📞

Khi lòng dân tin vào ý Đảng

17:30 | 29/01/2016
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 20-28/1 mang theo kỳ vọng cùng niềm tin của toàn đảng, toàn dân về các nhà lãnh đạo mới với những quyết sách đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới.

Sự kỳ vọng và niềm tin đó được thể hiện ngay trong chủ đề của Đại hội “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

 

Tin tưởng và kỳ vọng

Thực tiễn lịch sử đã khẳng định, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, khả năng lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành lại tự do, độc lập, thống nhất dân tộc cũng như trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

“Đảng ra đời, tồn tại và phát triển không do mục đích tự thân mà là vì Tổ quốc, vì dân tộc, vì nhân dân, lợi ích của Đảng đồng nhất với lợi ích của nhân dân, của dân tộc, của Tổ quốc. Vì thế, Đại hội của Đảng cũng là đại hội của toàn dân, là ngày hội lớn của đất nước”, bà Hoàng Thanh Nga, cán bộ Hội Phụ nữ, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh tâm sự. Đây có lẽ là cảm nghĩ chung của đông đảo quần chúng, nhân dân khi hướng về Đảng, dõi theo diễn biến của Đại hội XII.

Nhiều người cho rằng, trong bối cảnh nhiều thời cơ và thách thức như hiện nay, nhanh chóng làm cho dân giàu nước mạnh là vấn đề quan trọng của chế độ và đất nước. Không ít người bày tỏ kỳ vọng Đảng sẽ có những quyết sách đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp đi đôi với việc xây dựng nông thôn mới một cách triệt để và có hiệu quả ở nhiệm kỳ 2016 - 2020; công tác đối ngoại sẽ năng động hơn nữa để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hội nhập; công tác cán bộ nữ trong Đảng, Quốc hội, Chính quyền và các tổ chức khác sẽ tốt hơn…

Trước tình hình Biển Đông “nóng” lên như hiện nay, ý kiến đa số cho rằng cần tập trung phát triển kinh tế biển trên cơ sở công nghiệp hóa hiện đại hóa ngư nghiệp để ngư dân làm giàu nhờ biển và góp phần củng cố quốc phòng, an ninh trên biển, bảo vệ vững chắc Tổ quốc…

Chính vì thế, công tác nhân sự tại Đại hội lần này được nhiều người quan tâm và tin tưởng các đại biểu sẽ chọn được những lãnh đạo xứng đáng, “có tầm nhìn rộng, trí tuệ cao”; không để lọt những người cơ hội, tham vọng quyền lực, có nguy cơ lạm dụng quyền lực được nhân dân ủy thác. “Nhân sự cấp cao phải là những người có tâm, có tầm; nói được, làm được, có khả năng hoạch định chính sách đổi mới để phát triển, dám chịu trách nhiệm và trong sạch, tự giác chịu sự giám sát của nhân dân”, ông Vũ Đình Thuần, Giám đốc doanh nghiệp Hoàng Gia, thành phố Vĩnh Long nói.

Tâm huyết và trách nhiệm

Nếu như những người theo dõi Đại hội có niềm tin tưởng và kỳ vọng vào kết quả Đại hội thì với các đại biểu chính thức dự Đại hội XII, việc đóng góp những ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm cho các văn kiện là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Trong gần hai ngày thảo luận, đã có tổng cộng 34 ý kiến phát biểu tại Hội trường và 686 ý kiến phát biểu tại đoàn về các dự thảo văn kiện Đại hội XII với tinh thần thẳng thắn và dân chủ. Các ý kiến thảo luận đánh giá trên tất cả các lĩnh vực, về những kết quả đã đạt được, đồng thời nêu rõ những mặt còn hạn chế trong thời gian qua và đưa ra hướng khắc phục cụ thể trong nhiệm kỳ tới...

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh phương châm “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” và đề xuất đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp…

Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, lực lượng Công an nhân dân sẽ nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp để bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước.

Nhấn mạnh thời gian tới thách thức của hội nhập kinh tế sẽ ngày càng tăng lên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, để đưa hội nhập quốc tế vào chiều sâu, trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, cần tập trung đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác, nhất là các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; tăng cường công tác phổ biến các cam kết quốc tế ta đã ký kết, đã nội luật hóa và các quy định trong quá trình triển khai; làm cho mỗi tổ chức, mỗi người dân hiểu rõ thách thức, cơ hội mà họ có được từ hội nhập quốc tế...

Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là một nội dung lớn và quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng. Ông Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, để phát triển thành công kinh tế thị trường định hướng XHCN, việc hoàn thiện thể chế là điều kiện tiên quyết, hết sức quan trọng.

Thể hiện sự nhất trí cao với mục tiêu và giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh được đề ra trong các Văn kiện trình Đại hội XII, ông Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, nâng cao chất lượng tăng trưởng phải nhằm đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh thẳng thắn cho rằng nước ta vẫn là nước nghèo, vì thế “chưa thể bằng lòng, thỏa mãn”. Ông đề nghị Đảng chủ động, “nghiêm khắc đánh giá lại chính mình”...

Các lĩnh vực văn hóa-giáo dục, khoa học-công nghệ, y tế, xây dựng đảng... cũng được đại biểu đề cập một cách thẳng thắn. Có ý kiến đề nghị Đảng chỉ đạo cán bộ, đảng viên gương mẫu để củng cố niềm tin cho quần chúng nhân dân, trong đó có thanh niên (Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Cộng sản Hồ Chí Minh), hay ý kiến cho rằng ngư dân giàu mạnh tức là nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo và Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các tỉnh ven biển phát triển, hiện đại hóa đội tàu công suất lớn; có chính sách đặc thù hỗ trợ ngư dân (Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi)…

Dân chủ và đổi mới

Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Có đại biểu nhận xét, chưa nhiệm kỳ nào công tác nhân sự được thực hiện chu đáo, bài bản và rất công khai, minh bạch, thẳng thắn và dân chủ như lần này. Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết, ý kiến của một người giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng được ghi vào danh sách, dù nhân sự đó đã tham gia Ban Chấp hành khóa XI hay chưa, có là đại biểu dự Đại hội XII không.

Quy chế và quy trình bầu cử cũng được cho là rất dân chủ, trên tinh thần đổi mới, thể hiện qua việc đề cử, ứng cử thêm nhân sự ngoài danh sách do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI tiến cử cũng như đảm bảo danh sách bầu chính thức có số dư không quá 30%. Đại biểu Lê Hữu Quý (Ninh Bình) cho rằng vừa qua, công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp đều đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ và cán bộ nữ. Đại hội XII lần này đã kết tinh được kết quả các đại hội từ cơ sở đến tỉnh, đến Trung ương.

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ngày càng cao, số Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương được điều chỉnh tăng được đánh giá là hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Về trường hợp các Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI không tái cử, dư luận bày tỏ sự “khâm phục” trước tình cảm, trách nhiệm của các đồng chí trước đất nước và trong việc tạo cơ hội, đào tạo cán bộ kế cận. “Với sự bàn giao thế hệ trách nhiệm và tự tin như vậy, Đại hội sẽ tạo ra thời kỳ mới cho Việt Nam phát triển”, một đại biểu bày tỏ.

Những quyết sách trọng đại

Sau hơn tám ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương với tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới", với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, nhân dân và đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thành công tốt đẹp.

Phát biểu bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, các văn kiện được thông qua tại Đại hội lần này tiếp tục khẳng định, hoàn thiện quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng ta trên cơ sở vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện nước ta; xác định mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới đầy triển vọng nhưng cũng không ít thách thức.

Đại hội biểu thị sự thống nhất ý chí và quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong những năm tới, thực hiện bằng được mục tiêu tổng quát là "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên định, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới".

Để thực hiện mục tiêu cao cả đó, Đại hội đã thảo luận và thông qua những chủ trương, quyết sách quan trọng, có giá trị định hướng và chỉ đạo sâu sắc toàn bộ quá trình triển khai tổ chức thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội khẳng định quyết tâm tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực trí tuệ, phẩm chất và đạo đức cách mạng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đại hội nhấn mạnh yêu cầu tăng cường sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng trên cơ sở Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nguyên tắc của Đảng; thường xuyên bồi đắp sự gắn bó mật thiết, máu thịt giữa Đảng với nhân dân - những phẩm chất cao quý, tốt đẹp, cốt lõi thể hiện bản chất và sức sống của Đảng.

Đại hội cũng đã tiến hành nghiêm túc, đúng Điều lệ Đảng, sáng suốt lựa chọn và bầu các đồng chí đủ tiêu chuẩn, xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII gồm: 180 đồng chí Ủy viên Trung ương chính thức và 20 đồng chí Ủy viên Trung ương dự khuyết. Đại hội trao cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trọng trách lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khép lại, nhưng những quyết sách lớn được đưa ra có thể ví như bước khởi đầu cho công cuộc đổi mới (lần II) của Đảng. Chúng ta tin tưởng rằng sự thống nhất cao trong Đảng, niềm tin vững chắc của nhân dân và quyết tâm mạnh mẽ của những đại biểu ưu tú vừa được bầu giữ những trọng trách trong Đảng sẽ góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp mới, triển khai đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ to lớn đã được Đại hội xác định, để tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nước nhà.      

“Tôi bất ngờ khi được bầu làm Tổng Bí thư”

Sáng 28/1, phát biểu tại cuộc họp báo trong nước và quốc tế sau Đại hội XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng Đại hội nào cũng quan trọng, nhưng Đại hội XII “đặc biệt quan trọng vì diễn ra trong bối cảnh khó khăn, nhiều thách thức”.

Nói về cảm nghĩ khi được bầu là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư cho biết ông bất ngờ “vì tuổi tôi đã cao rồi, sức khoẻ và trình độ có hạn. Tôi đã xin nghỉ, nhưng trách nhiệm của Đảng giao, là đảng viên tôi phải thực hiện”. Tổng Bí thư bày tỏ xúc động trước tình cảm anh em, bạn bè nhắn gửi, giao trách nhiệm nhưng cũng lo lắng vì trách nhiệm lớn trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới.

Về lộ trình đào tạo lớp trẻ kế nhiệm, Tổng Bí thư chia sẻ nỗi lo, làm sao để đào tạo được đội ngũ kế nhiệm, đồng thời khẳng định Đảng liên tục đào tạo đội ngũ trẻ. Giống như tre cần có ba lớp: có lớp măng mọc, bánh tẻ và tre già. Lo trách nhiệm đào tạo cán bộ trẻ là chiến lược lâu dài. Vừa qua đã làm được nhưng còn phải làm tiếp, tỷ lệ trẻ cần phải làm nhiều hơn.

Tổng Bí thư cho biết thêm, lần này vào Bộ Chính trị có rất nhiều người trẻ. 19 người được bầu vào Bộ Chính trị có 7 người thuộc khóa XI, còn lại phần đông là trẻ. Như đồng chí Võ Văn Thưởng sinh năm 1970, rồi có ba đồng chí nữ trong Bộ Chính trị - rất bình đẳng giới, điều này chưa bao giờ có, rồi cán bộ dân tộc cũng có.

Về sự đổi mới trong công tác chất vấn trong Đảng, Tổng Bí thư nói: “Đó là công việc thường xuyên phải làm bắt đầu từ khi có Nghị quyết Trung ương 4”. Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc chất vấn trong Đảng là nội dung quan trọng để phát huy mạnh mẽ hơn dân chủ trong Đảng, cũng là hình thức giám sát của các đồng chí trong Ban Chấp hành trung ương đối với các vị lãnh đạo. Tổng Bí thư cho biết, sắp tới theo quy chế làm việc vẫn tiếp tục chất vấn.

Trước câu hỏi dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, nước Việt Nam có trở nên giàu mạnh hơn, Tổng Bí thư nói: “Cá nhân tôi là một bộ phận của tập thể, nguyên tắc của đảng là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chứ không chuyên quyền. Bạn hỏi là sắp tới Việt Nam có thực hiện dân chủ hơn, giàu mạnh hơn không? Như Đại hội đã nói, mục tiêu của chúng ta xây dựng một nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, trước mắt là phấn đấu để nước ta trở thành một nước công nghiệp hóa - hiện đại hóa”.

Về dân chủ, Tổng Bí thư cho rằng dân chủ vẫn phải có kỷ cương. Dân chủ mà thiếu kỷ cương sẽ rối loạn, không thể ổn định để phát triển được. Dân chủ và kỷ cương phải nhìn biện chứng, đảm bảo cả hai, không thể tuyệt đối hóa mặt nào.

TA-KC