên trường và việc đầu tư hoàn thiện Phòng Truyền thống Hồ Chí Minh là một minh chứng cụ thể của sự quan tâm đó. Bà Vaandad Tsetsgee gửi lời cảm ơn đến Chính phủ và Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ.

Hiệu trưởng Trường số 14 mang tên Hồ Chí Minh khẳng định, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng tự hào của trường. Những trang thiết bị ĐSQ đầu tư cho Phòng Truyền thống Hồ Chí Minh sẽ giúp cho giáo viên, học sinh có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước, con người Việt Nam. Trường sẽ bảo vệ, giữ gìn tốt công trình có ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng này.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm. (Nguồn: ĐSQ)

Hồ Chí  Minh trong tim người Mông Cổ

Đại sứ Đoàn Thị Hương cùng các đại biểu quan khách đã cắt băng thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiếng hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, tham quan, ghi số lưu bút tại Phòng Truyền thống Hồ Chí Minh. Giáo sư S. Dashtsevel đã tặng Phòng Truyền thống cuốn sách “Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp” bằng tiếng Mông Cổ do ông là tác giả, trong đó có cả tác phẩm “Nhật ký trong tù” do ông dịch.

Đặc biệt, tham gia Lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có hơn 50 cháu học sinh trong đội văn nghệ của Trường số 14 mang tên Hồ Chí Minh. Các cháu đã mang đến buổi lễ một không khí đầy xúc động, tự hào bằng những bài hát, điệu múa về Bác Hồ, về đất nước Việt Nam. Với nón lá, áo dài và giọng hát thiết tha, tròn vành rõ chữ, khó có thể nhận ra đó lại là người Mông Cổ biểu diễn. Từ ánh mắt, nụ cười, bước đi, sự biểu cảm trên gương mặt được thể hiện qua nội dung câu hát như hút hồn người xem.

Tôi nhận ra rằng chỉ khi có sự hiểu biết và tình yêu sâu sắc về Bác Hồ, về đất nước, con người Việt Nam thì các cháu mới có thể diễn đạt truyền cảm đến thế. Không ít người Việt rơm rớm nước mắt khi trên sân khấu cất lên tiếng hát “Những bông hoa trong vườn Bác, tỏa ngát hương mang tình yêu mênh mông của Người…”. Giờ phút ấy, tôi cảm thấy nao nao, hình ảnh quê hương như rất gần...

(theo ĐSQ Việt Nam tại Mông Cổ)