Nhỏ Bình thường Lớn

Khi "miễn trừ" có tác dụng ngược

Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao 1961 khẳng định các quyền ưu đãi, miễn trừ không để làm lợi cho các cá nhân mà nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan ngoại giao và nhà ngoại giao thực hiện có hiệu quả chức năng của họ. Công ước này đã góp phần phát triển quan hệ giữa các nước, nhưng thực tế, có không ít rắc rối nảy sinh từ đây.
Ngoại trưởng Brazil Antonio Patriota.

Ngày 26/8/2013, Ngoại trưởng Brazil Antonio Patriota đã xin từ chức sau khi một quan chức ngoại giao nước này dùng quyền miễn trừ ngoại giao đưa một chính trị gia người Bolivia đang bị truy nã đào thoát sang Brazil. Tùy viên kinh tế Brazil Eduardo Saboia thừa nhận đã lái chiếc xe ngoại giao đưa ông Roger Pinto đào thoát khỏi Bolivia. Mặc dù Văn phòng của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã đưa ra thông báo về việc từ chức của ông Patriota nhưng Bolivia vẫn lên án Brazil vi phạm các thỏa thuận quốc tế.

Đây chỉ là một trong rất nhiều sự cố về quyền miễn trừ ngoại giao suốt thời gian qua…

Căng thẳng quan hệ ngoại giao

Tháng 11/2008, việc cảnh sát Đức bắt giữ bà Rose Kabuye, quan chức phụ trách lễ tân của Tổng thống Rwanda Paul Kagame, tại sân bay Frankfurt đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới quan hệ giữa Đức và Rwanda. Bà Kabuye bị bắt với lý do có tên trong danh sách truy nã của một thẩm phán Pháp cùng với 9 quan chức Rwanda khác. Theo thông lệ và theo các quy định ngoại giao, bà Kabuye có hộ chiếu ngoại giao và đang thực thi công vụ chính thức nên được hưởng ưu đãi, trong đó có quyền miễn trừ. Vì vậy, Đức có thể không cho bà Kabuye nhập cảnh chứ không thể bắt giữ. Điều này cho thấy tính chất còn tương đối về hiệu lực của miễn trừ ngoại giao.

Gần đây, Chính phủ Italy cũng đã lên tiếng cáo buộc New Delhi vi phạm luật pháp quốc tế về quyền miễn trừ ngoại giao khi cấm Đại sứ nước này rời Ấn Độ. Nguyên nhân là do phán quyết được Tòa án tối cao Ấn Độ đưa ra trước đó cho rằng, Đại sứ Italy tại Ấn Độ Daniele Mancini đã từ bỏ quyền miễn trừ khi cho phép 2 binh sĩ bị cáo buộc đã sát hại 2 ngư dân Ấn Độ về nước. Trước đó, ông Mancini là người đã lấy tư cách cá nhân bảo lãnh cho 2 binh sĩ trong vòng 4 tuần nhưng sau đó họ vẫn biệt tích.

Phía Italy khẳng định, các binh sỹ của họ phải được xét xử tại Italy và khẳng định Ấn Độ không có quyền tài phán đối với vụ án do hiện trường nằm trong hải phận quốc tế. Không dừng lại ở việc ra lệnh cấm với Đại sứ Italy, Chính phủ Ấn Độ còn "bóng gió" về việc dòng vốn đầu tư khổng lồ lên tới hàng tỉ euro mỗi năm do giới doanh nghiệp Ấn Độ đổ vào Italty có thể sẽ bị đình trệ cùng với một làn sóng người dân đòi tẩy chay hàng hóa nhập khẩu từ Italy.

Cuối cùng, căng thẳng ngoại giao này được nới lỏng khi Italy chấp nhận để hai lính thủy đánh bộ của mình quay lại New Delhi và sau đó, tòa án Tối cao Ấn Độ mới hủy bỏ lệnh cấm với ông Daniele Mancini.

"Quýt làm, cam chịu"

Có thể nói, một trong những nhân vật điển hình của câu chuyện "quýt làm, cam chịu" này chính là Công nương Maha al-Sudairi của Saudi Arabia. Ngày 1/6/2012, bà Maha al-Sudairi bị cảnh sát Pháp giữ lại khi đang tìm cách chuồn khỏi khách sạn Shangri-La sang trọng ở Paris với hóa đơn chờ thanh toán khổng lồ. Được biết, Công nương và đoàn tùy tùng đã thuê nguyên một tầng lầu gồm 41 phòng từ mùa Giáng sinh trước nhưng dường như không có ý định thanh toán hóa đơn có tổng giá trị lên đến hơn 7 triệu USD, bao gồm tiền thanh toán phí khách sạn, hóa đơn mua hàng của các hãng thời trang danh tiếng nhất.

Thông thường, người đại diện tháp tùng Công nương chỉ cần chìa tấm giấy bảo đảm với dòng chữ "IOU" nghĩa là đảm bảo sẽ "thanh toán sau" thì các chủ cửa hàng đều chấp nhận. Công nương không phải là đối tượng mà những nơi sang trọng đòi phải đặt cọc hay phải chứng minh danh tính. Hơn nữa, vì Công nương Maha al-Sudairi được bảo vệ bởi luật miễn trừ ngoại giao nên cảnh sát không thể bắt giữ hoặc thu phí của bà. Vì lý do này, các nhà chức trách Pháp đành phải tiếp cận với Đại sứ quán Saudi Arabia và nhờ họ tới "giải quyết hậu quả". Người phiền lòng nhất trong vụ bê bối này chính là Quốc vương Abdullah vì nó đã làm xấu đi một phần hình ảnh về Hoàng gia Saudi Arabia.

Dễ mà lại rất khó

Theo Công ước Vienna về ngoại giao, các nhà ngoại giao được hưởng quyền bất khả xâm phạm ở nước tiếp nhận. Họ có thể bị trục xuất, nhưng không bị bắt giữ, lục soát thân thể và chỗ ở, cũng như không bị đưa ra xét xử trước tòa án ở nước tiếp nhận. Công ước này rõ ràng như vậy nhưng việc vận dụng lại không hề đơn giản và câu chuyện xảy ra cách đây 2 năm giữa Mỹ và Pakistan là ví dụ khá điển hình.

Ngày 27/1/2011, Raymond Davis, nhân viên Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Lahore (Pakistan) lái xe ô tô đi địa phương. Cho rằng bị theo dõi và đe dọa bởi 2 người đi xe máy, Davis dừng xe và rút súng bắn hai người này tử vong, sau đó chụp ảnh và gọi điện thoại về Tổng Lãnh sự quán cầu cứu. Khi bị cảnh sát Pakistan bắt giữ, Davis nói mình là "nhà ngoại giao" và đòi được hưởng quyền miễn trừ. Cảnh sát Pakistan không chấp nhận yêu cầu này và họ đã tạm giam Davis để chờ xét xử theo lệnh của tòa án.

Vì vụ việc này mà cả Mỹ và Pakistan đều cảm thấy khó xử. Phía Mỹ thì quả quyết Davis được hưởng quy chế miễn trừ ngoại giao, nhưng phía Pakistan lại không rõ ràng trong việc công nhận hay phủ nhận quy chế này dành cho Davis. Cuối cùng, Raymond Davis được Tòa án thành phố Lahore trả tự do sau khi gia đình của hai nạn nhân tuyên bố tha thứ để đổi lấy khoản bồi thường gần 2 triệu USD. Tuy nhiên, sự việc này đã gây ra không ít tranh cãi thời điểm đó.


Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao (1961) là Công ước quốc tế quy định đầy đủ nhất các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao. Nội dung cơ bản của các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao như sau:

- Quyền bất khả xâm phạm về thân thể: Đây là một trong những quyền cốt yếu và cơ bản nhất đối với viên chức ngoại giao. Họ không bị bắt, giam giữ, đánh đập; không bị xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự; nước tiếp nhận có trách nhiệm đối xử lịch thiệp đối với họ và áp dụng mọi biện pháp thích hợp để ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm đến thân thể, tự do và nhân cách của họ.

- Quyền bất khả xâm phạm đối với trụ sở, nhà ở và tài sản khác.

- Quyền bất khả xâm phạm đối với hồ sơ, tài liệu, thư tín và vật dụng lưu trữ.

- Quyền bất khả xâm phạm đối với túi ngoại giao.

- Quyền về thông tin liên lạc.

- Quyền miễn xét xử hình sự.

- Quyền được miễn xét xử về dân sự và hành chính, ngoại trừ các trường hợp liên quan đến bất động sản tư nhân ở nước tiếp nhận, thừa kế mà người đó có dính líu, hoạt động nghề nghiệp hoặc thương mại do người đó thực hiện tại nước tiếp nhận.

- Quyền miễn trách nhiệm pháp lý đối với việc làm chứng.

- Quyền phản tố: Nếu khởi một vụ kiện tại nước tiếp nhận thì viên chức ngoại giao đó không còn có quyền đòi hỏi được miễn trừ xét xử đối với bất kỳ một phản tố liên quan trực tiếp đến họ. Trường hợp này, họ cũng phải tự rút bỏ quyền được ưu đãi, miễn trừ của mình.

- Quyền được miễn thuế và lệ phí, trừ những loại thuế trực thu, thuế môn bài (hiện nhiều nước áp dụng trên cơ sở có đi có lại), thuế và lệ phí đánh vào bất động sản tại nước tiếp nhận trừ phi tài sản đó được sử dụng chính thức cho cơ quan đại diện.

- Quyền được miễn thuế hải quan - Quyền được miễn khám xét hành lí cá nhân, trừ khi nhà đương cục khẳng định là trong kiện hành lý đó có chứa đựng những đồ vật cấm nhập, cấm xuất hoặc vượt quá phạm vi ưu đãi cho phép.

- Quyền tự do đi lại trên lãnh thổ nước tiếp nhận trừ những khu vực quy định cấm vì lý do an ninh quốc gia hoặc khu vực hạn chế chung.

Các cơ quan lãnh sự và viên chức lãnh sự được hưởng ưu đãi, miễn trừ theo Công ước Vienna về quan hệ lãnh sự (1963), về cơ bản tương tự ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.


TRỌNG VŨ
(tổng hợp)