Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành tiếp Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Hojlund Christensen, ngày 19/3/2021. |
Trong hai năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến tốc độ phát triển của đất nước nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành kế hoạch chỉ đạo các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn tỉnh triển khai tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đạt hiệu quả cao. Qua đó, bảo đảm ổn định tình hình để tập trung phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với toàn hệ thống chính trị của tỉnh, ngành ngoại vụ đã chủ động, sáng tạo, bám sát việc thực hiện nhiệm vụ về công tác đối ngoại phù hợp với tình hình mới, đã kịp thời ứng phó với dịch bệnh, đồng thời có những đóng góp đáng kể trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, thông tin tuyên truyền, biên giới lãnh thổ, nâng cao chất lượng hợp tác quốc tế.
Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại
Thực hiện nhất quán và xuyên suốt chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, tỉnh thường xuyên có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các tỉnh láng giềng Đông Bắc Campuchia và Hạ Lào. Thực hiện đối ngoại nhân dân, tham vấn trong triển khai công tác phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, giữ gìn đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình và ổn định.
Đến nay, tỉnh Gia Lai thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với chín tổ chức, địa phương của bốn nước gồm CH Czech, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ với 10 thỏa thuận được ký kết, giữ quan hệ thường xuyên, hợp tác với 18 cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, 8 tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Gia Lai đã thực hiện mở rộng, thiết lập quan hệ hợp tác với Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán các nước tại Việt Nam. Cụ thể, UBND tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ với một số địa phương, ngành, doanh nghiệp của CH Czech, Hàn Quốc về hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hóa, du lịch; đàm phán thiết lập quan hệ đối ngoại địa phương với Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán các nước: Israel, Nga, Hoa Kỳ, New Zealand, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Indonesia… để thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, y tế, xuất khẩu lao động.
Ngoài ra, tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp kết nối với Liên minh châu Âu, đưa các sản phẩm sản xuất tại địa phương như: Chanh dây, cà phê, tiêu xuất khẩu ra thị trường nước ngoài sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực…
Hoạt động đối ngoại đã trở thành kênh vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài đạt hiệu quả thiết thực. Tỉnh Gia Lai ngày càng thu hút nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, nhà tài trợ nước ngoài và bà con kiều bào đang sinh sống làm việc tại nước ngoài quan tâm, hỗ trợ cùng với tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân (1).
Song song với hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư là chương trình quảng bá hình ảnh địa phương đến các nước CH Czech, Nam Phi, Nhật Bản, Hàn Quốc; tham dự 22 sự kiện gặp gỡ cấp địa phương do Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam tổ chức…
Hình ảnh Gia Lai được nâng tầm qua các sự kiện văn hóa đặc sắc, mang tầm cỡ khu vực như Lễ hội Festival văn hóa Cồng chiêng năm 2018, Ngày Cà phê Việt Nam năm 2019, Hội thảo Khoa học quốc tế “thời kỳ đồ đá cũ ở Việt Nam trong kỹ nghệ ghè hai mặt châu Á” năm 2019, Giải vô địch quốc gia marathon Báo Tiền Phong 2021… Đây cũng là cơ hội hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng kết nối, hợp tác đầu tư, học hỏi nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động gặp gỡ, xúc tiến không thể thực hiện theo hình thức trực tiếp, tỉnh Gia Lai tăng cường thực hiện hoạt động đối ngoại theo hình thức tại chỗ, gặp gỡ trực tuyến. Sở Ngoại vụ làm tốt công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, kịp thời hỗ trợ công dân nước ngoài và công dân của tỉnh đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài, nhất là tại Lào và Campuchia, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Toàn cảnh thành phố Pleiku, Gia Lai. (Ảnh: Phan Nguyên) |
Bốn nhiệm vụ trọng tâm
Hoạt động đối ngoại của tỉnh đạt được những kết quả tốt trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Ngoại giao, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp thực hiện chặt chẽ, hiệu quả giữa các ngành, các cấp, đồng thời là kết quả của tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực phấn đấu, ý chí vươn lên, vừa làm vừa học của tập thể lãnh đạo, công chức, người lao động của Sở Ngoại vụ.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại của địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững, tỉnh cần quán triệt và thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các định hướng, chủ trương về công tác đối ngoại, nhất là đường lối đối ngoại của đất nước ta được đề cập trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Thứ hai, tiếp tục giữ gìn, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển trên tất cả các lĩnh vực; thúc đẩy hợp tác liên kết phát triển du lịch liên quốc gia; tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình cụm dân cư hai bên biên giới, giữ vững đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thực hiện nhiệm vụ phân giới cắm mốc Việt Nam - Campuchia theo nội dung Nghị định thư ghi nhận 84% kết quả phân giới cắm mốc và Hiệp ước bổ sung năm 2019 mà Chính phủ hai nước đã ký kết.
Thứ ba, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chú trọng ngoại giao kinh tế, văn hóa, xúc tiến đầu tư nước ngoài nhằm mở rộng quan hệ, nâng cao chất lượng quan hệ hợp tác với các đối tác; tăng cường kêu gọi, vận động các nguồn vốn nước ngoài hỗ trợ, đầu tư vào tỉnh. Đặc biệt là tập trung các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các tổ chức, đa phương và song phương để thúc đẩy xuất, nhập khẩu hàng hóa song phương giữa địa phương và các đối tác, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.
Thứ tư, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý, chuyên trách về công tác đối ngoại, đặc biệt là năng lực hội nhập quốc tế, văn hóa đối ngoại, thông tin tuyên truyền đối ngoại; xây dựng kế hoạch và triển khai tổng kết thực tiễn công tác đối ngoại của địa phương, rút ra những kinh nghiệm hay, cách làm tốt để tiếp tục đấy mạnh công tác đối ngoại trong tình hình mới.
Với việc tiến hành đồng bộ, phối hợp chặt chẽ và quản lý thống nhất những nhiệm vụ trên, chúng ta tin tưởng rằng, công tác đối ngoại địa phương thời gian tới sẽ có bước phát triển toàn diện hơn nữa, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng của địa phương.
(1) Có 44 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký hỗ trợ tỉnh thực hiện 40 dự án với tổng vốn cam kết là 9.292.287 USD, đến nay đã giải ngân ước đạt 5.897.397 USD; tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ chương trình từ thiện, nhân đạo với tổng kinh phí thực hiện là 200.449 USD, tương đương 4,61 tỷ đồng.
| Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ làm việc với các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk về công tác biên giới Từ ngày 28/11-2/12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Nguyễn Minh Vũ đã dẫn đầu đoàn công tác ... |
| Đối tác Hà Lan đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Gia Lai Nhằm triển khai kế hoạch ngoại giao phục vụ kinh tế, ngày 25/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan đã phối hợp với ... |