📞

Khí đốt - 'trúng đòn' trừng phạt châu Âu, sức khỏe người khổng lồ năng lượng Nga Gazprom giờ ra sao?

Minh Anh 13:29 | 11/11/2022
Tập đoàn năng lượng Gazprom có bị thành một nạn nhân bất ngờ trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine?

Có phải Gazprom - công ty độc quyền xuất khẩu khí đốt của Nga đang rơi vào khủng hoảng do tác động của xung đột quân sự và trừng phạt kinh tế?

‘Sức khỏe’ người khổng lồ năng lượng Nga Gazprom giờ ra sao? Trong ảnh: Tổng thống Nga Putin và CEO Gazprom Alexey Miller tại một sự kiện. (Nguồn: Getty Image)

Đúng là thị phần của Gazprom trên thị trường châu Âu đã giảm từ 40% xuống chỉ còn 9%, trong khi hai đường ống Nord Stream được đầu tư với chi phí lên tới hơn 20 tỷ Euro phải nằm im dưới đáy biển Baltic.

Cũng trong khoảng thời gian này, giá cổ phiếu của người khổng lồ khí đốt Nga đã giảm tới 88% kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bắt đầu (2/2022), đến tháng Tám, Gazprom được cho là còn tồn đọng một lượng lớn khí đốt không bán được.

Chuyên gia năng lượng Nga Adnan Vatansever, giảng viên cao cấp tại King's College London, cho biết: “Về cơ bản Tập đoàn này đang phải chịu một cuộc khủng hoảng tồn tại. Triển vọng tăng trưởng hơn nữa của Gazprom có phần hạn chế và nó sẽ phải giảm sản lượng đáng kể vào một thời điểm nào đó". Đây có thể là một tình huống mới đối với một doanh nghiệp đang “hái ra tiền” trong đúng thời điểm năng lượng khan hiếm và giá thì “trên trời”.

Vốn được chuyển đổi từ Bộ Khí đốt thành doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên của Liên Xô vào năm 1989, Gazprom được tư nhân hóa hoàn toàn dưới thời cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Nhưng sau đó, dưới thời Tổng thống Putin, doanh nghiệp năng lượng nổi tiếng này lại trở lại nằm dưới sự kiểm soát của Nhà nước Nga vào năm 2005.

Theo chuyên gia Vatansever, Tổng thống Nga Putin rất thông thạo về… kinh doanh khí đốt. “Ông ấy gần như là người quản lý không chính thức của Gazprom”.

Hiện tại, Gazprom vẫn tạo ra một trong những nguồn thu lớn cho chính phủ Nga nhờ kinh doanh khí đốt.

Mặc dù xuất khẩu sang EU đã giảm 48% trong 8 tháng đầu năm nay so với năm 2021, nhưng lợi nhuận của nó đã tăng hơn gấp đôi trong nửa đầu năm 2022 nhờ giá khí đốt tăng cao - và nó tiếp tục thu về 100 triệu Euro mỗi ngày nhờ mặt hàng khí đốt, theo một số ước tính.

Người khổng lồ năng lượng Nga cũng thu được 20 tỷ Euro cổ tức, khoản thanh toán lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Nga.

Phân tích về tương lai Gazprom, Giám đốc Nghiên cứu chuyển đổi năng lượng James Henderson tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford nhận định, mặc dù giá khí đốt sẽ ở mức cao trong “ít nhất hai năm tới”, nhưng vẫn chưa rõ liệu chúng có tiếp tục cao sau đó hay không?

“Vào nửa sau của thập kỷ này… chắc chắn vẫn còn một dấu hỏi về việc liệu Gazprom có thể tiếp tục với quy mô như bây giờ hay không?” ông nói. Gazprom có khả năng phải giảm sản lượng và giảm quy mô một chút”.

Công ty có thể bắt đầu cảm thấy tác động khó khăn về tài chính vào năm 2025 hoặc “sớm hơn thế”, theo chuyên gia Vatansever, tùy thuộc vào tốc độ châu Âu loại bỏ nguồn cung khí đốt của Nga và mức giá cao đến như thế nào.

Một cựu quan chức cấp cao của Gazprom đề nghị giấu tên cho biết: “Họ sẽ chuyển nhiều hơn sang khí đốt tự nhiên hóa lỏng và các chuyến hàng đến Trung Quốc… nhưng điều đó sẽ không thể bù đắp "khoảng trống" mà châu Âu đã để lại, ít nhất trong ngắn hạn”.

Theo quan điểm của chuyên gia Henderson, bất chấp những vấn đề của Gazprom, Moscow sẽ không thể để doanh nghiệp khổng lồ này phá sản, không chỉ vì giá trị biểu tượng của nó, mà vì công ty đang kiểm soát toàn bộ hệ thống đường ống ở Nga và cung cấp một nửa năng lượng cho đất nước.

“Nga không thể để Gazprom sụp đổ bởi vì nó rất quan trọng đối với nền kinh tế Nga. Toàn bộ hệ thống điện dựa vào nó. Hệ thống sưởi của người dân cũng do công ty quản lý”.

Phát biểu tại một hội nghị năng lượng ở Moscow tháng trước, Tổng thống Putin cũng khẳng định các mối quan hệ xuất khẩu cũ có thể được xây dựng lại. Ông khẳng định, Nga là một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy và phi chính trị, thậm chí còn đề nghị tái khởi động việc cung cấp khí đốt, qua một đoạn của đường ống Nord Stream 2 có thể không bị phá hủy.

"Nga đã sẵn sàng để bắt đầu những cuộc giao hàng như vậy. "Quả bóng" - như họ nói, đang đứng về phía Liên minh châu Âu. Nếu họ muốn, hãy để họ mở vòi và thế là xong", Tổng thống Putin nói.

Với đáp trả “tuyệt tình” từ phía châu Âu rằng “Nga không còn là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy nữa", tức là lỗ hổng tài chính do châu Âu để lại cho Gazprom gần như không còn nhiều hy vọng lấp lại - trước xung đột Nga-Ukraine chiếm khoảng 70% doanh thu từ khí đốt.

Theo chuyên gia năng lượng Adnan Vatansever, để lập đầy doanh số bán hàng ở châu Âu giảm sút, Gazprom sẽ dựa nhiều hơn vào bốn thị trường mục tiêu khác. Bao gồm: các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, như Belarus và các nước ở Trung Á; một lựa chọn khác là xoay trục sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc; đường ống Power of Siberia II có công suất 50 bcm cũng đã được lên kế hoạch…

Tuy nhiên, tất cả những thị trường đó cộng lại vẫn chỉ bằng khoảng một nửa so với lượng hàng hóa mà Moscow cung cấp cho châu Âu trước đây. Ngoài ra, giá cả cũng sẽ là một câu hỏi quan trọng.

Chẳng hạn, Jonathan Stern, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho biết: “Hiện tại, khí đốt được bán cho Trung Quốc với giá thấp hơn nhiều so với giá Gazprom đang bán ở châu Âu.

Bởi vậy theo chuyên gia Vatansever, đẩy mạnh xuất khẩu LNG sẽ là một khả năng khác, mặc dù hiện tại đó là một lĩnh vực không phải thế mạnh của Gazprom. Sẽ có rất nhiều việc phải làm, theo nhận định của Oliver Alexander, một nhà phân tích nguồn mở độc lập, “Sẽ mất nhiều thập kỷ để Nga có thể tiến gần đến sản lượng mà họ có thể cung cấp bằng đường ống dẫn khí đốt”.

Và theo bình luận của giới quan sát, con đường hứa hẹn nhất để Gazprom tiếp tục mở rộng có thể là ở chính thị trường nội địa rộng lớn, Tổng thống Putin từng kêu gọi "khí hóa xã hội" - liên kết nhà cửa, trường học và bệnh viện với lưới điện khí đốt và giữ cho nền kinh tế Nga được cung cấp năng lượng giá rẻ.

(theo Politico)