Nhỏ Bình thường Lớn

Khi thơ Lưu Quang Vũ được 'nhập với trăm phương'

Lần đầu tiên, tác phẩm Mây trắng của đời tôi của nhà thơ Lưu Quang Vũ được chuyển thể thành 20 ngôn ngữ và góp giọng bởi những người yêu thi ca từ các dân tộc và các quốc gia khác nhau.

Là điểm thơ cuối cùng tổ chức ở Hà Nội, Tuần thơ Se Sẽ Chứ 2021 được tổ chức ngày 18/4 tại L’Espace tựa như một tập phim ngắn, nơi công chúng được chìm đắm vào dòng hồi ức trong thời đại của hai nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ.

Tuyệt đối tối giản, không người dẫn, không lời bình, không dàn dựng thường gặp, Se Sẽ Chứ đặt khách thơ và dòng chảy êm đềm và kỳ lạ. Chảy trôi trên nền nhạc du dương và không gian gây cảm giác bước sang một thực tại khác. Khán giả được đi qua dòng cảm xúc từ thăng hoa tới lắng đọng một cách mượt mà tự nhiên.

Khi thơ Lưu Quang Vũ được 'nhập với trăm phương'
Một đoạn trong tác phẩm được chuyển thể thành 20 ngôn ngữ khác nhau. (Nguồn: BTC)

Giống như Lưu Quang Vũ từng viết “vượt khỏi mình tôi nhập với trăm phương”, đây là lần đầu tiên tác phẩm này được chuyển thể thành 20 ngôn ngữ gồm Pháp, Mông Cổ, CH Czech, Đức, Rwanda, Ba Tư, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật và tiếng dân tộc H’mong, Thái, Chăm... Với sự góp giọng từ những người bạn ngoại quốc cùng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Mây trắng đời tôi “nhập với trăm phương” trở thành một trong các khoảnh khắc đẹp nhất tại Se Sẽ Chứ 2021.

Từ bản dịch Việt - Anh ban đầu của dịch giả Trịnh Lữ, những khách thơ đã hết mình với công việc, tập đọc, tập hát chữ, thậm chí đã đi tìm hiểu thêm về cuộc đời, về thơ của Lưu Quang Vũ trước khi dịch thơ sang tiếng mẹ đẻ của mình. Và để rồi cuối cùng, chính họ cũng đã hết sức xúc động với những gì mà thơ có thể mang lại. Vượt khỏi giới hạn về thời gian, không gian, ngôn ngữ, tinh thần thơ Lưu Quang Vũ vẫn là đóa hoa nảy nở trong lòng chúng ta giá trị tốt đẹp về sự tử tế và tình yêu vô điều kiện.

Chị Leila Bello, hiệu trưởng một trường quốc tế tại Việt Nam, người đọc bài thơ bằng tiếng Amharic chia sẻ: “Những khoảnh khắc hôm nay thực sự rất tuyệt vời và xúc động. Chính tôi cũng đã học được rất nhiều và rất cảm động với câu chuyện mà hai cố nhà thơ đã vượt qua những khó khăn trong đời họ. Tôi đã khóc khi đọc đoạn thơ mà Vũ viết cho Quỳnh bằng tiếng mẹ đẻ của tôi. Tôi cảm thấy mình đang được tham gia một phần vào bước chuyển lịch sử của thơ, kịch và nhạc tại Việt Nam.

Chị Leila cũng chia sẻ thêm rằng chị rất bất ngờ và thấy may mắn khi toàn bộ phim tài liệu, thơ, và phần trò chuyện đều được chuẩn bị phụ đề tiếng Anh rất cẩn thận, khiến cho các khán giả nước ngoài cũng có thể hiểu và cảm nhận được đời sống thơ ca giàu đẹp của Việt Nam.

Khi thơ Lưu Quang Vũ được 'nhập với trăm phương'
Đại sứ Vitezslav Grepl xúc động bật khóc khi tham gia đọc tác phẩm bằng ngôn ngữ Czech. (Nguồn: BTC)

Đặc biệt, Đại sứ CH Czech tại Việt Nam Vitezslav Grepl cùng với phu nhân là bà Renata Greplova cũng đã tham gia phần đọc thơ đặc biệt của Se Sẽ Chứ. Đứng trước micro và bản dịch đoạn thơ Mây trắng của đời tôi bằng tiếng mẹ đẻ của mình, Đại sứ đã bật khóc.

Trong lá thư gửi cho Ban Tổ chức ngay sau chương trình, phu nhân Đại sứ cũng chia sẻ: “Chúng tôi đã có được minh chứng về sức mạnh của thơ ca. Dù đã 33 năm kể từ tai nạn cướp đi sinh mạng của hai nhà thơ, nhưng đọc những bài thơ của họ khiến tôi cảm thấy mình có thể mở lòng, và trân trọng vẻ đẹp của nó. Chúng tôi rất biết ơn khi được mời tham gia sự kiện này, dù cho đó là một lần phải đối mặt với nỗi đau của chính mình".

Bà Renata cũng chia sẻ thêm, sự kiện lần này gợi nhớ đến những mất mát và sự chia cách với người thân mà bà và chồng mình trải qua trong năm 2020 vì Covid-19. Có lẽ vì thế nên Đại sứ đã không cầm được những giọt nước mắt của mình khi ở trên sân khấu.

Lù Văn Phái, một sinh viên người dân tộc Thái đang học tập tại Hà Nội, nhận lời tham gia với Se Sẽ Chứ cũng đã chia sẻ: “Khi đọc những vần thơ bằng chính tiếng Thái làm em cảm thấy dễ hiểu và đồng cảm hơn với nhà thơ. Đặc biệt có thể mang những lời thơ, những tâm tư của nhà thơ đến với cộng đồng người Thái nói riêng và cả cộng đồng nói chung. Em mong rằng sẽ có nhiều bài thơ của tác giả được dịch sang tiếng Thái để có thể toả nhiều hơn đến với độc giả và mong rằng những lời thơ của nhà thơ sẽ còn mãi với thời gian".

Khi thơ Lưu Quang Vũ được 'nhập với trăm phương'
Sinh viên Lù Văn Phái và anh Rohi Sajjadi, người đọc tiếng Ba Tư (từ trái sang). (Nguồn: BTC)

Cũng tại L’Espace, lần đầu tiên, những chuyện chưa từng kể về hai cố nhà thơ được chia sẻ bởi người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng người mến mộ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ.

Nếu như lớp trẻ Việt Anh, Phương Thảo mang tới sự mới lạ và trong trẻo thì NSƯT Đỗ Kỷ - NSND Lan Hương lại đưa khán giả đến tận cùng cảm xúc. Đặc biệt, khán giả còn được dẫn dắt chìm vào không gian âm nhạc lãng mạn bởi diva Mỹ Linh qua bài hát Thuyền và Biển, lấy cảm hứng từ sáng tác của nhà thơ Xuân Quỳnh.

Sẽ Sẽ Chứ 2021 đã đồng loạt được tổ chức tại nhiều thành phố trên cả nước trong những ngày qua. Chưa bao giờ công chúng chứng kiến một tuần thơ với nhiều sự thương mến đến thế. Không chỉ là dịp để tưởng nhớ hai người thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, Se Sẽ Chứ 2021 đã đem tới cho công chúng một cái cớ hoàn hảo, để mọi người có lý do chậm lại đi tìm tình yêu nghệ thuật trân quý bên trong chính mình.

TIN LIÊN QUAN
Tuần thơ 'Se Sẽ Chứ 2021' đón nhận sự ủng hộ bất ngờ từ giới trẻ
Tuần thơ Se Sẽ Chứ 2021 tiếp tục lan tỏa tình yêu với Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh
Sức sống kịch Lưu Quang Vũ
Giai điệu tự hào tháng 4: Những câu chuyện đẹp về Lưu Quang Vũ
Khởi động "Mùa diễn kịch Lưu Quang Vũ"