Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs mới đây đã cảnh báo vụ “ly hôn” kéo dài giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) - Brexit đang gây tổn hại cho nền kinh tế lớn thứ năm thế giới thông qua những tác động đến đầu tư và thị trường việc làm.
Theo kế hoạch, nước Anh lẽ ra phải rời EU vào ngày 29/3 vừa qua dù Thủ tướng Theresa May không thể thuyết phục Quốc hội phê chuẩn thỏa thuận Brexit do bà đề xướng. EU sau đó đã chấp nhận lùi thời hạn cho nước Anh tới ngày 31/10 để đảm bảo quá trình Brexit có “trật tự."
Ảnh minh họa. (Ảnh: The Guardian) |
Trong báo cáo gửi tới khách hàng, Goldman Sachs nói rằng, kịch bản cơ sở cho những đánh giá của họ là thỏa thuận "ly hôn" sẽ được phê chuẩn vào ngày 22/5 tới. Tuy nhiên, hiện vẫn có nguy cơ Brexit bị trì hoãn cho đến gần thời hạn 31/10.
Ngân hàng này nhận định, những diễn biến chính trị xung quanh Brexit bị kéo dài đã khiến ảnh hưởng của quá trình này đối với nền kinh tế Anh tăng lên.
“Đại gia” ngân hàng này đánh giá nền kinh tế Anh đã tăng trưởng yếu hơn các nền kinh tế phát triển khác kể từ giữa năm 2016, mất gần 2,5% GDP so với mức có thể đạt được trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động đầu tư suy yếu. Goldman Sachs cũng chỉ ra rằng, năm 2018 là năm đầu tiên trong ít nhất nửa thế kỷ qua, hoạt động đầu tư kinh doanh của Anh suy giảm từng quý dù nền kinh tế không hề bị suy thoái.
Trong khi đó, một thị trường lao động ngày càng thắt chặt - với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 1975 tới nay và tốc độ tăng lương nhanh nhất trong hơn một thập kỷ - cũng có thể là một dấu hiệu của sự thiếu hụt nguồn nhân lực thay vì chứng minh sức phục hồi của thị trường này.
Theo Goldman Sachs, đầu tư suy yếu kết hợp với thị trường lao động thắt chặt có khả năng ảnh hưởng đến hiệu suất chung của nền kinh tế. Điều này đã phản ánh rõ tình trạng giảm sút trong hiệu suất đã kéo dài nhiều năm qua của Anh.
Goldman Sachs đánh giá hiệu suất của nền kinh tế Anh đã tụt hậu so với Mỹ, Đức và Pháp trong suốt thập kỷ qua.
Lãnh đạo các doanh nghiệp hiện đã có kế hoạch dự phòng để ứng phó với việc tăng cường kiểm tra tại khu vực biên giới Anh - EU hậu Brexit với lo ngại khu vực này sẽ bị tắc nghẽn, gây ảnh hưởng đến thương mại và các chuỗi cung cấp tại EU.
Báo cáo của Goldman Sachs cho hay, chừng nào Brexit chưa được giải quyết, thì rất khó để có niềm tin về sự phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế này.
Sang năm 2020, trong trường hợp những vấn đề xung quanh Brexit đã tìm được giải pháp, Goldman Sachs bày tỏ kỳ vọng nền kinh tế này sẽ phục hồi vì những bất ổn khi đó chắc chắn sẽ suy giảm.
Anh hiện đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị sau khi cơ quan lập pháp nước này 3 lần bác bỏ thỏa thuận Brexit mà bà May đạt được các nhà lãnh đạo EU hồi tháng 11/2018.
Cho đến nay, vẫn chưa rõ thời điểm Anh sẽ rời khỏi "ngôi nhà chung" châu Âu hay thậm chí London có rời khỏi EU hay không.
Trước đó, EU đã chấp thuận đề xuất của Thủ tướng May lùi thời hạn Brexit đến ngày 31/10 để tạo điều kiện London tìm kiếm sự đồng thuận trong nước về một thỏa thuận Brexit nhằm tránh Brexit không thỏa thuận - một kịch bản cả Anh và EU đều không mong muốn do những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế của cả hai bên.