Khai thác khí đá phiến tại Anh. |
Nếu như chưa đầy một thập kỷ trước, Mỹ còn là nhà nhập khẩu khí đốt lớn, thì nay Mỹ đã sắp trở thành một quốc gia xuất khẩu khí đốt. Sự thay đổi này ảnh hưởng sâu sắc đến địa - chính trị toàn cầu. Về mặt lý thuyết, việc khai thác khí đá phiến (shale gas) có vẻ khả thi ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Âu và Trung Quốc, vì vậy sẽ có nhiều “người chơi” lớn trên thị trường mới xuất hiện. Các nước và khu vực khác, đặc biệt là Nga và Trung Đông, có thể thấy vị thế của mình suy yếu bất chấp những nghi ngờ về tài chính, kỹ thuật và môi trường xung quanh tương lai của khí đá phiến như một nguồn năng lượng phi truyền thống.
Khởi đầu từ Mỹ
Từ 1945-2010, thị trường khí đốt tự nhiên thường được cấu trúc xung quanh dòng chảy xuất-nhập khẩu giữa các khu vực sản xuất (Liên Xô cũ và Trung Đông) và các nhà tiêu thụ chính (Mỹ, châu Âu và Trung Quốc). Cấu trúc này biểu hiện bằng mạng lưới đường ống dẫn khí và các thỏa thuận ngoại giao, tài chính, đòi hỏi đầu tư rất lớn và kế hoạch dài hạn. Xây dựng và bảo vệ các tuyến đường cung ứng toàn cầu đã tạo ra mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia.
Nhưng ngày nay, việc cung cấp năng lượng đang được định hướng lại. Năm 2007, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã lựa chọn Total và Statoil của Mỹ làm đối tác khai thác mỏ Shtokman ở biển Barents, nơi chiếm tới 2% nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên toàn cầu và đòi hỏi phải có 30 tỷ USD vốn đầu tư. Nhưng ba năm sau, Nga buộc phải đóng băng dự án trên khi Mỹ không còn thiết tha với nguồn khí ở đó mà xoay sang khai thác loại nhiên liệu hóa thạch phi truyền thống.
Công nghệ khai thác khí đá phiến cùng với những lợi ích to lớn mà nó đem lại hiện là mối quan tâm của nhiều quốc gia. Thậm chí, nó còn được coi là nhân tố giúp vẽ lại bản đồ địa - chính trị thế giới trong tương lai. |
Thực tế, với nguồn trữ lượng khí đốt khổng lồ từ đá phiến tại nhiều bang và trình độ khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới, Mỹ là nước đầu tiên tận dụng và làm chủ công nghệ này. Năm 2007-2012, sản lượng khí đá phiến của Mỹ tăng trung bình 50% mỗi năm, tương đương mức tăng từ 5% lên 36% trong tổng thị phần khí gas. Theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), con số này sẽ là 50% vào năm 2040. Sự phát triển của ngành công nghiệp mới đã đem lại 2,1 triệu việc làm và đóng góp 74 tỷ USD tiền thuế cho ngân sách của Mỹ năm 2012.
Một tác động hiển nhiên khác là giá năng lượng: giá khí thiên nhiên tại Mỹ từ 13USD/BTU (đơn vị đo nhiệt Anh) năm 2008, xuống còn 4USD/BTU năm 2012. Tập đoàn HIS tính toán, theo nhiều cách, khí đá phiến đã cộng thêm vào thu nhập thực tế của hộ gia đình Mỹ lên 1.200 USD. Viện Nghiên cứu McKinsey dự báo, công nghiệp khí đá phiến sẽ giúp GDP của Mỹ tăng bình quân 4%/năm (khoảng 690 tỷ USD).
Các thành viên tiềm năng
Từ đột phá trên, các thành viên tiềm năng sẽ xuất hiện. Theo một nghiên cứu về trữ lượng tiềm năng khí đá phiến thế giới được EIA công bố tháng 7/2013, châu Âu khá dồi dào về tài nguyên khí đá phiến, đặc biệt là Pháp - nước có nguồn dự trữ khí thiên nhiên và khí gas khổng lồ từ đá phiến: 3.870 m3 khí và 4,7 tỷ thùng dầu. Tuy nhiên, ít có khả năng xảy ra cuộc cách mạng khí đá phiến ở lục địa này. Không ai nghi ngờ trình độ khoa học kỹ thuật của châu Âu, song họ lại quan ngại về môi trường. Việc sử dụng khí đá phiến sẽ giảm lượng khí nhà kính thải ra, song quá trình khai thác lại gây ô nhiễm môi trường đất, nước và cảnh quan. Vì vậy, Pháp đã cấm sử dụng kỹ thuật thủy lực hiện tại để khai thác khí đá phiến, trong khi nhiều nước như Đức hay Hà Lan, người dân yêu cầu chính phủ nghiên cứu kỹ hơn về tác động của công nghệ này tới môi trường. Ở Anh, Lithuania và Romania, việc khai thác khí đá phiến được tiến hành dè dặt để tránh vấp phải phản ứng mạnh từ cử tri. Nói chung, Ủy ban châu Âu tuy vẫn giữ quan điểm trung lập, nhưng đã áp lệnh buộc thực hiện đánh giá tác động môi trường trước khi khai thác.
Cũng theo nghiên cứu trên, Mỹ Latinh được đánh giá là khu vực dồi dào tài nguyên khí đá phiến, với tổng trữ lượng lên tới hàng trăm nghìn tỷ m3. Trong ba quốc gia đăng ký sản xuất khí đá phiến thương mại, đứng thứ hai sau Mỹ về sản lượng là Canada. Vì vậy, Bắc Mỹ là khu vực sản xuất nhiều khí đá phiến nhất thế giới. Còn ở Nam Mỹ, khu vực dồi dào tài nguyên khí đá phiến nhất tập trung ở Argentina, Mexico, Brazil, Chile và Paraguay. Nhưng vấn đề của khu vực này là vốn.
Trong khi Mexico và Brazil đều có hạn chế pháp lý đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí nhạy cảm, thì Argentina luôn mở rộng cửa nhưng môi trường đầu tư nước này được đánh giá là thiếu an toàn với vô số bê bối xung quanh việc giải quyết các khoản nợ của chính phủ. Chile hay Paraguay lại chưa mấy mặn mà với việc phát triển công nghệ khí đá phiến. Với những lý do khác nhau, Nam Mỹ cũng không có được cú hích mạnh từ khí đá phiến như ở Bắc Mỹ.
Còn ở châu Á, về tiềm năng phát triển khí đá phiến chỉ có hai cái tên là Trung Quốc và Nga. Những mỏ khí đá phiến của Nga chủ yếu nằm ở Siberia, không tiện việc khai thác. Bên cạnh đó, trữ lượng khí đốt và dầu mỏ của Nga vẫn đủ để Moscow chưa vội chuyển hướng khai thác. Trung Quốc nằm trong ba nước chính thức sản xuất khí đá phiến thương mại. EIA đánh giá Trung Quốc có trữ lượng khí đá phiến cao nhất thế giới. Mặc dù đến nay mới chỉ có tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này, song Trung Quốc chắc chắn sẽ không bỏ lỡ món quà lớn như vậy. Chính sách, vốn hay công nghệ không phải là thách thức của đất nước hơn 1,3 tỷ dân này, song mật độ dân số cao ở các khu công nghiệp và ô nhiễm môi trường sẽ cản trở bước tiến mạnh mẽ của Trung Quốc.
Tác động không ngờ
Nói chung, cuộc cách mạng khí đá phiến đã tạo ra những tác động không ngờ. Theo Thierry Bros, tác giả cuốn sách về cuộc cách mạng khí đá phiến của Mỹ, một hiệu ứng domino mạnh mẽ đã được bắt đầu từ sự phục hồi năng lượng của Mỹ. Tại Mỹ, khí đá phiến được sản xuất với giá thành thấp - chỉ 4 USD mỗi BTU năm 2012. Bros cho biết Mỹ sản xuất điện từ khí có lợi hơn từ than đá, nên Mỹ đang xuất khẩu than sang châu Âu. Minh chứng rõ nhất là việc GDF Suez đã bỏ xó ba trong số bốn nhà máy điện chạy bằng than đá tại Pháp. Tờ Les Echos đưa tin: “Tập đoàn của Pháp này đang chịu sự cạnh tranh do than đá Mỹ giá rẻ và nhu cầu về điện giảm ở châu Âu”.
Tuy nhiên, tác động lớn nhất của cuộc cách mạng khí đá phiến là củng cố vị thế hàng đầu của Mỹ về kinh tế. Khác với dầu mỏ, việc vận chuyển khí gas không được thuận tiện, vì thế giá khí gas chênh lệch lớn giữa các khu vực: ở Mỹ là 4USD/BTU, ở châu Âu là 10USD/BTU và ở châu Á là 15USD/BTU. Nhưng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hóa lỏng, việc Mỹ trở thành nhà cung cấp khí gas cho châu Âu và châu Á sẽ sớm hiện thực hóa.
Về lâu dài, khi có nhiều lựa chọn về nhiên liệu, Trung Đông sẽ không còn là vùng đất bị tranh giành. Thái độ chần chừ của Mỹ trong việc giải quyết những cuộc xung đột ở Trung Đông, ví dụ như Syria một phần xuất phát từ nguyên nhân này. Theo IEA, Mỹ sẽ vượt Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu khí hàng đầu thế giới vào năm 2015. Tại sao còn cần đến những giếng dầu ở xa, tình hình an ninh bất ổn và vấp phải sự chỉ trích của quốc tế, khi Mỹ đã có dồi dào tài nguyên tại quê nhà? Trong khi đó, tại châu Âu, nguồn cung từ Mỹ và có thể cả sự phát triển của công nghiệp khí đá phiến sẽ giành thị phần của nguồn cung từ Nga. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng sẽ không còn chi phối thị trường năng lượng. Vị thế của các nước có ngành khai thác khí đá phiến phát triển và có hệ thống cảng biển sẽ tăng lên…
Như vậy, trong tương lai, bản đồ địa - chính trị có thể sẽ được vẽ lại theo nhân tố mới, đó là khí đá phiến. Tuy nhiên, cũng có thách thức mới. Ngay tại nước sản xuất nhiều khí đá phiến thương mại nhất thế giới, theo AP, tiểu bang Ohio tuần qua đã ra lệnh ngừng vô thời hạn việc khai thác khu mỏ Youngstown vì người ta nghi ngờ những tác động mạnh dưới lòng đất bằng kỹ thuật thủy lực có thể gây ra động đất, dù chưa có đủ luận cứ khoa học để xác định hay phủ định điều này.
Việt Chung