📞

Không chỉ Nga hay Trung Quốc muốn ‘hạ bệ’ ngôi vương của USD, đồng tiền chung BRICS vẫn chỉ là ‘giấc mơ gây sốt’?

Hải An 08:56 | 27/07/2023
Nga dường như là thành viên BRICS ủng hộ nhiều nhất quan điểm thành lập đồng tiên chung của khối, bởi nước này bị cắt giao dịch bằng USD do các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, một loại tiền tệ của BRICS có thực tế không trong giai đoạn hiện nay?

Nga bị cô lập với loạt trừng phạt bủa vây, sự quyết đoán của Trung Quốc và nhu cầu gia tăng lợi ích trong việc gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đã thúc đẩy những lời kêu gọi về một loại tiền tệ chung giữa 5 nước thành viên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Không ít ý kiến cho rằng, khối các nước BRICS cần phải độc lập khỏi đồng USD của Mỹ bằng cách thành lập một đồng tiền chung. (Nguồn: orfonline.org)

Tháng 6/2023, Tổng thống Brazil Lula da Silva đã “tấn công” trật tự kinh tế toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới tại Paris (Pháp) khi chỉ trích sự thống trị của đồng USD với tư cách là tiền tệ cho thương mại quốc tế.

Trước đó, ông đã đề xuất một loại tiền tệ chung trong khối BRICS, giống đồng Euro của khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), như một giải pháp thay thế đồng bạc xanh. Đề xuất này sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8 tới ở Nam Phi.

Nga dường như là thành viên BRICS ủng hộ nhiều nhất quan điểm trên, vì phần lớn nước này đã bị cắt giao dịch bằng USD do các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, một loại tiền tệ của BRICS có thực tế không trong giai đoạn hiện nay?

Ông Aly-Khan Satchu, Giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản Rich Management có trụ sở tại Mỹ, nhận định: “Chất xúc tác cho động thái tìm giải pháp thay thế đồng USD là lệnh cấm Nga dự trữ ngoại hối bằng USD. Phản ứng bất ngờ này của Mỹ báo hiệu trên toàn thế giới rằng việc dự trữ USD cần được sự cho phép của chính quyền Washington”.

Giám đốc điều hành Rich Management cho rằng, BRICS cần phải độc lập khỏi đồng bạc xanh: “Chúng ta đã chứng kiến ​​sự gia tăng các khoản thanh toán bằng nội tệ như đồng Rupee của Ấn Độ, đồng NDT của Trung Quốc và Dinar của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Thị trường đang chứng kiến những thay đổi khỏi ‘cấu trúc USD dầu mỏ’. Nga và Ấn Độ hiện đang định giá dầu thông qua tiêu chuẩn Dubai”.

Có khả thi để tạo ra một loại tiền tệ chung giữa năm quốc gia?

Chuyên gia Satchu nói: “Tôi nghĩ rằng đề xuất ra mắt đồng tiền chung BRICS sẽ được định giá trên một rổ hàng hóa vật chất tốt hơn so với ‘chế độ’ đồng USD hiện tại, nơi máy in tiền do Mỹ kiểm soát. Đồng tiền chung BRICS dùng để trao đổi thương mại giữa các quốc gia trong nhóm và giúp các nước dự trữ tiền tệ của riêng họ cho mục đích quản lý chính sách tiền tệ”.

Bên cạnh đó, ông Satchu không cho rằng sự chênh lệch lớn giữa các nền kinh tế nhóm BRICS sẽ khiến việc tạo ra một loại tiền tệ chung của nhóm là không thể. Ông nói: “Không giống như đồng Euro, tôi không thấy trước một ‘thông số’ phù hợp với tất cả, nhưng đồng tiền chung BRICS sẽ được sử dụng như một phương tiện trao đổi bên ngoài hệ thống đồng USD”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với ý kiến trên. Ông Iraj Abedian, Giám đốc điều hành Dịch vụ nghiên cứu và đầu tư Pan-African lại coi việc thúc đẩy đồng tiền BRICS là một động thái chính trị chủ yếu của Trung Quốc nhằm khẳng định mình trên thế giới, đồng thời tin rằng một loại tiền tệ như vậy sẽ chủ yếu dựa trên đồng NDT.

Ông cũng lưu ý, đến nay, Bắc Kinh chưa đáp ứng hầu hết các yêu cầu kỹ thuật để đưa NDT trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế.

Cho rằng các nền kinh tế BRICS thiếu sự đa dạng cần thiết để duy trì một đồng tiền chung, ông Abedian nhận định: “Không có đủ dòng chảy thương mại song phương. Nga sẽ chỉ có dầu và khí đốt để bán cho Trung Quốc và không có gì khác”.

Ba thành viên BRICS (Nga, Brazil và Nam Phi) về cơ bản đều là những nhà xuất khẩu hàng hóa có ít tiềm năng cho thương mại nội khối.

Hoán đổi tiền tệ trong BRICS đòi hỏi nền kinh tế của mỗi bên phải gần như cân bằng!

Ông Donald MacKay, Trưởng bộ phận tư vấn thương mại toàn cầu của công ty tư vấn XA, tin rằng: “Những lời bàn tán không ngớt xung quanh đồng tiền BRICS không gì khác hơn là một giấc mơ gây sốt”.

Năm 2013, Trung Quốc và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, cho phép hai bên đổi NDT lấy đồng Rupee và ngược lại.

Chuyên gia MacKay cho biết: “Vào năm 2015, Trung Quốc đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 1 tỷ USD sang Ấn Độ, nhưng sau đó từ chối nhận khoản thanh toán bằng đồng NDT, thay vào đó muốn giữ tiền ở quốc gia Nam Á để giúp tài trợ cho các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào nước này. Nếu hợp đồng đó không thể hoạt động, thì không có lý do gì để nghĩ rằng thỏa thuận có thể triển khai ở quy mô lớn hơn”.

Theo đại diện công ty tư vấn XA, thỏa thuận năm 2013 đã phơi bày những hạn chế của việc hoán đổi tiền tệ trong BRICS, đòi hỏi nền kinh tế của mỗi bên phải gần như cân bằng.

Trong khi đó, ông Jim O'Neill, một nhà phân tích của công ty quản lý đầu tư Goldman Sachs nêu một quan điểm đáng chú ý. Tháng 4 năm nay, ông đã có cuộc trao đổi về các mối đe dọa đối với tính ưu việt toàn cầu của đồng USD.

Chuyên gia O'Neill tin rằng, nếu Mỹ không còn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, sự thống trị của đồng bạc xanh sẽ bị nghi ngờ - giống như đồng Bảng Anh trong nửa đầu thế kỷ XX. Theo ông, điều này, nếu xảy ra, cũng không hẳn là tín hiệu tiêu cực đối với Mỹ.

Tuy nhiên, nhà phân tích của Goldman Sachs thừa nhận rằng, việc các loại tiền tệ, chính sách tiền tệ và mô hình thương mại của các nước phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống tiền tệ của Mỹ và các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là “không tối ưu”.

Ngoài ra, ông O'Neill còn nhấn mạnh: “Điều quan trọng là, các nền kinh tế quan trọng nhất của nhóm BRICS - Trung Quốc và Ấn Độ - hiếm khi hợp tác trong bất cứ điều gì. Thật hoang đường khi tin rằng BRICS, hoặc một nhóm mở rộng, “có thể gây ra bất kỳ thách thức nghiêm trọng nào đối với đồng USD”.

Trong khi đó, Trưởng bộ phận Đổi mới và tương lai châu Phi tại Viện nghiên cứu an ninh Jakkie Cilliers tin rằng, khả năng của Trung Quốc trong việc đóng vai trò lớn hơn trên toàn cầu đã bị suy giảm.

“Vì vậy, tương lai, tầm quan trọng của đồng USD sẽ suy giảm đều đặn để ủng hộ một hệ thống phức tạp hơn và ít đơn cực hơn, với sự gia tăng của đồng Euro (nền kinh tế Eurozone lớn hơn nền kinh tế Mỹ) và đồng NDT, cùng với các đồng tiền khác, nhưng không có sự thay thế duy nhất nào cho đồng bạc xanh”.

Mặc dù Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã đảm bảo với người đồng cấp Brazil Lula da Silva rằng, một loại tiền tệ của BRICS sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh của nhóm vào tháng tới, nhà ngoại giao Nam Phi phụ trách quan hệ BRICS Anil Sooklal cho biết, điều đó sẽ không xảy ra.

Ông nói với Daily Maverick vào tháng 5: “Những gì chúng tôi có là một thỏa thuận liên ngân hàng để giao dịch bằng nội tệ. Đó là một thỏa thuận khung mà chúng tôi chưa kích hoạt. Vì vậy, bây giờ, sẽ có cuộc thảo luận nghiêm túc về việc kích hoạt nó”.

Các nước BRICS đã đi theo hướng đó. Ngân hàng Phát triển Mới BRICS bắt đầu cho vay bằng nội tệ và đặt mục tiêu đạt 30% cho vay bằng nội tệ trong 5 năm.

Ông Sooklal cho biết, tổ chức tín dụng này cũng đang tìm cách vay bằng đồng nội tệ và các quốc gia BRICS đang bắt đầu giao dịch bằng đồng tiền của nhau.

Tuy nhiên, sẽ là một chặng đường dài để có thể ra mắt đồng tiền chung của khối. Ngabị áp lực phải tìm cách thoát khỏi các lệnh trừng phạt, Trung Quốc đang tìm kiếm một vai trò toàn cầu lớn hơn, chưa kể đến sự kiên định của Tổng thống Brazil, tất cả điều đó có thể thúc đẩy sự ra đời của đồng tiền chung BRICS.

Mặc dù vậy, còn quá sớm để đưa đồng bạc xanh của Mỹ vào danh sách để có thể “hạ bệ”.

(theo issafrica.org)