Bất chấp việc Mỹ đạt được một số thành tựu trong tăng trưởng kinh tế và chính sách đối nội, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump trong sáu tháng đầu nhiệm kỳ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1940. Theo khảo sát của hai tờ Washington Post và ABCNews, chỉ có 36% người được hỏi ủng hộ ông Trump, so với 58% phản đối.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Reuters) |
Nhiều thành tựu...
Sẽ là không công bằng nếu không nhắc đến những thành tựu mà chính quyền của ông Trump đã đạt được. Sáu tháng cầm quyền của vị cựu doanh nhân chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ. Ông đã đưa ra những quyết định đầy táo bạo như đẩy mạnh khai thác khí đá phiến, than đá và dầu mỏ, đồng thời kêu gọi những tập đoàn đang ở nước ngoài quay về đầu tư vào thị trường trong nước, với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng đã giảm xuống 4,8%, mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Những diễn biến tích cực này đã khiến sàn chứng khoán Dow Jones và S&P liên tục tăng điểm và đạt đỉnh cao mới hơn 30 lần trong 6 tháng qua.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump đã thành công trong việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao Neil Gorsuch và có những đột phá trong việc cắt giảm bộ máy chính quyền liên bang, cải cách hệ thống chính trị tại Washington thông qua các sắc lệnh hành pháp. Ông chủ Nhà Trắng cũng được lòng giới quân đội khi chủ trương tăng cường ngân sách quốc phòng, tuyên bố sẽ cho đóng thêm nhiều tàu sân bay với phương châm “hòa bình thông qua sức mạnh”.
...lắm khó khăn
Tuy nhiên, song song với những thành tựu này là nhiều hạn chế đang tồn tại trong chính quyền Mỹ. Việc Washington theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại và rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã khiến mối quan hệ kinh tế của Mỹ với các đối tác lớn như Mexico, Canada, Australia… gặp nhiều trắc trở.
Trong khi đó, nội các của ông Trump còn tồn tại nhiều bất đồng. Nhiều vị trí cần thiết cho việc xây dựng và triển khai chính sách chưa được bổ nhiệm. Đặc biệt, việc nhà lãnh đạo Mỹ sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey và sa lầy vào cuộc khẩu chiến với giới truyền thông làm xấu thêm hình ảnh của ông chủ Nhà Trắng trong mắt người dân. Những diễn biến này cũng phần nào lý giải cho thất bại của Dự luật Chăm sóc sức khỏe Mỹ (TrumpCare) tại Quốc hội, nơi Đảng Cộng hòa của ông Trump chiếm đa số.
Thêm vào đó, dưới thời Tổng thống Trump, Washington đang tỏ ra bối rối trong xử lý quan hệ với Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu (EU). Quan hệ Mỹ - Trung đang có xu hướng căng thẳng trở lại sau những bất đồng liên quan đến vấn đề nhập khẩu thép, thâm hụt thương mại và tình hình bán đảo Triều Tiên. Những lời hứa cải thiện quan hệ với Moscow cũng đã biến mất sau khi ông Trump tố cáo Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ và thực hiện chiến dịch không kích quân đội chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria.
Tại châu Âu, nhiều nước EU đã bất bình trước việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và chỉ trích các quốc gia EU không cung cấp ngân sách quốc phòng cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO). Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Trump hồi tháng Năm vừa qua đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các nước Arab, trực tiếp đe dọa đến lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Gian nan thử sức
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ông Trump mới chỉ trải qua giai đoạn đầu tiên trong bốn năm cầm quyền và cần có thời gian để ổn định vị trí của mình. Dẫu vậy, những tín hiệu đáng báo động trên cho thấy nếu muốn khôi phục niềm tin trong công chúng, Tổng thống Mỹ cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề của mình.
Nhiều người kỳ vọng trong thời gian tới, ông Trump sẽ thể hiện mình là nhà lãnh đạo biết lắng nghe và cân nhắc hơn, đặc biệt là với sự trợ giúp của những thành viên nội các giàu kinh nghiệm quản lý như Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly. Bốn nhân vật này cũng được cho là sẽ giúp nhà lãnh đạo Mỹ hàn gắn những bất đồng giữa các thành viên khác trong Chính phủ và bổ sung những vị trí còn thiếu, qua đó kiện toàn bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả hơn.
Quan trọng hơn, với những kinh nghiệm chính trị tích lũy được trong thời gian qua, Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ hành xử một cách khôn khéo hơn, đúng với vị thế lãnh đạo của một siêu cường thế giới. Điều này là có cơ sở, khi ông đã chứng tỏ khả năng diễn thuyết tuyệt vời qua bài phát biểu trong chuyến thăm Warsaw ngày 6/7, gây được nhiều thiện cảm đối với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Dudazs và người dân địa phương.
Nếu muốn “nước Mỹ vĩ đại trở lại” như từng tuyên bố, có lẽ đã đến lúc Tổng thống Trump phải chứng tỏ mình là người được chọn để mang đến sự thay đổi cho siêu cường này. Nói như nguyên Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta: “Nhiệm kỳ Tổng thống Trump đang ở giai đoạn rất khó khăn, đòi hỏi ông phải có những thay đổi mang tính bước ngoặt”.