Giá trị của niềm tin
Tại buổi tọa đàm Kỷ niệm ngày quyền của người tiêu dùng quốc tế (15/3), ông Đặng Hoàng Hải, Cục phó Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng diễn ra rộng, ở nhiều cấp độ và ngày càng phát triển hơn. Trong khi đó, các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành đã lâu nhưng hạn chế do chưa xác định được vị thế của người tiêu dùng.
Bảo vệ người tiêu dùng chính là bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Tại nhiều nước, rất nhiều trường hợp doanh nghiệp vì xem thường quyền lợi của người tiêu dùng mà dẫn đến phá sản, thậm chí phải đối mặt với những hậu quả pháp lý khác mà người tiêu dùng khởi kiện. Tuy nhiên, phải chăng vì hệ thống pháp luật, chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam còn quá lỏng lẻo và thiếu tính răn đe, nhiều người tiêu dùng lại chưa hiểu hết về quyền và trách nhiệm của mình nên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục cho mình cái quyền được thờ ơ và coi nhẹ người tiêu dùng?
Các nhà kinh doanh biết rõ hơn ai hết, chữ Tín phải luôn được đặt lên hàng đầu trước khi bước chân vào thương trường. Và muốn xây dựng được chữ Tín, họ cần phải có chữ Tâm.
Có lẽ không có người dân nước nào lại quan tâm đến thời sự tiêu dùng nhiều như người dân Việt. Bởi hơn một năm trở lại đây, những câu chuyện như sữa bột “đội lốt” sữa tươi, “nghi án melamine”, cho đến việc nước tinh khiết bị phát hiện nhiễm bẩn, gần đây nhất là một số loại dầu gội đầu, sữa tắm bị nghi chứa chất gây ung thư… được người dân bàn tán khắp nơi. Khi niềm tin bị giảm sút thì phản ứng đầu tiên của người tiêu dùng là “tẩy chay”. DN nào gây ra hậu quả thì nghiễm nhiên gánh chịu hậu quả. Tuy nhiên, không ít trường hợp nhà sản xuất chân chính cũng bị vạ lây. Hậu quả là nhiều người làm ăn đàng hoàng chỉ vì một “cú phốt tẩy chay” mà có khi sập tiệm. Thế mới biết, niềm tin của người tiêu dùng quan trọng với doanh nghiệp như thế nào.
Khách hàng phải là thượng đế
Trong buổi hội đàm, GS. TSKH Lê Doãn Diên, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực, Thực phẩm Việt Nam khẳng định: “Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, việc sản xuất và chế biến các loại thực phẩm có chất lượng cao, đặc biệt là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời đáp ứng đầy đủ sở thích của người tiêu dùng là một yêu cầu có tính chất sống còn của nền kinh tế”. Rõ ràng, trong lộ trình hội nhập với sự cạnh tranh hết sức khốc liệt của nền kinh tế thị trường, chất lượng hàng hóa nói chung và chất lượng các loại thực phẩm nói riêng, đặc biệt là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn vong của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm.
Việc điều hành, phối hợp, quản lý chất lượng ở tầm vĩ mô và vi mô toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất, chế biến, thương mại, tiêu dùng sản phẩm theo phương châm “từ cái cày đến cái đĩa” phải được đặt ra và phải được thực thi trong thời gian tới ở Việt Nam. Từ đó, mới có hy vọng làm cho các loại nông sản, lương thực, thực phẩm Việt Nam có chất lượng tốt, đặc biệt là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng mọi yêu cầu của cộng đồng người tiêu dùng cũng như cạnh tranh trên thị trường.
Tất nhiên, đây là vấn đề mang tính liên ngành rộng rãi, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp. Nhưng, doanh nghiệp nên nhớ rằng, chẳng thể đổ lỗi cho ai khi vụ việc xảy ra, họ mới chính là đối tượng trực tiếp chịu phản hồi từ chính lương tâm và trách nhiệm của mình.
Hiện trạng tiêu dùng Việt nam: Đã có những thay đổi
Cùng sự xuống dốc của kinh tế thế giới, với tất cả các suy đoán và nghi ngờ về triển vọng kinh tế Việt Nam 2009, TNS-Gallup International Vietnam đã tiến hành cuộc khảo sát về sự tự tin của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam. Dưới đây là một số kết quả chính:
Nỗi lo thất nghiệp gia tăng
Trong số 500 người được khảo sát, 86% tin rằng thất nghiệp sẽ tăng lên ở VN trong năm 2009. Trong số 12 quốc gia châu Á được tiến hành khảo sát, VN là nước có nhiều người nhất tin rằng thất nghiệp sẽ tăng lên. Nhưng 39% cho rằng nếu họ mất việc thì sẽ nhanh chóng tìm được việc khác. Sự lạc quan này đã giảm nhiều khi năm 2006, chỉ có 18% đáp viên lo sợ thất nghiệp sẽ xấu hơn trong 12 tháng tới và 9% trong tháng 9/2008.
Xu hướng không tích cực
Có tới 54% NTD cho rằng giá trị của VND sẽ tệ hơn trong năm 2009. Tháng 9/2008, 32% tin rằng VND sẽ có giá trị hơn, chỉ 4 tháng sau, chỉ còn 19%. Vào tháng 9/2008, 39% NTD phát biểu rằng chi phí sống sẽ cải thiện hơn trong 12 tháng tới, nhưng chỉ có 28% đồng ý như vậy vào tháng 1/2009.
Các xu hướng kinh tế tích cực
45% NTD tin rằng kinh tế năm 2009 sẽ tốt hơn năm 2008. Tuy nhiên, cách đây chỉ 6 tháng, 88% tin rằng nền kinh tế sẽ tốt hơn trong năm 2009 và 86% tin như thế năm 2007. Đáng chú ý nhất, “mức sống cá nhân” nhận được sự ủng hộ cao nhất. Trên 1/3 cho rằng mức sống cá nhân sẽ tăng lên trong năm 2009, trong khi gần một nửa nghĩ rằng vẫn giống như năm 2008. Chỉ 17% phát biểu rằng mức sống sẽ giảm xuống. So với cuộc khảo sát tháng 9/2008, 7/10 người cho rằng mức sống sẽ cải thiện.
Xu hướng chi tiêu và tiết kiệm
Trong 10 năm qua, tỉ lệ tiết kiệm từ tổng chi tiêu giảm từ 17% năm 1999 xuống còn khoảng 10% năm 2008, phần lớn là nhờ vào các thành tựu kinh tế của Việt Nam đã tạo ra sự tự tin chưa từng có cho NTD. Tuy nhiên, theo cuộc khảo sát, 52% NTD sẽ giảm chi tiêu trong năm 2009 so với 2008.
Ngành nào sẽ bị ảnh hưởng?
Với các DN trong nước, ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là nhà hàng và công nghiệp giải trí, khi 44% người nói sẽ cắt giảm chi tiêu. Gần 1/3 số người trả lời cũng cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm việc mua sắm các sản phẩm gia dụng và 28% cắt giảm việc mua sắm các thiết bị cá nhân. Cả các công ty dịch vụ viễn thông và tiện ích công cộng sẽ chứng kiến ảnh hưởng tiêu cực đối với mức độ sử dụng và sự tiết kiệm trong 6-12 tháng tới, khi 28% NTD nói rằng họ sẽ giảm chi tiêu cho những thứ này.
Tuy nhiên, hầu hết NTD vẫn sẵn lòng trả tiền cho dầu gội và bột giặt ưa thích, với chỉ 23% giảm chi tiêu vào các mặt hàng này. 16% giảm chi tiêu cho cà phê hòa tan, kem và bột nêm. Có hai ngành thật sự cho thấy sự ổn định, thậm chí tăng lên là chăm sóc sức khỏe và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe với 12% giảm chi tiêu và cùng một tỉ lệ sẽ tăng chi tiêu. Giáo dục là ngành duy nhất có chi tiêu tăng với gần 1/4 người cùng đồng ý.
Cúc Nhi |
Diễn Tú