📞

Khi doanh nhân nữ đứng vững, AEC phát triển

09:00 | 10/03/2016
Tất bật tới Việt Nam sau khi vừa ký kết một thỏa thuận kinh doanh thực phẩm chức năng với đối tác Lào, chị ORN Sidana, thành viên Hiệp hội doanh nhân nữ Campuchia hy vọng tham dự AWEF lần này có thể giúp chị tìm kiếm thêm nhiều đối tác khu vực và học hỏi kinh nghiệm từ những doanh nhân “cây đa, cây đề” trong AWEN.
Các đại biểu tại Diễn đàn.

Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN (AWEF) lần thứ hai, một trong những hoạt động của Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN) được tổ chức trong hai ngày 4-5/3 tại Hà Nội. Sự kiện có sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc; Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Chủ tịch AWEN Nguyễn Thị Tuyết Minh. Về phía quốc tế, Diễn đàn có sự hiện diện của Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh; Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa; đại diện các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế cùng gần 400 doanh nhân nữ đến từ mười nước ASEAN.

Lực lượng tiên phong

Tại Diễn đàn, bà Victoria Kwakwa nhận định ASEAN đang phát triển và hội nhập sâu rộng với sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Hội nghị cấp cao  đặc biệt ASEAN – Mỹ diễn ra tại Sunnylands (Mỹ) vừa qua đã khẳng định vai trò và vị thế quốc tế ngày càng cao của Hiệp hội. Tuy nhiên, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc hay khủng hoảng tị nạn ở châu Âu sẽ là hai trong nhiều thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của Hiệp hội. Do đó, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nữ phải có những bước đi chắc chắn để nền kinh tế khu vực không bị lung lay.

Đồng tình với quan điểm của bà Kwakwa, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định nền kinh tế khu vực cần được chuyển đổi theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao và doanh nhân nữ phải là lực lượng tiên phong trong quá trình chuyển đổi này.

Theo ông, phụ nữ ASEAN làm kinh tế giỏi không chỉ do sự năng động, sáng tạo mà còn do sự tinh tế và nhân ái. “Nền kinh tế thế giới đang có xu hướng nhân văn hơn. Chị em phụ nữ, với tấm lòng của người mẹ, người vợ sẽ có lợi thế tuyệt đối trong xu thế này”, ông Lộc chia sẻ. Ông đánh giá AWEN là mạng lưới đi vào lịch sử của nền kinh tế ASEAN như một động lực quan trọng.

Ông Tom Corrie, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cũng đánh giá cao vai trò của doanh nhân nữ trong EU. “Hội nhập khu vực không phải là quy trình dễ dàng và nhanh chóng. EU và AEC khác nhau nhưng chúng ta đang học hỏi lẫn nhau. Tôi ủng hộ và đánh giá cao AWEN”, ông Tom Corrie nói.

AWEN được thành lập và ra mắt vào ngày 22/4/2014 tại Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) giữ vai trò Chủ tịch AWEN nhiệm kỳ hai năm đầu tiên (4/2014-4/2016).

Tăng cường xây dựng mạng lưới

Doanh nhân nữ là lực lượng quan trọng để phát triển nền kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, trước mắt họ còn không ít rào cản phải vượt qua và cần sự nỗ lực không chỉ của bản thân mà cả sự giúp đỡ trực tiếp từ chính phủ mười nước thành viên.

Chị Orn Sidana chia sẻ chị và nhiều doanh nhân nữ ban đầu khá dè dặt khi hội nhập vào AEC. Bên cạnh lợi thế AEC mang lại như thị trường kinh doanh rộng lớn hơn, nhiều ưu đãi về thuế quan..., doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung và doanh nghiệp nữ ASEAN nói riêng phải đối mặt với  sự cạnh tranh khắc nghiệt.

Trước thực tế này, bà Victoria Kwakwa gợi ý ASEAN cần tăng cường xây dựng mạng lưới kết nối doanh nhân nữ. Từ những mạng lưới này, các doanh nhân có cơ hội chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau để mỗi thành viên giảm bớt nỗi  sợ về rủi ro hay thất bại. AWEN chính là một hình mẫu lý tưởng cho mục tiêu này.

Bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định AWEN là mạng lưới mở, sẵn sàng chào đón tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ. Doanh nhân nữ ở mười nước ASEAN nên hợp tác chặt chẽ với các điều phối viên AWEN ở nước mình để bày tỏ mong muốn, nguyện vọng của bản thân. AWEN sẽ tập hợp những sở nguyện đó và thảo luận giải pháp theo cấp độ khu vực. “AWEN luôn đồng hành với những doanh nhân đã sẵn sàng hội nhập để xóa mờ những rào cản về văn hóa, ngôn ngữ... trong quá trình chia sẻ, hợp tác”, bà Đức nói.

Về phía chính phủ, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng chính phủ các nước ASEAN cần cải thiện hành lang pháp lý, thể chế để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân nữ. Ông Cung ví việc hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp do doanh nhân nữ thành lập như đi trên một cây cầu khỉ, chênh vênh trong môi trường khắc nghiệt không ai hỗ trợ. “Nhiều doanh nghiệp ra ngoài hội nhập thấy mình cô đơn, không có bàn tay nâng đỡ của nhà nước. Điều này trái hẳn so với nhiều nước trên thế giới khi nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong mỗi bước hội nhập”, ông Cung bày tỏ. 

Phía trước còn nhiều khó khăn nhưng bà Jully Tjindrawan, thuộc Hiệp hội Doanh nhân nữ Indonesia tin tưởng về khả năng vươn xa của doanh nhân nữ ASEAN. Theo bà, phụ nữ ASEAN có bốn đặc điểm nổi bật bao gồm đa năng, tư duy hệ thống, có năng lực đột phá và tạo ra giá trị từ con số không. Do vậy, khi người phụ nữ ASEAN đứng vững trên đôi chân của mình, AEC cũng vững vàng phát triển.