📞

Khó sống với lương tối thiểu

08:00 | 24/09/2017
Bàn câu chuyện thu nhập, nhiều ý kiến cho rằng lương tối thiểu hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động…

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay cuộc sống của người lao động vô cùng khó khăn. Chỉ có 22,7% người lao động hài lòng với tiền lương và thu nhập, 52,4% tạm hài lòng và 24,9% không hài lòng. Đặc biệt, có tới 54% người lao động cho rằng, tiền lương, tiền công nhận được không tương xứng với sức lao động mà họ đã bỏ ra.

Người lao động khó sống được với lương tối thiểu.

Cùng với đó, có 51,3% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống, 20,6% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ. Đáng nói, có 12% cho rằng thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% có tích lũy từ thu nhập.

Sống đời chật vật

Hầu hết các khoản thu của người lao động dùng để trang trải cho cuộc sống hàng ngày, không thể có tích lũy. Nếu không có khoản làm ngoài giờ, trợ cấp thêm từ phía doanh nghiệp, thì với mức tiền lương thấp như vậy, đời sống của họ gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, theo khảo sát, 816 hộ gia đình có cả vợ chồng là công nhân và có hai người ăn theo, trung bình một tháng chi tiêu hết 9.038.000 đồng. Tức là mỗi người lao động nuôi một người, thì mức chi tiêu hết 4.519.000 đồng. Trong khi đó, thu nhập trung bình của người lao động nhóm này là 4.716.500 đồng/tháng. Theo bộ luật Lao động, lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, ông Mai Đức Chính (Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết mức tăng lương 6,5% năm nay vẫn chưa đủ đáp ứng mức sống tối thiểu.

Thực tế, khi Hội đồng tiền lương quốc gia xuống các khu công nghiệp khảo sát, tại nhiều nơi, lương hai vợ chồng công nhân 10 triệu đồng không đủ sống. Họ không đủ tiền nuôi con cũng như chi trả sinh hoạt phí (điện, nước...). 

Để xoay xở với đồng lương eo hẹp, phần lớn người lao động phổ thông chấp nhận cắt giảm những nhu cầu thiết yếu như thu hẹp không gian sống, giảm nhu cầu vui chơi, giải trí... Không ít người lao động đã tìm cách tăng thu nhập bằng làm thêm ngoài giờ, làm cả ngày nghỉ, ngày lễ bởi đơn giản nếu không tăng ca sẽ không đủ sống.

Cùng quan điểm, Chủ tịch hiệp hội Công nhân – Công đoàn Việt Nam Vũ Quang Thọ cho biết với mức tăng lương như hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 93% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Điều này đồng nghĩa với việc còn khoảng 7% nữa, mức lương tối thiểu mới chạm ngưỡng mức sống tối thiểu của người lao động.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chỉ khoảng 16% người lao động có tích lũy, và cũng chỉ tích lũy được khoảng một triệu hoặc hơn chút. Tuy nhiên, chủ yếu đó là những người độc thân. Còn với người có gia đình, có con cái đi học với mức lương như hiện tại thì đa số phải sống tằn tiện, cực khổ. Họ còn phải chịu các vấn đề khác của xã hội như y tế, đi lại, học hành...”, ông Mai Đức Chính trăn trở.

Cần cơ chế thỏa thuận về tiền lương

Khi đề cập đến vấn đề người lao động có đủ sống hay không, có ý kiến quan ngại chính sách tiền lương tối thiểu hiện nay không bảo vệ được nhóm lao động dễ bị tổn thương như người lớn tuổi, người trẻ tuổi có trình độ giáo dục thấp.

Đánh giá về mức tăng 6,5% từ nhiều góc độ, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, mong muốn tăng lương là nhu cầu chính đáng và cần thiết để đảm bảo mức sống cho người lao động. “Việc tăng lương tối thiểu vùng chỉ cải thiện đời sống người lao động khi thực hiện tốt việc bình ổn giá cả thị trường, đồng bộ các chính sách liên quan đến nhà ở, đời sống tinh thần, nhà trẻ mẫu giáo cho con của người lao động… Có như vậy, dù mức tăng thấp cũng vẫn có ý nghĩa”, ông Huân phân tích.

Qua kết quả khảo sát, ông Mai Đức Chính cho rằng, đời sống người lao động trong năm 2017 vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cần phải được cải thiện. “Nghiên cứu, đánh giá phải xem khía cạnh cuộc sống của người lao động. Nếu chúng ta nói tăng lương tối thiểu nhưng họ không đủ sống, lại còn chịu nhiều chi phí, tác động của xã hội thì rất khó”, ông Chính nhận định. Cũng theo ông Chính, không nên so sánh tốc độ tăng lương của Việt Nam với Trung Quốc, Thái Lan vì mức lương của các nước đã cao nên chỉ tăng ở mức độ vừa phải.

Ở khía cạnh này, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nhận định, chất lượng cuộc sống, tương lai của công nhân lao động và gia đình họ phụ thuộc hoàn toàn vào tổng thu nhập theo tháng. “Vì thế, tôi cho rằng, Chính phủ phải bảo trợ xã hội bằng cách khác, một là tăng ngân sách bảo trợ xã hội lên, hai là tăng quỹ thất nghiệp, giảm khu vực hành chính để bớt lương”, ông Tuyển chia sẻ.

Cũng theo ông Tuyển, nếu dùng chính sách lương tối thiểu để thực hiện chức năng bảo trợ xã hội là không đúng, không đạt yêu cầu vì vẫn không “bao phủ” được 50% dân cư. Lý do là hơn 50% dân cư vẫn không chịu tác động của lương tối thiểu. Đồng thời, ông Tuyển cũng gợi ý hướng đi mạnh mẽ hơn, đó là nghiên cứu một cơ chế thỏa thuận về tiền lương là chủ yếu mà không còn lương tối thiểu.

Nêu ý kiến khác, ông Trương Đình Tuyển cho rằng Tổng liên đoàn lao động Việt Nam khi đề xuất tăng lương thường đưa ra lý do “người lao động không đủ sống”, nhưng nói “đủ sống” hay không rất khó. Bởi “đủ sống” ở mỗi thời điểm là khác nhau, bây giờ có thể là đủ nhưng mai kia thì chưa chắc.

Theo ông Tuyển, các cơ quan chức năng cần mạnh dạn bỏ lương tối thiểu, thay vào đó nghiên cứu cơ chế lương thỏa thuận, khuyến khích người lao động có năng lực thì được tăng lương. Qua đó, doanh nghiệp thấy trở nên cạnh tranh hơn thì họ sẽ tự nguyện tăng lương cho người lao động.