📞

Khi phụ nữ vùng cao khởi nghiệp

HỒNG MINH 14:00 | 17/12/2022
Vượt lên những khó khăn về định kiến giới, nhiều tấm gương điển hình của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số đang truyền cảm hứng về khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu bắt nguồn từ văn hoá địa phương…
Chị Sùng Y Múa tại homestay của mình. (Ảnh: NVCC)

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức sự kiện truyền thông mang tên “Khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số”.

Bên cạnh các thông tin và kết quả bước đầu của Dự án thành phần số tám “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, Hội cũng giới thiệu các tấm gương phụ nữ điển hình cả nước như chị Sùng Y Múa, chị Chế Kim Trung, chị Thạch Thị Chal Thi...

Homestay của Y Múa

Đầu thập niên 1990, ở xã Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình) – nơi chị Sùng Y Múa, sinh năm 1984, người dân tộc H’Mông sinh sống, vốn là điểm nóng với việc trồng, vận chuyển, buôn bán cây thuốc phiện. Thu nhập ‘khủng’ nhưng cuộc sống của người dân chìm trong tệ nạn xã hội, nhiều gia đình đã nghèo còn nghèo hơn vì con cái dính vào “cái chết trắng”.

Từ năm 1996, Chính phủ kiên quyết dẹp điểm nóng thuốc phiện nhằm đem lại bình yên cho người dân Hang Kia. Đây là lúc nhiều người dân phải tìm cách xoay sở để kiếm thêm thu nhập, tìm kế sinh nhai khác.

Tốt nghiệp trường trung cấp y tế tỉnh, Y Múa về làm y sĩ sản nhi tại trạm y tế xã Hang Kia và lấy chồng ở đây. Gia đình chồng chị, trải qua nhiều đời, chỉ biết phát nương, làm rẫy, trông chờ vào cây lúa, cây ngô, chưa lúc nào thực sự đủ ăn.

Năm 2012, xã Hang Kia chưa có mô hình homestay. Chứng kiến nhiều du khách nước ngoài đến Mai Châu, chị nghĩ ngay đến phương án vay vốn ngân hàng đầu tư làm du lịch với hy vọng góp phần cùng mọi người trong xã chống lại đói nghèo, tảo hôn và tệ nạn ma túy.

Được hướng dẫn và tư vấn về cách làm du lịch cộng đồng, vợ chồng chị quyết định xây ngôi nhà hai tầng đủ công trình phụ trợ làm homestay Y Múa và cung cấp hai sản phẩm du lịch là khám phá và trải nghiệm.

Với hành trình khám phá, du khách đi bộ lên Thung Mài và sang bản Bước (xã Xăm Khòe) đến độ cao 1.500 m so với mực nước biển, ngắm cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng. Với hành trình trải nghiệm, du khách được học làm giấy dó, nhuộm vải chàm, tìm hiểu nếp sinh hoạt của người H’Mông…

Ý thức được điểm mạnh là người dân còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống nên Y Múa cố gắng cùng mọi người gìn giữ những nét đẹp của cộng đồng người H’Mông. Nếu du khách có thiện ý giúp người dân, chị giới thiệu và đưa họ đến những gia đình thực sự khó khăn để họ trực tiếp giúp đỡ.

Nhiều đoàn khách nước ngoài lưu trú tại homestay Y Múa cả tuần. Họ dọn vệ sinh môi trường, vẽ tranh tường trang trí cho trường mầm non, dạy tiếng Anh cho trẻ em. Khách trong nước cũng đến xã Hang Kia nhiều hơn, có người đến vài lần trong năm để nghỉ ngơi, tặng quà, khám bệnh miễn phí.

Homestay của Y Múa hiện tạo việc làm ổn định cho nhiều người lao động ở địa phương, quảng bá được cảnh đẹp của quê hương với du khách trong nước và quốc tế. Điều chị vui hơn cả là du lịch cộng đồng đã góp phần giữ gìn và tôn vinh bản sắc văn hóa, từng bước khôi phục và duy trì được các ngành nghề truyền thống.

Mới đây, chị vinh dự là một trong bốn người trong cả nước nhận giải hạng mục “Sống đẹp” của Giải thưởng KOVA nhờ những việc làm nhân văn và có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Hoạ sĩ Chế Kim Trung sáng tác nghệ thuật. (Ảnh: NVCC)

Nghệ sĩ của người Chăm

Sinh năm 1971, người dân tộc Chăm, tỉnh Ninh Thuận, chị Chế Kim Trung từng là thủ khoa đầu vào trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Năm 2013, chị bảo vệ thành công xuất sắc luận văn Thạc sĩ Nghệ thuật thị giác tại Thái Lan với số điểm tối ưu, là Thạc sĩ nghệ thuật đầu tiên và duy nhất của người Chăm cho tới nay.

Chế Kim Trung đang sở hữu “gia tài” mỹ thuật đồ sộ với hàng nghìn tác phẩm đa dạng về đề tài, chất liệu, tông màu, kỹ thuật, phương pháp thể hiện.

Đặc biệt, chị là nghệ sĩ tham gia tích cực và giành nhiều giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Hơn nữa, sống trong không gian văn hóa Chăm với những lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng phong phú cùng với cảnh sắc làng quê yên bình là nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tác của chị.

Với tài năng của mình, họa sĩ Chế Kim Trung đã tạo nên con đường nghệ thuật rất riêng mà ở đó mỗi tác phẩm đều mang màu sắc văn hóa Chăm đặc sắc. Hội họa không chỉ giúp chị thỏa mãn niềm đam mê, mà qua những tác phẩm chị muốn gửi gắm tình yêu, niềm tự hào về văn hóa Chăm trong bức tranh văn hóa đa sắc màu của dân tộc Việt Nam.

Với những đóng góp tích cực, họa sĩ Chế Kim Trung vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc (giai đoạn 2004 - 2014), được các cấp, hội ở Trung ương và địa phương trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Bên cạnh công việc sáng tác, giảng dạy mỹ thuật, Chế Kim Trung còn dành thời gian nghiên cứu, sáng tạo những họa tiết hoa văn mới để vẽ trên gốm Chăm Bàu Trúc, đưa những hình tượng về đời sống Chăm vào thổ cẩm dệt Mỹ Nghiệp. Chị còn dùng không gian ngôi nhà của mình mở phòng trưng bày tranh nhằm giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cũng như quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm đến du khách trong và ngoài nước.

Chị Thạch Thị Chal Thi bên sản phẩm mật hoa dừa. (Ảnh: NVCC)

Khôi phục nghề truyền thống Khmer

Với khát khao làm giàu cho bản thân và quê hương, chị Thạch Thị Chal Thi (sinh năm 1989, người dân tộc Khmer, tỉnh Trà Vinh) đã thành công trên con đường khôi phục nghề thu mật truyền thống của đồng bào Khmer và đưa mật hoa dừa đến thế giới.

Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm tại trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, với kiến thức chuyên môn của mình, Chal Thi luôn tìm kiếm, nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm từ mật hoa dừa.

Ý tưởng sản xuất các sản phẩm từ mật hoa dừa thương hiệu Sokfarm (có nghĩa Nông nghiệp Hạnh phúc) ra đời từ đầu năm 2018, khi dừa khô tại tỉnh Trà Vinh rớt giá thê thảm và nghề thu mật truyền thống từ hoa dừa của đồng bào Khmer đã gần như bị thất truyền. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam chuyên sản xuất các sản phẩm chế biến từ mật hoa dừa với chuỗi sản phẩm an toàn bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Với những đóng góp của bản thân cho cộng đồng, Chal Thi vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021, giải thưởng Lương Định Của năm 2021 và Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc vì đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nông nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới năm 2022.

Sau bốn năm ra đời, sản phẩm mật hoa dừa của chị Chal Thi đã được người tiêu dùng công nhận là đặc sản Trà Vinh, hiện có mặt tại hơn 30 tỉnh, thành trong nước và đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan.

Mong muốn làm tốt hơn nữa, chị đặt mục tiêu vào năm 2030 Sokfarm sẽ liên kết được ít nhất 1.000 nông hộ trở lên, tạo được việc làm cho hơn 300 dân làng nhờ vào nhà máy sản xuất mật hoa dừa tại Trà Vinh.