Hà Nội trong những ngày đại lễ. |
Hà Nội đang vào Thu, sắc trời xanh diệu vợi, tôi tản bộ quanh khu vực phố cổ, thấy sâu lắng bởi vẻ đẹp hoài cổ, hồn thiêng bên cạnh sự rộn ràng, hiện đại. Trên nền 36 phố phường cũ, hiện vẫn có các phố Hàng Bạc, Hàng Chiếu, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Quạt... Ngày nay vẫn có nhiều nhà theo nghiệp cũ và đâu đó còn vang lên bài hát mới: “Hà Nội mùa thu... phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu”... Nhiều gia đình trong thời kỳ kinh tế thị trường vẫn chung thuỷ với nghề truyền thống, các nghệ nhân ở đây vẫn trăn trở tìm tòi, sáng tạo... Khu phố cổ có tổng thể kiến trúc độc đáo. Với những đường phố thẳng, ngắn, có chỗ cong, gãy khúc; những mái ngói lô nhô phủ màu rêu phong cổ kính. Những đền đài, di tích trên đất Hà Nội là một phần của đời sống tinh thần, là hồn của người dân Thủ đô.
Cùng với khu phố cổ, còn có các di tích mang tính quần thể, liên hệ nhiều đến tâm linh, truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc như khu vực Hoàng thành mới được khai quật năm 2004. Di tích này như một thứ quốc bảo được nhà nước và toàn dân nâng niu, trân trọng, bỏ công sức, trí tuệ, tiền của để khôi phục, bảo tồn.
Có kiến trúc sư gọi Hà Nội là “cô lọ lem của thế kỷ XX”, là một “nhân chứng của lịch sử” có nhiều nét” Đông Tây giao hoà” nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ... đã thể hiện thành công chủ đề Hà Nội trên trang sách, bức vẽ, bản nhạc.... của mình. Họa sĩ Bùi Xuân Phái là một trong những số ít nghệ sĩ đã đặc tả phố Hà Nội, tạo thành phong cách riêng, nổi tiếng ở cả trong nước và ngoài nước.
Sự trầm mặc của Hồ Gươm, như là nét chấm phá trong bức tranh Hà Nội. Sự tồn tại và phát triển của Hồ Gươm còn ghi sâu trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam hình ảnh một Tháp Rùa lung linh, một cầu Thê Húc in bóng xuống mặt nước biếc xanh và ngôi đền Ngọc Sơn cổ kính. Hồ Gươm - đó cũng là điểm hội tụ khách thập phương mỗi khi đặt chân đến chốn kinh thành.
Nét văn hóa chợ ở Hà Nội là một phần không thể thiếu, làm cho vẻ đẹp của Hà Nội sống động hơn, âm vang hơn: “Em đi chợ Đồng Xuân/ Anh không mua - chỉ ngắm/ Em cười, anh lúng túng/ Người trong chợ... cười theo”
Hôm nay chợ Đồng Xuân đã đổi mới khang trang, rộng lớn, tuy chưa bằng các chợ lớn ở các thủ đô tiên tiến, nhưng đã có những thay đổi, cải tạo từ cách bố trí các sạp hàng, hệ thống ánh sáng...
Tuy nhiên, cùng với thời gian, sức ép của sự gia tăng dân số, đô thị hóa làm phố cổ Hà Nội đứng trước những thách thức lớn. Nhiều năm qua, sự quản lý lỏng lẻo, việc cấp phép tuỳ tiện, tình hình chấp hành luật pháp kém của một bộ phận dư cư đã làm mất đi hàng trăm công trình kiến trúc văn hoá cổ. Việc quy hoạch chậm trễ, giải quyết vụ việc theo kiểu chạy theo việc đã xảy ra... góp phần làm khó khăn cho công việc cải tạo, mở rộng, trùng tu, duy tu các di tích kể cả khu phố cổ.
Bên cạnh đó Hà Nội không chỉ thay đổi trong khu vực phố cổ, các quận nội thành, xung quanh thắng cảnh như Hồ Tây, làng hoa Ngọc Hà, Nghi Tàm… đều mang dáng dấp của đời sống đô thị hiện đại với công viên, du thuyền, khách sạn, biệt thự kiểu Âu- Mỹ. Đặc biệt, các đô thị mới xây dựng và đang xây dựng như Mỹ Đình, Vân Canh, Phố Diễn, Khương Đình, Xuân Phương, Xuân Đỉnh cùng những ngôi nhà chọc trời.... Việc mở rộng Hà Nội sang phía Tây (tỉnh Hà Tây cũ) đã làm thay đổi quy mô, phạm vi thành phố Hà Nội, đa dạng hóa các khu vực Thủ đô…
Để góp phần làm cho “Hòn ngọc Thăng Long - Hà Nội” thêm lấp lánh, chúng ta cần có ý thức bảo vệ vun đắp Hà Nội hơn: giao thông, quy hoạch tốt nhà cửa, đường phố, bảo tồn được phố cổ và các di tích quý giá khác. Chú trọng những biện pháp đòn bẩy để Hà Nội mãi đẹp. Mãi là hình mẫu của nơi văn minh, đẹp đẽ, là trung tâm chính trị, kinh tế- văn hóa của quốc gia.
Xin mượn tiếng chuông chùa Trấn Vũ làm lời kết về đất kinh kỳ hấp dẫn kỳ lạ này: “Gió đưa cảnh trúc là đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương”...
Tiếng chuông chùa Trấn Quốc và các chùa trên mảnh đất thiêng liêng còn vang vọng mãi. “Người đẹp Hà Nội ngủ trong lâu đài” đã tỉnh giấc, để các chuyên gia, các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch, các nhà hoạch định chính sách và toàn dân quan tâm đúng mức hơn nữa, đem lại một Hà Nội vừa cổ kính vừa văn minh hiện đại, làm nhịp cầu hữu nghị giao lưu văn hóa của đất nước với bạn bè năm châu.
PGS.TS. Lê Thanh BìnhHọc viện Ngoại giao