Khác với các cuộc họp chính sách trước của Fed, quyết định tăng lãi suất ngày 15/3 không gây bất ngờ. Chủ tịch Fed - Janet Yellen đã trở nên quyết đoán hơn và không còn thận trọng, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường. Các đánh giá của Ủy ban Thị trường mở (FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed) không còn những từ “kiên nhẫn”, “chờ thời gian thích hợp” hay “chờ sự ổn định hơn của các thị trường mới nổi”. Thay vào đó, Fed khẳng định, nền kinh tế Mỹ đã tốt lên và Fed sẽ bước vào thời kỳ tăng lãi suất đều đặn, ít nhất sẽ còn hai đợt tăng nữa trong năm nay và ba lần năm 2018.
Sự bất ổn trên thị trường tài chính thế giới trong tương lai đang ngày càng rõ nét. |
Cẩn trọng với USD
Trên thực tế, đúng là các thị trường mới nổi có dấu hiệu mạnh lên, với đà hồi phục của giá hàng hóa và tăng trưởng xuất khẩu, nhưng họ vẫn đang phải vật lộn để làm tăng nhu cầu nội địa. Động thái lần này của Fed chính thức “châm ngòi” cho những thay đổi lớn tại các thị trường toàn cầu. Việc điều chỉnh lãi suất ở các nền kinh tế vốn bị kìm hãm bởi các vấn đề nội địa nay được thả lỏng để giữ các dòng vốn nước ngoài đang có xu hướng chảy sang các nước khác vì lợi suất cao hơn.
Thêm vào đó, các nước cũng cần phải ngăn chặn đồng nội tệ bị rớt giá so với USD đang tăng quá mạnh. Thậm chí, theo nhận định của nhà kinh tế trưởng phụ trách châu Á thuộc ING -Tim Condon, ngay cả khi các điều kiện trong nước cho thấy cần phải giảm lãi suất, nỗi sợ về sự biến động thị trường tài chính bị thổi phồng, sẽ khiến cho ngân hàng trung ương các nước phải thận trọng hơn.
Đồng USD mạnh lên khiến thị trường tài chính tiền tệ nhiều nước chao đảo, không ngoại trừ nước lớn hay nhỏ. Giới chuyên gia dự đoán rằng, có thể ngay từ các cuộc họp chính sách tiền tệ trong tháng này, ngân hàng trung ương các nước sẽ bắt đầu lao vào cuộc đua bảo vệ đồng nội tệ thông qua nâng lãi suất.
Trong đó, chu kỳ lãi suất giảm kéo dài ở châu Á có thể sẽ chấm dứt, khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Trung Quốc - tiếp tục động thái siết chặt tiền tệ lần thứ 3 trong năm. Tuy vậy, quyết định của Fed sẽ làm cho Trung Quốc khó ngăn được sự suy yếu của Nhân dân tệ; hạn chế dòng tiền đang rút mạnh ra khỏi thị trường; bế tắc với mong muốn giảm bớt đống nợ đang phình to và bấp bênh trong rủi ro bong bóng bất động sản.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng vừa công bố quyết định giữ nguyên mục tiêu lãi suất ngắn hạn 0,1% và kèm theo cam kết sẽ tiếp tục mua trái phiếu, dù lạm phát lõi vẫn đang thấp hơn mục tiêu 2% đầy tham vọng của họ rất nhiều.
Tại châu Âu, động thái lần này của Fed không chỉ là thông tin duy nhất có thể khiến các nước cảm thấy cần phải củng cố vị thế của mình. Những cuộc bầu cử “bất ổn” trên khắp châu Âu đang khiến Hà Lan, Pháp, Thụy Sỹ… buộc phải phản ứng, bất chấp các điều kiện trong nước ra sao.
Nếu Fed không còn độc lập
Nước Mỹ đang theo đuổi một đồng USD mạnh hay yếu? Chính Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không thể hiện quan điểm rõ ràng về vấn đề này.
Trên thực tế, nếu muốn làm giảm giá USD, Fed phải hạ lãi suất. Nhưng Fed đang làm điều ngược lại. Còn nếu Fed quyết định làm suy yếu đồng USD theo lệnh của Tổng thống Mỹ, kế hoạch thắt chặt tiền tệ có thể phải chấm dứt. Cái giá cho việc làm suy yếu USD là Fed sẽ phải chấp nhận hy sinh chức năng sử dụng chính sách tiền tệ để ổn định nền kinh tế.
Người ta đồn đoán rằng, Fed đang phải đối mặt với việc bị các chính trị gia can thiệp, rất có thể cơ quan này sẽ đánh mất khả năng hành động độc lập. Sự bất ổn trên thị trường tài chính thế giới trong tương lai đang ngày càng rõ nét, khi ngay từ bây giờ, trái ngược với quy luật thường thấy, vàng đã tăng giá rất mạnh.
Còn về dài hạn, nếu quá trình bình thường hóa lãi suất của Fed diễn ra như dự kiến, song hành với nó là các chính sách cải cách thuế, giảm quy định hành chính và đầu tư cả nghìn tỷ USD vào cơ sở hạ tầng của Tổng thống Trump thành hiện thực, chắc chắn USD còn tăng mạnh. Giới chuyên gia dự đoán rằng, tỷ lệ tăng có thể lên tới 15-20% trong vòng 3 năm tới. Nếu đúng như vậy, diễn biến này sẽ còn ảnh hưởng rất lớn lên thị trường ngoại hối thế giới, tới chính sách tiền tệ và quan hệ xuất nhập khẩu của rất nhiều nước từ châu Âu cho tới Trung Quốc.
Đề phòng mất lợi thế cạnh tranh
Chia sẻ nhận định về triển vọng kinh tế 2017-2020 tại hội thảo Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam và vai trò của Nhà nước kiến tạo trong hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh mới đây, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cùng với thế giới, Việt Nam chắc chắn sẽ chịu nhiều tác động của những thay đổi chính sách trong thời gian này. “Nếu USD tăng 15-20% sẽ tác động rất nhiều đến kinh tế Việt Nam về các vấn đề như lãi suất, tỷ giá, hoạt động thương mại hai chiều”, TS. Lực nhận định.
Có cùng quan điểm này, ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, về thực chất tác động từ quyết định của Fed sẽ không diễn ra ngay lập tức, vì thị trường đã có sự chuẩn bị. Thậm chí, thị trường đã kỳ vọng một mức tăng cao hơn. Nhưng về lâu dài, khi lãi suất USD tăng lên, nếu lãi suất VND không tăng, tác động lên ngoại hối sẽ thấy rõ trong vài tháng tới.
Nếu Fed tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất trong năm, xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực sẽ là mất giá so với USD, trong bối cảnh kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại. Khi kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, Việt Nam cần chú ý tới biến động của các đồng tiền trong khu vực để đảm bảo không bị mất lợi thế cạnh tranh.
Rủi ro về áp lực dòng tiền nóng chảy ra do chênh lệch lãi suất ở Việt Nam sẽ không cao nhưng tác động âm thầm và dài hơi hơn trong xuất nhập khẩu là vấn đề cần kiểm soát.