📞

Không chỉ châu Âu khốn đốn, Đông Nam Á cũng 'ngấm đòn' khủng hoảng năng lượng

Gia Long 20:32 | 06/11/2022
Khi giá dầu, khí đốt và than đá tăng vọt và cuộc khủng hoảng năng lượng lan rộng trên quy mô toàn cầu, các quốc gia nhập khẩu năng lượng ở khu vực Đông Nam Á đang phải vật lộn với những khó khăn, thách thức trong việc kiềm chế lạm phát leo thang, bất chấp các biện pháp tài khóa.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng Hai năm nay, giá dầu thô và khí đốt tự nhiên trên thị trường thế giới tăng vọt, lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, giá than đạt mức giá cao nhất trong lịch sử.

Giá năng lượng tăng cao khiến lạm phát lan rộng trên quy mô toàn cầu. Hầu hết các quốc gia đều đang phải “đau đầu” đối phó với lạm phát.

Tại khu vực ASEAN+3, bao gồm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cùng 3 quốc gia Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở một số nền kinh tế tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua, chủ yếu do giá dầu thô thế giới tăng vọt.

Không chỉ châu Âu khốn đốn, Đông Nam Á cũng đang dần 'ngấm đòn' khủng hoảng năng lượng. (Nguồn: Reuters)

Lao đao vì "cú sốc giá dầu"

Các chuyên gia kinh tế nhận định, “cú sốc giá dầu” đã góp phần đáng kể vào lạm phát trong khu vực ASEAN+ 3. Ước tính, nếu giá dầu toàn cầu tăng 10% hàng năm có thể đẩy chỉ số CPI của khu vực lên khoảng 0,2 điểm phần trăm trong năm đầu tiên.

Các cú sốc về dầu còn đồng nghĩa với việc nhiều mặt hàng sẽ tăng giá hơn 50% mỗi năm và tỷ lệ lạm phát của khu vực có thể dễ dàng tăng hơn 1 điểm phần trăm trong 12 tháng.

Tuy nhiên, tác động từ cú sốc giá dầu lên các quốc gia ASEAN + 3 là khác nhau, vì phần lớn đều là các nước nhập khẩu năng lượng ròng.

Hiện khu vực này chỉ có 5 quốc gia xuất khẩu năng lượng bao gồm: Brunei (sản phẩm dầu mỏ và khí đốt tự nhiên), Indonesia (than), Malaysia và Myanmar (khí tự nhiên) và Lào (chủ yếu là thủy điện).

Các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nhập khẩu năng lượng như Singapore, Philippines hay Thái Lan bắt đầu “ngấm đòn” khi chứng kiến tỷ lệ lạm phát lần lượt tăng 7,5%, 6,9% và 6,4% trong tháng Chín. Trong khi đó, các nước xuất khẩu năng lượng như Indonesia hay Malaysia có tỷ lệ lạm phát thấp hơn, lần lượt là 5,95% và 4,5%.

Các nhà kinh tế tính toán, nếu giá dầu tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng lạm phát ở các nước nhập khẩu năng lượng sẽ cao hơn 0,01-0,02 điểm phần trăm so với các nước xuất khẩu năng lượng trong khu vực ASEAN.

Tỷ trọng các loại hàng hóa và dịch vụ năng lượng trong rổ tính CPI càng cao thì khả năng giá dầu tăng cao sẽ gây tác động càng lớn. Ví dụ như trong ASEAN + 3, các nền kinh tế có các loại hình vận tải sử dụng nhiều năng lượng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính CPI sẽ có tỷ lệ lạm phát cao hơn nếu giá dầu tăng.

Ngành giao thông vận tải chiếm tới 17% trong rổ tính CPI ở Singapore và Thái Lan, vì vậy các quốc gia này đều có tỷ lệ lạm phát cao hơn sau khi giá năng lượng leo thang.

Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát tăng ở mức khiêm tốn hơn ở các nền kinh tế như Hong Kong (Trung Quốc) hay Việt Nam, nơi tỷ trọng của ngành vận tải chiếm chưa đến 10% trong rổ tiêu dùng.

Nỗ lực "vật lộn" với lạm phát

Một số nền kinh tế ASEAN+3 đã sử dụng các biện pháp tài khóa để tạm thời giảm bớt tác động của giá năng lượng tăng cao đối với lạm phát. Hầu hết các quốc gia trong khu vực đều có cơ chế bình ổn giá để giữ giá trong nước không bị quá biến động khi giá dầu thế giới tăng.

Một số nền kinh tế như Nhật Bản đã áp dụng các khoản trợ cấp mới hoặc mở rộng trợ cấp cho các sản phẩm nhiên liệu như xăng hay dầu diesel, trong khi các nền kinh tế khác như Hàn Quốc hay Thái Lan áp dụng chính sách giảm thuế nhiên liệu.

Giá năng lượng toàn cầu dự kiến tiếp tục ở mức cao trong những tháng cuối của năm 2022 và có thể trong năm 2023, với nguồn cung hạn chế và nhu cầu vẫn đang tăng cao.

Trong khi các biện pháp tài khóa như trợ giá và cắt giảm thuế đối với các sản phẩm nhiên liệu đã giúp ngăn chặn một phần sự gia tăng mạnh hơn lạm phát ở một số nền kinh tế nhưng những biện pháp này lại bị chỉ trích là tốn kém và thiếu tập trung.

Cuối cùng, phần ngân sách dành cho việc trợ cấp nhiên liệu sẽ khó bền vững và không thể kéo dài nếu giá năng lượng toàn cầu tiếp tục ở mức cao như hiện nay hoặc tăng cao hơn nữa.

Ở những nền kinh tế mà lạm phát đang đẩy giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao, các chính sách tiền tệ cũng nên được thắt chặt để giảm thiểu nguy cơ tăng kỳ vọng lạm phát.

Một số quốc gia trong khu vực đã sử dụng các biện pháp tài khóa để tạm thời giảm bớt tác động của giá năng lượng tăng cao đối với lạm phát. (Nguồn: Bloomberg)

Trong một cuộc phỏng vấn với Hãng Thông tấn CNA bên lề Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore (SIEW), sự kiện diễn ra từ ngày 25 - 28/10, Giám đốc Điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol kêu gọi Đông Nam Á rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở châu Âu.

Ông Fatih Birol nói thêm, khu vực Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương trước một cuộc khủng hoảng năng lượng, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng gia tăng nhanh chóng, và khu vực này cần đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu năng lượng.

Cụ thể, người đứng đầu IEA nhấn mạnh, Đông Nam Á cần rút kinh nghiệm của châu Âu và đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu năng lượng, bao gồm dầu mỏ, khí đốt và than đá. Việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sẽ khiến các quốc gia dễ bị tổn thương trước những biến động về giá ngoài tầm kiểm soát.

Theo ông Fatih Birol, giải pháp tốt nhất trong những trường hợp như vậy là chuyển sang các lựa chọn năng lượng sạch, chẳng hạn như năng lượng mặt trời, thủy điện và năng lượng sinh học, cũng như sử dụng các phương tiện như ô tô điện.

(theo SCMP)