Theo các chuyên gia xây dựng, đây là một dự án lớn đòi hỏi công nghệ và máy móc hiện đại nhất châu Âu.
Ngày 21/7 vừa qua, thiết bị đào hầm xuyên núi của hãng Creusot, được đặt tên Federica, với đường kính mũi khoan 12 mét, dài 135 mét, nặng 2.400 tấn đã được lắp đặt xong tại hiện trường để chuẩn bị khởi công 9km đường hầm đầu tiên từ phía địa phương Saint-Martin-la-Porte (vùng Savoie) của Pháp. Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã có mặt trong buổi lễ đưa cỗ máy khổng lồ này vào sử dụng.
Tàu cao tốc ở nhà ga Perrache, Lyon, Pháp. (Nguồn: Citylab) |
Dự kiến, tuyến đường sẽ được hoàn thành vào năm 2030 với tổng chiều dài các đoạn đường sắt xuyên qua dãy núi Alpes trên cả lộ trình này là khoảng 57km. Vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường xuyên núi dự kiến lên đến 8,6 tỷ Euro, trong tổng số 26 tỷ Euro của toàn tuyến. Liên minh châu Âu (EU) chi khoảng 40%; Italy đầu tư 35% và Pháp đóng góp 25% còn lại. Chịu trách nhiệm triển khai thi công và quản lý dự án này là công ty TELT (Tunnel Euralpin Lyon-Turin).
Ý tưởng về xây dựng tuyến đường sắt này được cố Tổng thống Pháp François Mitterrand và người đồng cấp Italy Francesco Cossiga lần đầu tiên nhắc đến từ tháng 7/1990. Việc đưa vào sử dụng tuyến đường sắt xuyên biên giới Pháp - Italy song song với tuyến đường bộ xuyên núi Mont-Blanc được cho là sẽ góp phần giảm tải giao thông đường bộ cũng như giảm thiểu nguy cơ tai nạn.
Được biết, vào tháng 3/1999, một vụ hỏa hoạn lớn tại đường hầm Mont-Blanc đã làm 39 người chết, giao thông vận tải bị đình trệ, gây thiệt hại lớn cả về người và kinh tế.