Triển vọng của hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới bị che phủ bởi những mảng tối... |
Mới đây, trong Báo cáo rà soát các kết quả dự báo kinh tế mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) từng công bố hồi tháng 5, tổ chức này nhận định, triển vọng của hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới bị che phủ bởi những mảng tối cho năm 2014 và cả năm 2015, một phần là do cú sốc tăng trưởng giai đoạn đầu năm nay và một phần xuất phát từ những rủi ro địa chính trị.
Mảng màu u ám 2014
Dự báo tăng trưởng năm 2014 của tất cả các nền kinh tế lớn, ngoại trừ Ấn Độ đã đồng loạt bị điều chỉnh giảm. Với nhận định mới, tăng trưởng của Mỹ còn 2,1%, Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) còn 0,8% hay Nhật Bản 0,9%, mỗi quốc gia trên đều bị giảm từ 0,3% đến 0,5%.
Eurozone bị cảnh báo cần nhiều sự hiệp lực hơn nữa từ phía ngân hàng trung ương và chính phủ các nước. Chính phủ các nước khu vực này cần nới lỏng chi tiêu trong giới hạn cho phép nhằm hạn chế thâm hụt ngân sách và nợ công. Nếu Eurozone không hành động kịp thời, tình trạng đình trệ do tăng trưởng chậm có nguy cơ kéo dài.
Dự báo kinh tế Trung Quốc được giữ nguyên 7,4%, trong khi Anh là quốc gia tiên tiến có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất (3,1%). Đứng cuối bảng xếp hạng là Brazil với tăng trưởng dự kiến chỉ 0,3%, thấp hơn nhiều so với con số 1,8% đưa ra hồi tháng 5.
Hy vọng mong manh
Sang năm 2015, OECD vẫn hy vọng tốc độ tăng trưởng sẽ tích cực cho dù phải điều chỉnh giảm hầu hết dự báo trước đó. Trong khi tăng trưởng của Mỹ sẽ chỉ còn 3,1% so với 3,5% đưa ra hồi tháng 5, thì Eurozone chỉ đạt được 1,1%, thấp hơn mức 1,7% công bố bốn tháng trước. Nhật Bản dự kiến cũng chỉ tăng 1,1%.
Như vậy, bức tranh kinh tế của các quốc gia rất khác nhau, song tăng trưởng kinh tế thế giới thời gian qua xấp xỉ 3%/năm bị coi là quá thấp so với giai đoạn trước khủng hoảng.
Tổ chức này chỉ trích những người chịu trách nhiệm bảo đảm “sức khỏe” cho Eurozone. Họ cho rằng, hiệu quả kinh tế của khối này rất đáng thất vọng, "sự tự tin đã lại bị suy yếu, tình trạng sụt giảm nhu cầu thể hiện qua lạm phát thấp hơn, gần như bằng không trong cả khu vực và âm ở một số nước", OECD cảnh báo. Theo phân tích, lạm phát ở mức thấp triền miên là một chỉ báo về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không thể nào đạt được mục tiêu 2%. Mức lạm phát tiệm cận 0% kéo dài nhiều tháng nay cũng làm tăng rủi ro rơi vào giảm phát, kéo dài tình trạng trì trệ và làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ nần.
OECD kêu gọi ECB cần có một "gói kích thích tiền tệ mạnh mẽ hơn" so với kế hoạch hiện tại, song tổ chức này cũng ủng hộ đường lối của Chủ tịch ECB - Mario Draghi là các quốc gia có nền tài chính công mạnh mẽ nên chủ động góp tay kích cầu cho châu Âu.
Riêng Mỹ và Anh, OECD gợi ý có thể sẽ dần thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách nâng cao mặt bằng lãi suất cao.
Ở châu Á, OECD dành những lời lẽ tích cực cho hiệu quả quản lý kinh tế và khả năng kiểm soát tăng trưởng nóng của Trung Quốc, từ đó tạo ra dư địa cho các chương trình kích thích kinh tế trong tương lai, nếu cần thiết. OECD kêu gọi Nhật Bản tiếp tục những nỗ lực cải cách và cải thiện hệ thống tài chính công bằng cách tăng thuế tiêu thụ hơn nữa bất chấp cú sốc tiêu dùng do đợt tăng thuế hồi tháng Tư gây ra.
Những đánh giá về Brazil thì tương đối bi quan, do sự thiếu chắc chắn về định hướng chính sách sau cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới và sự cần thiết phải có một chính sách tiền tệ đủ mạnh để kiềm chế lạm phát hiện đã vượt quá mục tiêu.
OECD kết luận rằng, kinh nghiệm và các chính sách được khuyến nghị có áp dụng được hay không tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng nền kinh tế nhưng cần thẳng thắn nhận diện một xu hướng chung trên toàn cầu là lương của người lao động tăng không đáng kể, ngay cả ở những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp hoặc năng suất lao động tăng nhanh. Trong giai đoạn khủng hoảng, tiền lương thấp có thể chấp nhận được vì người lao động rất cần công việc và nó còn có tác dụng tạo ra lợi thế cạnh tranh về lao động. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là vấn đề không phù hợp vì nó cản trở quá trình phục hồi trong lĩnh vực tiêu dùng.
Minh Châu (theo FT)