TIN LIÊN QUAN | |
Hồi giáo ở Nepal: Bước ra khỏi bóng tối | |
Nepal: “Ngoại giao hành hương” để xoa dịu Ấn Độ |
Đó là những chia sẻ của Abhinav Kumar Chaudhary, Tổng Thư ký Hội những người bạn của Việt Nam tại Nepal. Anh đảm nhận vai trò này (từ đầu năm 2016) khi mới chỉ 28 tuổi. Động lực giúp anh hoàn thành tốt những mục tiêu đề ra để phát triển quan hệ hai nước chính là tuổi trẻ và tình yêu đối với đất nước mà anh chưa từng đặt chân đến.
Anh có thể chia sẻ lý do chọn Việt Nam để phát triển sự nghiệp của mình?
Có một vài lý do quan trọng khiến tôi hâm mộ Việt Nam. Đầu tiên là nền tảng gia đình khi bố mẹ tôi đều là thành viên của Đảng Cộng sản, một đảng lâu đời nhất của Nepal (nay có tên là Đảng Thống nhất Cộng sản). Là những người lãnh đạo của Đảng, họ thường kể cho tôi nghe về Chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng từng nói rằng hãy xây dựng Nepal là đất nước thực sự của giai cấp công nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm. Nếu làm được điều đó, Nepal sẽ có được Chủ nghĩa Xã hội và một nền kinh tế tốt.
Các đại biểu dự Hội thảo về quan hệ Nepal-Việt Nam chụp ảnh lưu niệm. Anh Abhinav Kumar Chaudhary - người cầm băng rôn đứng giữa. |
Thứ hai, năm 2009, khi đang học tại Nga, tôi có một người bạn Việt Nam ở Moscow là Leo Trần. Nhờ anh ấy, tôi có cơ hội quen thêm nhiều sinh viên Việt Nam ở Moscow và có nhiều kỷ niệm với họ. Ở cạnh họ, tôi hiểu rằng người Việt Nam rất chăm chỉ, giản dị, trung thực và tốt bụng. Nghe họ chia sẻ, tôi hiểu biết thêm về mảnh đất hình chữ S ở Đông Nam Á.
Thứ ba là vào năm 2015, trong chuyến công tác cùng nguyên Bộ trưởng Môi trường Nepal Sunil Kumar Manandhar tới New Delhi để giúp một cán bộ cấp cao của Nepal là Ojhraj Bhattarai chữa trị bệnh ung thư, chúng tôi tới thăm Đại sứ quán Việt Nam ở Delhi, kiêm nhiệm Nepal. Chỉ sau một ngày liên lạc, Đại sứ Tôn Sinh Thành đã dành thời gian tiếp chúng tôi. Tôi thật sự vui mừng khi cùng Đại sứ trao đổi về mối quan hệ Việt Nam - Nepal, chia sẻ chân thành về tình hữu nghị giữa người dân hai nước và lễ kỷ niệm 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2015 là năm vô cùng khó khăn với đất nước chúng tôi khi phải hứng chịu trận động đất tồi tệ nhất trong hơn 80 năm qua. Thảm họa này cản trở chúng tôi thành lập một tổ chức hữu nghị Nepal-Việt Nam cũng như tổ chức kỷ niệm 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau trận động đất, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi đã đến Nepal hỗ trợ các nạn nhân. Tôi rất cảm động và biết ơn Chính phủ Việt Nam vì sự giúp đỡ nhiệt tình và quý giá đó.
Thứ tư, đầu năm 2016, Đại sứ quán Việt Nam mời tôi và ngài Manandhar tới tham dự tiệc tân niên. Tại đó, chúng tôi đã gặp gỡ kiều bào Việt Nam sinh sống tại Ấn Độ, các nhà ngoại giao Ấn Độ và các nước khác. Chúng tôi rất ấn tượng với các tiết mục nghệ thuật do nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn tại Đại sứ quán cũng như triển lãm nghệ thuật của 7 họa sĩ Việt tổ chức tại Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ (ICCR) ở New Delhi. Sau đó, chúng tôi đã gặp và thông báo chính thức với Đại sứ Việt Nam về việc thành lập tổ chức hữu nghị hướng tới thúc đẩy mối quan hệ giữa nhân dân hai nước.
Tôi quan tâm và theo đuổi các vấn đề quốc tế khi bắt đầu sự nghiệp của mình. Chính phủ Nepal chú trọng quan hệ với Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia Nam Á. Vì vậy, Việt Nam vẫn còn khá xa lạ với người dân Nepal và cũng không phải là ưu tiên đối ngoại của Chính phủ. Đây là một khó khăn đối với tôi khi làm việc và nghiên cứu về Việt Nam ở nhiều khía cạnh. Nhưng tôi tôn kính và theo đuổi lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đất nước Việt Nam luôn hấp dẫn tôi. Vì vậy, tôi chọn công việc liên quan đến Việt Nam.
Hội những người bạn của Việt Nam có những đóng góp tiêu biểu nào tới sự phát triển của hai nước, thưa anh?
Hội những người bạn của Việt Nam tại Nepal được thành lập từ đầu năm 2016 để thúc đẩy mối quan hệ giữa người dân hai nước. Hiện tại, Hội có khoảng 8 thành viên điều hành và hàng trăm thành viên tham gia, hầu hết thuộc thế hệ trẻ. Hội cũng có uỷ ban cố vấn bao gồm các cựu bộ trưởng, nghị sĩ, doanh nhân và những chuyên gia đối ngoại, góp phần đưa ra những chính sách thúc đẩy mối quan hệ Nepal - Việt Nam không ngừng phát triển.Trong thời gian ngắn vài tháng sau khi thành lập, chúng tôi đã tiến hành hai hội thảo có chủ đề “Quan hệ giữa Nepal và Việt Nam” và một chương trình Ngày Môi trường Thế giới. Diễn giả của chương trình là các chính trị gia, cựu bộ trưởng, nghị sĩ, doanh nhân, và những chuyên gia đối ngoại của Nepal. Một hội thảo được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 41 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước (15/5/1975-15/5/2016).
Hội thảo về quan hệ Nepal-Việt Nam do Hội những người bạn của Việt Nam ở Nepal tổ chức ngày 26/3/2016. |
Hội đang lên kế hoạch cho một hội thảo về quan hệ hai nước trong những tháng tới với sự tham gia của các chuyên gia nổi tiếng từ các ngành khác nhau. Dự kiến, nhóm 7 người trong Hội sẽ có chuyến công tác tới Việt Nam cuối tháng 9. Chúng tôi đang cân nhắc ghé thăm một số nước láng giềng của Việt Nam như Lào, Campuchia và Thái Lan.
Đến nay, Hội đã đóng góp vào việc thúc đẩy hai nước ký kết các thỏa thuận thương mại, các doanh nhân thành viên của Hội cũng nỗ lực khám phá thị trường hai bên để mở rộng đầu tư. Nhiều công ty du lịch của hai nước liên tục thăm lẫn nhau để thảo luận về tiềm năng phát triển du lịch giữa hai nước. Báo chí Nepal đã bắt đầu đưa tin bài về những thành tựu của Việt Nam và kinh nghiệm phát triển cho Nepal. Một nửa dân số Nepal tin tưởng vào Đảng Cộng sản, các nhà lãnh đạo của Đảng mong muốn học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh để hướng tới xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Nepal.
Được biết, anh đang ấp ủ ý tưởng mở Viện nghiên cứu Việt Nam ở Nepal?
Tôi rất tâm huyết với việc mở Viện Nghiên cứu Việt Nam (VRA) tại Nepal. Trọng tâm nghiên cứu của Viện là về cuộc đời, hoạt động, tư tưởng và con đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, VRA cũng tiến hành nghiên cứu các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, thương mại để củng cố và phát triển quan hệ hai nước.
Ngoài ra, VRA sẽ hướng tới nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp mà Việt Nam đã đạt được những thành tựu xuất sắc trong khi Nepal đang gặp không ít khó khăn. Do đó, chúng tôi mong muốn Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Nepal. Hiện nay, Nepal đang thực hiện các dự án khoa học cấp quốc tế, Viện sẽ hợp tác với Việt Nam để hoàn thành các dự án này cũng như trao đổi thông tin khoa học.
Đồng thời VRA cũng nghiên cứu về Phật giáo, góp phần duy trì mối quan hệ tốt giữa người dân hai nước. Đặc biệt, Viện còn hướng tới các hoạt động trao đổi đoàn đại biểu, doanh nhân, thanh niên và các nghệ sĩ giữa hai bên. Tựu chung lại, VRA sẽ nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác nhau mà hai nước có thể hợp tác để người dân hai bên luôn cảm thấy được sự an toàn, hòa bình, tự do và thịnh vượng.
Xin cảm ơn anh!
Một ngày và một thời đại Từ nhiều năm nay, một số nhà nghiên cứu, giới trí thức và không ít người trẻ đã nêu câu hỏi “chuyến rời đất nước ... |
Nepal lần đầu tiên công bố “Năm Du lịch” Ngày 11/4, Ủy ban Du lịch Nepal (NTB) đã chính thức tuyên bố “Năm Du lịch” (Travel Year) nhằm quảng bá du lịch trong nước. |