Các chuyên gia nhận định các quốc gia thành viên của NATO trong khu vực Baltic nên chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài với Moscow. (Nguồn: Atlantic Council) |
Các chuyên gia nhận định Nga đã và đang tăng cường chiến thuật chiến tranh hỗn hợp ở biển Baltic và các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong khu vực nên chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài với Moscow, sau vụ các tuyến cáp quang nối Phần Lan và Thụy Điển bị cắt đứt và hệ thống định vị xáo trộn.
Tuần này, Berlin cáo buộc tàu chở hàng của Nga gần đây đã bắn pháo hiệu vào một chiếc trực thăng quân sự Đức. Diễn biến này được đánh giá là một dấu hiệu khác cho thấy căng thẳng gia tăng ở biển Baltic.
Nhà phân tích chính trị người Nga Konstantin Kalachev tuyên bố “Moscow không hề thích thú với quan điểm biển Baltic là ‘hồ’ của NATO”.
Trong khi đó, cựu chỉ huy hải quân Đan Mạch Nils Wang lưu ý: “Biển Baltic nằm trong vùng xám giữa chiến tranh và hòa bình, nơi các nước NATO phải sẵn sàng đối phó với mọi hình thức quấy rối”. Ông cho rằng Nga muốn chứng tỏ “về cơ bản, họ vẫn có thể gây khó khăn cho NATO khi hoạt động ở Biển Baltic”.
Trong một diễn biến khác, ngày 6/2, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đề nghị người đồng cấp Nga Vladimir Putin triển khai hệ thống tên lửa Oreshnik trên lãnh thổ Belarus, do lo ngại về tình hình ở khu vực biên giới với Ba Lan và Litva.
Tổng thống Putin cho biết hoạt động triển khai có thể được thực hiện vào nửa cuối năm 2025 khi sản lượng tên lửa tăng lên. Hệ thống Oreshnik sẽ là một phần trong tổ hợp Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, nhưng Belarus sẽ có quyền xác định các mục tiêu.
Cùng ngày, hai nhà lãnh đạo đã ký thỏa thuận về đảm bảo an ninh song phương tại cuộc họp Hội đồng Nhà nước Tối cao Nhà nước Liên minh ở Minsk. Tổng thống Putin khẳng định thỏa thuận bao gồm việc sử dụng mọi lực lượng, kể cả vũ khí hạt nhân của Nga.