📞

Không ngừng theo dõi tình hình Biển Đông, động thái nào của Ấn Độ đáng lưu ý?

Hồng Phúc 18:11 | 30/05/2020
TGVN. Câu hỏi đặt ra là lợi ích của Ấn Độ là gì, và nước này đối đầu với thách thức Trung Quốc tại Biển Đông như thế nào?
Những quan ngại của Ấn Độ nằm ở mối lo ngại về việc Trung Quốc đang cố gắng biến Biển Đông thành "lãnh hải" của mình.

Theo bài phân tích của chuyên gia Rajaram Panda đăng trên trang web của Viện nghiên cứu và phân tích Jamestown Foundation, trong những diễn biến mới nhất về căng thẳng ở Biển Đông, dễ thấy một "người khổng lồ" đang lên khác tại châu Á với những lợi ích đáng kể trong tranh chấp tại khu vực đang khá im lặng.

Ấn Độ có mối quan hệ kinh tế vững chắc và quốc phòng đang ngày càng gia tăng tại khu vực. Lợi ích của Ấn Độ tại khu vực là gì, và nước này đối đầu với thách thức Trung Quốc tại Biển Đông như thế nào?

Trên thực tế, Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ lịch sử lâu dài và tiếp tục lớn mạnh như một kết quả tạo ra từ những thách thức an ninh tại Biển Đông cũng như lợi ích chiến lược của New Delhi tại khu vực. Ấn Độ có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam và nước này là một chỗ dựa quan trọng đối với chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ.

Tình hình an ninh hàng hải và lợi ích quốc gia của Ấn Độ cho thấy cam kết vững chắc của nước này khi liên minh với các quốc gia ASEAN. Tuyên bố năm 2007 của Hải quân Ấn Độ định rõ Biển Đông là "một khu vực lợi ích chiến lược".

Về ngắn hạn, Trung Quốc khó có khả năng thay thế Ấn Độ làm một "người chơi" có tầm ảnh hưởng lớn tại Ấn Độ Dương, song Trung Quốc tạo ra thách thức đáng kể đối với những lợi ích dài hạn của Ấn Độ tại khu vực.

Trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã bổ sung một số lượng tàu và tàu ngầm cho lực lượng hải quân hơn gấp 8 lần so với Ấn Độ. Hiện nay, tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc thường xuyên đi qua Eo biển Malacca để tuần tra Ấn Độ Dương.

Về phần mình, New Delhi đã cam kết bảo vệ lợi ích của mình tại Biển Đông và kích hoạt một số chính sách để bắt đầu chống lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngoài ra, Ấn Độ đã tuyên bố rõ ràng sẽ triển khai lực lượng hải quân tới Biển Đông để bảo vệ những lợi ích về năng lượng của mình. Lợi ích chiến lược của Ấn Độ rõ ràng nằm ở việc duy trì hòa bình và trật tự hàng hải tại khu vực.

Những quan ngại của Ấn Độ nằm ở mối lo ngại về việc Trung Quốc đang cố gắng biến Biển Đông thành "lãnh hải" của mình bằng cách ngăn chặn hoặc nâng cao cái giá phải trả về chính trị và kinh tế cho bất kỳ quốc gia nào có ý định giao thương hoặc đi qua khu vực. Viễn cảnh này sẽ có tác động tiêu cực tới sự trỗi dậy về kinh tế của Ấn Độ.

Khi hoạt động quân sự hóa và "khai hoang" đảo của Trung Quốc ở Biển Đông tiếp tục diễn ra, các quốc gia nhỏ hơn cũng khẳng định chủ quyền tại khu vực đã bắt đầu tìm tới Ấn Độ để nâng cao vai trò của New Delhi như một người đảm bảo an ninh tại khu vực, khi mà riêng từng nước không thể đối phó với thách thức từ Trung Quốc.

Cho tới nay, Hải quân Ấn Độ vẫn luôn tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương, kéo dài từ Vịnh Aden tới Eo biển Malacca, song New Delhi vẫn theo dõi tình hình Biển Đông. Vào tháng 12/2012, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ lúc đó DK Joshi, trong một tuyên bố ý nghĩa về tư tưởng hàng hải trước Ngày Hải quân Ấn Độ (4/12), đã khẳng định "không phải chúng ta sẽ luôn hiện diện (ở Biển Đông), nhưng trong những tình huống cần thiết có liên quan tới các lợi ích (của Ấn Độ)... chúng ta sẽ phải tới đó và chúng ta sẵn sàng cho điều này".

Kể từ đó, Ấn Độ đã mở rộng vị thế và vai trò tại Biển Đông. Từ ngày 19-22/5, Ấn Độ đã tiến hành cuộc tập trận hải quân song phương tại khu vực. Vào tháng 5/2019, Ấn Độ đã diễn tập hải quân tại vùng biển bên cạnh các lực lượng hải quân của Mỹ, Nhật Bản và Philippines.

Các nguồn tin Ấn Độ đã chỉ rõ rằng New Delhi đang cân nhắc mời Australia tham gia tập trận Malabar sắp tới (tập trận hải quân thường niên Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ), dự kiến diễn ra vào tháng 7 và 8.

Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một bước đi mới trong việc quân sự hóa mối quan hệ "Bộ tứ" cường quốc dân chủ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trước đây, Ấn Độ đã từ chối đặt trọng tâm về an ninh vào một "Bộ tứ" như vậy do lo ngại điều này sẽ kích động một phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Australia tham gia tập trận năm nay, đây sẽ là tín hiệu mới nhất cho thấy New Delhi ngày càng sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh.