Lệnh trừng phạt Nga đang truất ngôi đồng USD của Mỹ? (Nguồn: Spiderum) |
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào tháng 2/2022 đã gây ra làn sóng trừng phạt tài chính do Mỹ dẫn đầu đối với Moscow. Hai quyết định mạnh mẽ nhất đó là phương Tây đóng băng gần một nửa (300 tỷ USD) dự trữ ngoại tệ của Nga và loại bỏ các ngân hàng lớn của Nga khỏi SWIFT.
Những biện pháp trừng phạt này đã khiến Nga và Trung Quốc thúc đẩy cơ sở hạ tầng tài chính thay thế đồng USD.
Nhưng không chỉ có Bắc Kinh và Moscow. Từ Ấn Độ đến Argentina, Brazil đến Nam Phi và Trung Đông đến Đông Nam Á, trong những tháng gần đây, các quốc gia này đã hướng tới các thỏa thuận nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Vì vậy, những động thái này có thực sự truất ngôi USD trong giới tài chính và thương mại toàn cầu?
Theo Al Jazeera, các nhà phân tích khẳng định: Sự thống trị của đồng USD khó có thể thay đổi trong tương lai gần và nó sẽ vẫn là đồng tiền chính trong thương mại và giao dịch quốc tế. Không có loại tiền tệ nào khác có thể thay thế đồng tiền này. Tuy nhiên, nếu nhiều quốc gia bắt đầu giao dịch bằng các loại tiền tệ khác và giảm mức độ tiếp xúc với đồng USD thì "sức mạnh" của đồng tiền này có thể yếu đi.
"Lựa chọn hạt nhân" của thế giới tài chính
Các chuyên gia cho biết, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng với Nga đã khiến nhiều quốc gia lo sợ, tạo động lực mới cho nỗ lực phi USD hóa.
Bà Zongyuan Zoe Liu, một thành viên về kinh tế chính trị quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ có trụ sở tại New York nhận định: “Yếu tố thúc đẩy nỗ lực lần này thực sự là các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga. Quyết định loại Nga khỏi hệ thống SWIFT giống như sử dụng 'lựa chọn hạt nhân' trong thế giới tài chính".
Các nhà phân tích cho rằng, các quốc gia như Trung Quốc - vốn đã nằm trong tầm ngắm của lệnh trừng phạt của Mỹ trong các lĩnh vực như thương mại chất bán dẫn - lo ngại Washington có thể áp dụng biện pháp trừng phạy tương tự với Bắc Kinh trong tương lai.
"Đó là lý do tại sao nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang cố gắng chủ động rời xa đồng USD", ông Ahmadi Ali, chuyên gia về trừng phạt và thành viên điều hành tại Trung tâm Chính sách An ninh Geneva giải thích.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Sau khi ra khỏi SWIFT, bạn mất khả năng giao dịch xuyên biên giới một cách dễ dàng. Bạn có nguy cơ bị cắt khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu và điều đó có thể gây thiệt hại cho toàn bộ nền kinh tế của quốc gia đó".
Nhân dân tệ "lên ngôi"?
Trung Quốc đã loại bỏ trái phiếu kho bạc Mỹ - một trong những công cụ mà các quốc gia sử dụng để giữ dự trữ USD. Quốc gia này hiện đang nắm giữ khoản nợ 870 tỷ USD - mức thấp nhất kể từ năm 2010. Trung Quốc cũng đang đàm phán các thỏa thuận với các quốc gia khác để giao dịch trái phiếu Nhân dân tệ.
Vào tháng 2/2023, Ngân hàng trung ương của Iraq - một nhà cung cấp dầu mỏ lớn - đã lần đầu tiên tuyên bố sẽ cho phép giao dịch thương mại với Trung Quốc được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ.
Ngân hàng trung ương của Bangladesh đã đưa ra một thông báo tương tự vào tháng 9/2022. Cùng tháng đó, các thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã đồng ý tăng thương mại bằng đồng Nhân dân tệ.
Ngoài Trung Quốc, khối này bao gồm Nga, Ấn Độ, Pakistan, Uzbekistan, Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan.
Trong khi đó, Nga đã quyết định lưu trữ tất cả doanh thu thặng dư từ dầu khí vào năm 2023 bằng Nhân dân tệ khi nước này ngày càng chuyển sang sử dụng đồng nội tệ Trung Quốc để dự trữ ngoại hối.
Bên cạnh sự lo sợ bị trừng phạt, theo các chuyên gia, khoản nợ bằng đồng USD của các nền kinh tế nhỏ hơn và các kế hoạch thúc đẩy thương mại khu vực cũng đã khiến nhiều quốc gia rời xa đòng tiền này.
USD hiện có giá trị cao hơn 10% so với thời điểm bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và cao hơn 30% so với một thập niên trước.
Đối với các quốc gia nhập khẩu khối lượng lớn nhiên liệu, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác, USD tăng cao cũng khiến hóa đơn mua hàng tăng vọt.
Đó là lý do tại sao không chỉ Trung Quốc và Nga đang cố gắng cắt giảm tiếp xúc với USD mà rất nhiều quốc gia - bao gồm cả những "người bạn thân" của Mỹ - đang tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Quyết định không mấy dễ dàng?
Tuần trước, Đại sứ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tại Ấn Độ cho biết, hai nước đang cố gắng hoàn tất một thỏa thuận để giao dịch bằng đồng tiền của họ - đồng Dirham và đồng Rupee. UAE là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ.
Vào tháng 1/2023, một quan chức Bộ Thương mại Ấn Độ cho rằng, Nga, Sri Lanka, Bangladesh và Mauritius đều muốn giao dịch với Ấn Độ bằng đồng Rupee.
Các nền kinh tế lớn của Đông Nam Á đang lên kế hoạch tạo ra một cơ chế mà tại cơ chế này các ứng dụng di động có thể được sử dụng để giao dịch giữa các quốc gia bằng nội tệ của họ.
Ngoài ra, Tổng thống Brazil và Argentina cũng tiết lộ, hai đất nước này sẽ thiết lập một đồng tiền chung để giải quyết các giao dịch thương mại.
Bất chấp những nỗ lực của các quốc gia trên, các chuyên gia không tin rằng, bất kỳ loại tiền tệ nào cũng có thể truất ngôi đồng USD trong tương lai gần.
Bà Alicia Garcia Herrero, thành viên cấp cao tại Tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) nhận định: “Đồng tiền duy nhất có thể thay thế USD trong tương lai là đồng Nhân dân tệ, nhưng để đảm nhận vai trò đó, đồng tiền này phải có khả năng chuyển đổi hoàn toàn. Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra trong tương lai gần".
Ở thời điểm hiện tại, đồng Nhân dân tệ chỉ có thể chuyển đổi cho các mục đích hạn chế, chẳng hạn như thương mại. Điều này hạn chế sức hấp dẫn của Nhân dân tệ, bất chấp tác động ngày càng tăng của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu.
Một số chuyên gia cũng tin rằng, mặc dù các động thái hướng tới phi USD hóa sẽ không thay thế USD bằng một loại tiền tệ thống trị khác, nhưng có thể đưa ra các lựa chọn khác, cho phép các giao dịch thương mại không sử dụng đồng nội tệ của Mỹ.