Cơ hội cho Việt Nam
Phát biểu tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế - tài chính thế giới: Tác động và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam” do Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Ngân hàng Standard Chatered tổ chức ngày 14/1 tại Hà Nội, ông Edward Lee, Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Nam Á của Standard Chartered đã đưa ra một số nguy cơ có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới trong thời gian tới. Đó là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Anh rời khỏi EU (Brexit), nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.
Chuyên gia của Standard Chartered dự báo, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ ngày càng khốc liệt và chưa thể chấm dứt trong năm 2019. Với những nền kinh tế có độ mở như Việt Nam sẽ ít nhiều chịu tác động dù còn quá sớm để đánh giá những ảnh hưởng của cuộc chiến.
Tuy nhiên, ông Edward Lee cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể làm dịch chuyển chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác. Theo thống kê, xuất khẩu gián tiếp của Việt Nam tới Mỹ thông qua Trung Quốc đang ở mức 1,04% GDP. Tuy nhiên, thời gian tới, Việt Nam có thể đón nhận lượng đơn đặt hàng từ Mỹ lên tới 2,2% GDP.
Hội thảo “Triển vọng kinh tế - tài chính thế giới: Tác động và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam” ngày 14/1 tại Hà Nội. (Ảnh: Ly Ly) |
Là một chuyên gia của Standard Chartered chuyên theo dõi kinh tế vĩ mô khu vực châu Á, tập trung vào các thị trường Philippines, Việt Nam, Australia và Nhật Bản, ông Chidu Narayanan cho biết ông lạc quan về nền kinh tế Việt Nam trong những năm vừa qua và Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực ASEAN. Năm 2018, Việt Nam đạt tăng trưởng 7,08%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm và cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực.
Ông Chidu Narayanan dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 và năm 2020 sẽ đạt 6,9%, chậm lại so với 2018 và theo hướng bền vững, lạm phát trung bình sẽ khoảng 4,0% (2019) và 5,3% (2020).
Theo chuyên gia của Standard Chartered, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ. Năm 2019, FDI có thể không cao như những năm trước nhưng sẽ vẫn tăng trưởng khá do việc dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu từ Trung Quốc sang các nước láng giềng châu Á có thể mang theo dòng vốn FDI.
Ông Chidu Narayanan nhận định, 4 nền kinh tế bao gồm Việt Nam, Mexico, Malaysia và Thái Lan có thể là những nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đặc biệt là Việt Nam với vị trí địa lý khá gần Trung Quốc, quy mô dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào sẽ là một lựa chọn thay thế tốt nhất đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, ông Chidu Narayanan cho rằng một số mặt hàng như da giày, điện tử, đồ dùng gia đình… sẽ là những mặt hàng xuất khẩu lợi thế của Việt Nam khi Mỹ giảm bớt nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc
Thách thức từ nội tại
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, dù bối cảnh kinh tế thế giới năm 2019 có nhiều biến động nhưng kinh tế Việt Nam sẽ không xấu hơn so với năm 2018 mà thậm chí có phần tốt hơn, thuận lợi hơn.
Về xu hướng tăng lãi suất đồng USD của Fed có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, ông Cung cho rằng, lãi suất đồng USD năm 2019 sẽ tốt hơn. Tỷ giá đồng NDT cũng sẽ không dao động căng thẳng như năm 2018, mở ra nhiều dư địa cho Việt Nam.
Nhận định những nguy cơ từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, TS. Cung cho biết, ban đầu mang tới nhiều lo lắng, song tới nay đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực hơn. Vấn đề là Việt Nam cần phải biết tận dụng cơ hội trước khi cuộc chiến thương mại có những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, tình hình chính trị bất ổn tại châu Âu có thể sẽ tạo ra những bất ổn khó lường. “Liên minh châu Âu (EU) là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng đang trong quá trình chờ phê chuẩn và ký kết nên mọi tác động bất lợi trong chính trường châu Âu cũng có thể ảnh hưởng nhất định đến dòng thương mại giữa hai bên”, ông Cung đánh giá.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những bất ổn nội tại nền kinh tế đáng lo hơn những thách thức bên ngoài. (Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn) |
Ông Cung cảnh báo, những thách thức từ những yếu tố bất ổn bên ngoài trên thực tế lại không đáng ngại bằng những thách thức ngay trong nội tại nền kinh tế. “Những yếu tố bên ngoài chúng ta sẽ khó kiểm soát được nhưng việc chúng ta có đối phó được những thách thức bên ngoài và tận dụng cơ hội được hay không lại phụ thuộc vào năng lực bên trong nền kinh tế. Đây mới là điều quyết định”, ông Cung đánh giá.
Còn theo GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), vấn đề của Trung Quốc với Mỹ không chỉ là cuộc chiến thương mại, mà còn là cạnh tranh vị thế siêu cường trên thế giới. Từ sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công khai mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của Bắc Kinh trên phạm vi toàn cầu vài năm trở lại đây, Washington cũng đã và đang áp dụng nhiều biện pháp để kiềm chế Trung Quốc, mà chiến tranh thương mại là một trong số đó. Đặt trong bối cảnh như vậy, rất khó có chuyện hai nền kinh tế đình chiến với nhau. Việt Nam, do đó cần có chiến lược hợp lý, bởi cả Trung Quốc và Mỹ đều là các đối tác kinh tế rất quan trọng.
GS. Nguyễn Mại cũng cho rằng, dù năm 2018 Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng khá cao nhưng chất lượng tăng trưởng vẫn chưa đạt yêu cầu. Quá trình cải tiến mô hình nền kinh tế, cải cách động lực tăng trưởng vẫn cần phải tiến hành mạnh hơn nữa.