Các đại biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Hà Anh) |
Hội thảo có sự tham dự của 55 đại biểu từ các bộ, ban, ngành của Việt Nam, các cán bộ phụ nữ từ năm tỉnh mục tiêu của dự án bao gồm: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Cần Thơ và Hậu Giang cùng các đại biểu từ các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa nhấn mạnh đây là sự kiện mở đầu cho sự hợp tác nhằm tạo điều kiện cho sự tái hòa nhập bền vững của phụ nữ di cư hồi hương về Việt Nam. Thông qua hội thảo, Dự án này chính thức được khởi động và giới thiệu với các bên liên quan về thực trạng dễ bị tổn thương, các rào cản ngăn cản đối với sự hòa nhập kinh tế xã hội, văn hóa và chính trị của phụ nữ di cư hồi hương và con cái họ.
Cũng theo bà Bùi Thị Hòa, Hội thảo cũng đóng vai trò như một diễn đàn cho đại biểu tham dự thảo luận và vạch ra kế hoạch chi tiết cho hoạt động Dự án một cách tập trung và có tính tương tác. “Phụ nữ di cư thường phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các vấn đề pháp lý, cơ hội việc làm và những vấn đề liên quan tới con của họ. Đó là lý do tại sao với tư cách là một tổ chức đại diện cho phụ nữ Việt Nam, chúng tôi hợp tác với IOM để thực hiện dự án quan trong này”, bà Hòa nói.
Tại Hội thảo, Giám đốc Chương trình của IOM Việt Nam Brett Dickson cho biết ngày càng có nhiều người Việt Nam di cư ra nước ngoài vì các mục đích khác nhau, như lao động, học tập và kết hôn. Theo thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm có 18.000 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó, 72% là nữ và chủ yếu kết hôn với người Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc.
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Hà Anh) |
Cũng theo ông Brett Dickson, năm 2018, phụ nữ Việt Nam có số lượng đông đảo nhất, chiếm 38% trong tổng số 16.608 cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài được thống kê tại Hàn Quốc. Với tỷ lệ ly hôn trung bình là 30%, các cô dâu Việt Nam thuộc nhóm quốc tịch có tỷ lệ cao thứ hai khi cứ 10 cô dâu Việt lấy chồng Hàn lại có 3 người ly hôn, gây ảnh hưởng đến hạnh phúc của trung bình 410 trẻ em sinh ra từ các cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài mỗi năm.
“Một vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến quá trình tái hòa nhập mà phụ nữ di cư hồi hương gặp phải là sự hạn chế trong việc hỗ trợ pháp lý để hợp pháp hóa ly hôn và tư cách pháp lý cho những người con được sinh ra ở nước ngoài của họ. Việc không có các tài liệu pháp lý ngăn cản con cái họ tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý của chính bản thân phụ nữ hồi hương cũng như con cái của họ. Bởi vậy, chúng tôi muốn kêu gọi sự tham gia tích cực của các ban, ngành của năm tỉnh địa bàn dự án”, ông Brett Dickson phát biểu.
Theo thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm có 18.000 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó, 72% là nữ và chủ yếu kết hôn với người Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc. |
Được tổ chức dưới sự hỗ trợ tài chính của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Dự án dự kiến sẽ đạt được 4 đầu ra chính để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương trong thời gian 24 tháng: Cải thiện một trường hỗ trợ chính sách; Khuyến nhị về chính sách và phát triển chương trình trong tương lai; Tăng cường năng lực kỹ thuật cho cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Thành lập và vận hành văn phòng dịch vụ một điểm đến tại năm địa bàn của Dự án.
Giám đốc Quốc gia của KOICA Việt Nam Cho Han Deog cũng khẳng định: “Tôi tin rằng chúng ta đã xây dựng một dự án hiệu quả nhằm góp phần cải thiện cuộc sống của phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ sau cuộc hôn nhân đổ vỡ”.