📞

Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo

Phạm Anh Đức 14:28 | 24/11/2023
Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại (Học viện Ngoại giao) đã và đang không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo ngành Truyền thông, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Từ những ngày đầu thành lập…

Khoa Truyền thông và văn hóa đối ngoại chính thức được thành lập ngày 23/6/2008, là một trong những khoa “trẻ” nhất tại Học viện Ngoại giao.

Từ năm 2008 - 2010, Khoa tiến hành lập Đề án nghiên cứu mở ngành học Cử nhân Truyền thông quốc tế và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đồng ý mở ngành từ tháng 12/2009. Năm 2010, Khoa tuyển sinh khóa sinh viên đầu tiên về Truyền thông quốc tế với chỉ tiêu 50 sinh viên.

Từ những ngày đầu thành lập, Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại trải qua rất nhiều khó khăn. Khoa được thành lập với nền móng ban đầu chỉ với ba giảng viên. Cùng với đó, việc giảng dạy và đào tạo ngành Truyền thông Quốc tế, một ngành học hoàn toàn mới tại Việt Nam lúc bấy giờ, là thách thức không hề nhỏ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa, đặc biệt là việc biên soạn giáo trình, thiết kế chương trình giảng dạy sao cho đảm bảo mục tiêu, chức năng đào tạo.

K37 - Khóa đầu tiên của Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại. (Ảnh: TGCC)

… trở thành ngành học mơ ước

Trong những năm trở lại đây, truyền thông trở thành ngành học “hot”, được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn. Điểm chuẩn của ngành này luôn nằm ở nhóm dẫn đầu trong các mùa tuyển sinh.

Ngành Truyền thông Quốc tế (Học viện Ngoại giao) cũng không nằm ngoài xu thế đó. Trong những năm gần đây, số lượng sinh viên tuyển sinh đầu vào của Khoa không ngừng tăng lên. Sau 14 khóa, năm 2023, con số tuyển sinh đã tăng gấp 8 lần so với năm đầu tiên, lên đến hơn 400 chỉ tiêu.

Cùng với đó, từ năm 2021, Khoa còn mở thêm một ngành chuyên sâu nữa là Truyền thông Marketing quốc tế, bên cạnh nhánh chuyên sâu Truyền thông Quốc tế chuyên nghiệp.

Tân sinh viên K50 của Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại. (Ảnh: TGCC)

Điểm chuẩn đầu vào của ngành luôn ở vị trí đứng đầu Học viện. Năm 2023, Học viện Ngoại giao tuyển sinh khóa thứ 14 ngành Truyền thông Quốc tế với điểm chuẩn cao nhất lên đến 28,46 điểm. Đây cũng chính là điểm chuẩn thuộc nhóm cao trong ngành truyền thông của các cơ sở đào tạo Đại học trên cả nước.

… Không ngừng lớn mạnh, hoàn thiện

Trong thời đại khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão, thói quen tiếp cận thông tin của công chúng cũng thay đổi, cùng với đó là sự đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam hiện nay đã kéo theo những yêu cầu mới về nhân lực trong lĩnh vực truyền thông, đặc biệt là truyền thông quốc tế, thông tin đối ngoại.

Nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cần đảm bảo được các yếu tố: năng lực ngoại ngữ, kiến thức - kĩ năng chuyên sâu về báo chí - truyền thông và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế hóa cao độ.

Nhận thấy sự thay đổi và yêu cầu thực tiễn kể trên, trải qua 15 năm hình thành và phát triển, Khoa Truyền thông và văn hóa đối ngoại đã không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng giảng dạy và đổi mới chương trình đào tạo, nhằm đảm bảo mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, quan hệ công chúng, văn hóa đối ngoại.

Trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Học viện và Khoa đã và đang trang bị các thiết bị cần thiết để thực hiện tác nghiệp truyền thông giống như các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, ví dụ như phòng Multimedia với trường quay ảo Virtual Studio, máy quay, mic, máy đọc cue, mixer, preamp, màng lọc âm cho micro, PC, amply,… Các phòng học cũng được trang bị màn hình chiếu hiện đại. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên được làm quen và thực hành trong lĩnh vực truyền thông - báo chí chuyên nghiệp.

Sinh viên học tập tại phòng multimedia của Học viện Ngoại giao. (Ảnh: TGCC)

Về đội ngũ giảng viên của Khoa, PGS.TS Lê Thanh Bình - nguyên Trưởng khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại chia sẻ, đội ngũ giảng viên vừa có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ tốt, vừa có kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí - truyền thông không ngừng được bổ sung.

Hiện tại, Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại có gần 40 giảng viên và cán bộ chính thức, cùng với trên 50 giảng viên thỉnh giảng là các nhà báo, những người làm truyền thông có tiếng trong cả nước. Đội ngũ giảng viên trẻ của khoa - với sự năng động, sáng tạo, kiến thức chuyên môn tốt và bám sát được những xu hướng phát triển của truyền thông hiện nay - đã đóng góp rất lớn cho sự lớn mạnh và hoàn thiện của khoa.

Các giảng viên Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại - Học viện Ngoại giao. (Ảnh: TGCC)

ThS. Trần Minh Ngọc - Giảng viên Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại chia sẻ: “Chương trình đào tạo ngành Truyền thông Quốc tế của Học viện Ngoại giao không ngừng được đổi mới, nâng cao, bắt kịp xu thế đào tạo nguồn nhân lực ngành truyền thông trong nước và thế giới. Bên cạnh lý luận, chương trình học còn được xây dựng gắn với thực tiễn, tác nghiệp. Ngoài những kiến thức chuyên ngành, sinh viên của Khoa còn được cung cấp những kiến thức cơ sở ngành về chính trị, ngoại giao, văn hóa…”.

Trong bối cảnh những yêu cầu về nguồn nhân lực ngành truyền thông thay đổi từng ngày, sinh viên ngành học này cần được đào tạo theo hướng bám sát thực tiễn, sớm làm quen với môi trường việc làm. Học viện Ngoại giao, trong những năm gần đây, luôn tạo điều kiện cho sinh viên ngành Truyền thông được cọ sát thị trường lao động từ rất sớm. Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại luôn có các cơ hội thực tập ngay từ năm đàu tiên cho sinh viên của mình.

Và những thách thức...

Theo TS. Nguyễn Đồng Anh - Phó trưởng khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, việc xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy của Khoa là một trong những thách thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên.

“Sinh viên tuyển đầu vào của Khoa rất giỏi, các em biết nhiều và đôi khi nắm trước cả những kiến thức mà thầy cô cung cấp trong tiết học. Điều này tạo ra áp lực cho chúng tôi trong việc thiết kế chương trình và cách thức giảng dạy để làm sao xứng đáng là ngôi trường có điểm đầu vào thuộc top đầu ngành truyền thông” - TS. Nguyễn Đồng Anh cho biết.

Sinh viên Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại học tập, giao lưu tại Hàn Quốc. (Ảnh: TGCC)

Bên cạnh đó, trong bối cảnh kỷ nguyên số và sự lớn mạnh của trí tuệ nhân tạo, cần thiết phải xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành truyền thông trong môi trường AI, công nghệ thực tế ảo hay đáp ứng các xu thế phát triển mới của mạng xã hội… Tuy nhiên, việc mời các chuyên gia trong lĩnh vực này về làm giảng viên cũng đặt ra những thách thức lớn.

“Khoa có thể mời các chuyên gia đến giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho sinh viên nhưng rất khó để có thể mời họ về làm giảng viên, gắn bó với Khoa làm công tác giảng dạy” - TS. Nguyễn Đồng Anh nói.

Hiện nay, các cơ sở đào tạo ngành Truyền thông ở Việt Nam đều tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy đã tạo ra môi trường cạnh tranh tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực này. Do vậy, việc tiếp tục đưa Học viện Ngoại giao nằm trong nhóm các trường hàng đầu đào tạo ngành Truyền thông trên cả nước là một thách thức không hề nhỏ.

Những dự định của Khoa trong tương lai

Ngày 20/11 vừa qua, Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại long trọng kỷ niệm 15 năm thành lập. (Ảnh: TGCC)

Về một số dự định của khoa trong tương lai, TS. Vũ Tuấn Anh - Trưởng khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại chia sẻ, từ trước tới nay, Khoa tập trung vào hai mảng, đó là truyền thông quốc tế và văn hóa đối ngoại. Tuy nhiên, mảng văn hóa đối ngoại vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Trong khi đó, văn hóa là lĩnh vực quan trọng và bổ trợ rất lớn cho các sinh viên khi làm công tác báo chí - truyền thông, đặc biệt là thông tin đối ngoại. Chính vì thế, trong tương lai, Khoa sẽ chú ý tập trung phát triển vào mảng văn hóa đối ngoại hơn.

Cùng với đó, TS. Vũ Tuấn Anh cũng cho biết, sắp tới, Khoa sẽ thiết kế chương trình giảng dạy ngành Truyền thông Quốc tế theo những hướng chuyên sâu hơn, đi vào từng lĩnh vực cụ thể. Khoa sẽ tiến hành liên kết với các trường đại học lớn ở Hàn Quốc, Australia, châu Âu… để hướng tới đào tạo chuyên sâu về truyền thông văn hóa, truyền thông tổ chức sự kiện, truyền thông trong môi trường công nghệ số phát triển như hiện nay.

“Mong muốn của Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại nói riêng và Học viện Ngoại giao nói chung là đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực Truyền thông. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có kiến thức và kĩ năng toàn diện, có khả năng cạnh tranh và vươn lên mạnh mẽ trong thị trường lao động” - TS. Vũ Tuấn Anh nói.