Diện mạo tỉnh Hòa Bình có nhiều khởi sắc từ khi tập trung xây dựng nông thôn mới. (Nguồn: Báo Hòa Bình) |
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 6 dân tộc chính cùng sinh sống, đông nhất là dân tộc Mường chiếm 63,3%; dân tộc Kinh chiếm 27,73%; dân tộc Thái chiếm 3,9%; dân tộc Dao chiếm 1,7%; dân tộc Tày chiếm 2,7%; dân tộc Mông chiếm 0,52%; các dân tộc khác chiếm 1,18%.
Được biết, năm 2011 tỉnh Hòa Bình chỉ có 2 xã đạt 10 tiêu chí, 124 xã dưới 5 tiêu chí; số tiêu chí bình quân tại thời điểm đánh giá đạt 4,4 tiêu chí/xã, nhiều tiêu chí hết sức khó khăn như giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, y tế, hộ nghèo… Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, giá trị hàng hoá chưa cao, chưa hình thành được vùng sản xuất.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thấp (mới đạt 8,3 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo cao (31,51%). Năm 2012, tỉnh Hòa Bình đã phát động phong trào thi đua “Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” được các cấp, các ngành, các địa phương, các đơn vị và toàn thể nhân dân trong tỉnh đều tích cực hưởng ứng, tham gia.
Mặc dù khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ điểm xuất phát thấp, song với sự đồng lòng, vượt khó của cả hệ thống chính trị, đến nay bộ mặt nhiều vùng nông thôn đã đổi mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì và phát triển. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền, đường ô tô đã đến tận những bản làng xa xôi nhất….
Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững. Chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân được nâng cao. Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hoá phục vụ trong nước và xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Tính đến quý IV/2023, tỉnh Hòa Bình có 73/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 28 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu. Số xã đạt từ 15-18 tiêu chỉ là 2 xã; số xã đạt từ 10-14 tiêu chỉ là 54 xã. Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Không có xã đạt dưới 10 tiêu chí trên địa bàn toàn tỉnh. Các địa phương (xã, huyện) đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tiếp tục thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch đề ra.
Diện mạo nông thôn và đời sống người dân Hoà Bình được nâng lên rõ rệt. (Nguồn: Vietnamnet) |
Để giữ vững và phát huy thành quả đạt được của Chương trình xây dựng xây dựng nông mới, tỉnh Hòa Bình đặt ra các mục tiêu cụ thể trong năm 2024: Tiếp tục triển khai thực hiện đạt kết quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Có thêm khoảng 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Trong đó huyện Yên Thuỷ, huyện Cao Phong phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024); Phấn đấu có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Phấn đấu có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Huyện Yên Thuỷ, huyện Cao Phong và thành phố Hoà Bình hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; Chuẩn hoá thêm khoảng 16-20 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; Tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: Giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế…Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Ông Hoàng Văn Tuân - Phó Chánh văn phòng Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới tỉnh Hoà Bình cho biết: Theo Quyết định 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ: "Đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, miền núi phía Bắc đạt 60%". Để hoàn thành được mục tiêu Chính phủ đề ra đang rất cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Hòa Bình trong việc chỉ đạo, cũng như bố trí nguồn lực, nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương thì mới có thể thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới.