Nhờ nguồn cung dầu từ Nga, các quốc gia châu Phi có thể đáp ứng nhu cầu trong nước về nhiên liệu giá rẻ bằng cách xuất khẩu hàng hóa của chính họ với giá cao hơn. (Nguồn: cepr.org) |
Lượng dầu Nga sang châu Phi tăng vọt
Sau lệnh trừng phạt từ các quốc gia phương Tây liên quan tới xung đột tại Ukraine, Nga đã tăng mạnh doanh số bán dầu sang châu Phi.
Xuất khẩu sản phẩm dầu tinh chế của Nga sang châu Phi đã tăng vọt kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (vào tháng 2/2022), tăng gấp 14 lần chỉ trong hơn một năm, sau một “chiến dịch ngoại giao” vào lục địa này của các quan chức Nga.
Trước xung đột, Nga xuất khẩu 33.000 thùng dầu tinh chế mỗi ngày sang châu Phi, phần lớn là xăng. Đến tháng 3/2023, con số đó đã tăng lên 420.000 thùng/ngày.
Vào tháng 6 vừa qua, mức bán dầu của Nga sang châu Phi đã giảm xuống còn 250.000 thùng/ngày, tuy nhiên, đây vẫn là một con số rất lớn.
Nhờ nguồn cung dầu từ Nga, các quốc gia châu Phi có thể đáp ứng nhu cầu trong nước về nhiên liệu giá rẻ bằng cách xuất khẩu hàng hóa của chính họ với giá cao hơn.
Các chuyến hàng đến các quốc gia châu Phi như Nigeria, Tunisia và Libya đã tăng mạnh vào tháng 2/2023, khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm vận đối với các sản phẩm dầu của Nga.
Lệnh cấm vận được đưa ra sau các quyết định từ nhiều nước phương Tây nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu dầu của Nga.
Các biện pháp trừng phạt này đã buộc Moscow phải chuyển khối lượng xuất khẩu dầu đáng kể sang các thị trường thay thế, bao gồm cả châu Phi. Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang ngày càng trở thành những thị trường xuất khẩu quan trọng của Nga.
Các chuyên gia cho biết, một "cuộc tranh giành châu Phi" mới đã tăng tốc kể từ khi nổ ra xung đột tại Ukraine. Trung Quốc, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia vùng Vịnh và các cường quốc thuộc địa cũ của Anh và Pháp đều tranh giành ảnh hưởng đối với châu lục đang phát triển nhanh nhất thế giới này.
Năm ngoái, chỉ trong vòng 1 tháng (tháng 6-7), Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã đến thăm 7 quốc gia châu Phi. Nói với công ty năng lượng S&P Global Commodity Insights, nhà phân tích độc lập về Nga Timur Kulakhmetov nhận định, chuyến công du của ông Lavrov nhằm củng cố mối quan hệ với các nước quan trọng và mở ra thị trường mới cho các sản phẩm dầu mỏ của Nga.
Trong khi đó, nhóm lính đánh thuê Wagner đã hoạt động tại các quốc gia châu Phi nhằm đảm bảo an ninh để đổi lấy các hợp đồng khai thác béo bở. Ngoài ra, các công ty năng lượng Nga cũng đã “để mắt” đến các khoản đầu tư vào lục địa này.
Bằng chứng rõ ràng nhất về mối quan hệ Moscow-châu Phi ngày càng được củng cố chính là lượng xuất khẩu ngày càng tăng các sản phẩm dầu tinh chế của Nga kể từ khi lệnh cấm vận từ EU đối với việc nhập khẩu dầu mỏ Nga có hiệu lực vào ngày 5/2/2023.
Cùng thời điểm đó, mức trần giá do Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), EU và Australia áp dụng đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga là 100 USD/thùng, bao gồm xăng và gas, cũng có hiệu lực. Cũng trong ngày 5/2/2023, phương Tây áp mức trần giá 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giá rẻ hơn của Nga, như dầu nhiên liệu.
Chuyên gia Kulakhmetov cho biết, điều này khiến Moscow “phải vật lộn để giữ chỗ đứng trong bảng xếp hạng các nhà xuất khẩu nguyên liệu thô, bằng cách tìm kiếm thị trường mới cho hàng hóa”.
Trước đó, hồi tháng 12/2022, EU và G7 cũng đã áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô xuất khẩu của Nga vận chuyển bằng đường biển.
Thông qua biện pháp áp các mức trần giá năng lượng này, các nước phương Tây muốn siết chặt nguồn thu tài chính của Nga để buộc nước này phải chấm dứt chiến dịch quân sự tại quốc gia láng giềng Ukraine.
Mặc dù xuất khẩu dòng sản phẩm tinh chế của Nga giảm nhẹ sau xung đột nhưng vẫn đạt mức cao nhất trong 7 năm là 1,9 triệu thùng/ngày vào tháng 3/2023.
Chuyển hướng dòng chảy thương mại dầu
Và trong khi các chuyến hàng chở dầu đến các nước châu Âu, như Pháp và Bỉ, đã giảm trong những tháng gần đây, thì lượng hàng đến các quốc gia châu Phi, đặc biệt là khu vực phía Bắc, đã tăng vọt, nhất là sau khi lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm từ Nga của EU có hiệu lực.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân khiến Nga chuyển hướng xuất khẩu dầu sang các thị trường thay thế, như Ấn Độ, Trung Quốc và cả châu Phi. (Nguồn: Shutterstock) |
Nhà phân tích cấp cao về thị trường dầu mỏ ngắn hạn tại S&P Global Rebeka Foley cho biết: “Trước khi EU áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga, nước này là nhà cung cấp sản phẩm chính cho thị trường châu Âu, đặc biệt là dầu diesel, dầu nhiên liệu và naphtha”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia trên, thị trường đã tái cân bằng - do các lệnh trừng phạt. Dầu diesel của Nga đã hướng đến châu Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông và khu vực Mỹ Latinh”.
Theo dữ liệu của S&P Global Commodities at Sea, trong quý đầu tiên của năm 2022, Tunisia chỉ nhập khẩu 2.700 thùng/ngày các sản phẩm của Nga. Đến quý I năm nay, con số này đã tăng lên 66.300 thùng/ngày.
Trong khi đó, Nigeria - nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Phi, quốc gia đông dân hàng đầu châu lục cũng đã chứng kiến lượng nhập khẩu tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên 57.400 thùng/ngày trong 3 tháng đầu năm 2023.
Morocco, Libya và Ai Cập cũng ghi nhận sự gia tăng lớn trong nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga.
Chuyên gia Kulakhmetov nhận định: “Các hoạt động ngoại giao rầm rộ của Ngoại trưởng Lavrov khẳng định mục tiêu chuyển hướng dòng chảy thương mại dầu rất rõ ràng. Đây là các động thái cho thấy Moscow đang tìm kiếm các thị trường xuất khẩu hàng hóa thay thế cho châu Âu. Các quốc gia Bắc Phi đang đóng một vai trò quan trọng đối với Nga trong việc giảm thiểu tác động của lệnh cấm dầu thô và sản phẩm dầu mỏ”.
Trung tâm của các dòng chảy thương mại mới là Litasco, chi nhánh có trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ) của công ty dầu mỏ Lukoil của Nga, đã hoạt động ở châu Phi trong nhiều thập niên.
Các tập đoàn vận chuyển hàng đầu thế giới, như Vitol và Guvnor, thuộc sở hữu của phương Tây cũng vẫn tiếp tục vận chuyển các sản phẩm của Nga. Ngoài ra, nhiều tổ chức thương mại ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore đã mọc lên trong những tháng gần đây.
Thêm vào đó, việc Nga định hướng lại dòng sản phẩm xuất khẩu đã vô tình được hỗ trợ bởi việc giảm nhập khẩu xăng Hà Lan vào châu Phi sau khi các cơ quan quản lý ở quốc gia châu Âu này áp đặt các quy định mới về hàm lượng lưu huỳnh, benzen và mangan đối với xuất khẩu nhiên liệu.
Có thể nói, các biện pháp trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân khiến Nga chuyển hướng xuất khẩu dầu sang các thị trường thay thế, như Ấn Độ, Trung Quốc và cả châu Phi. Sau hơn 1 năm triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, Moscow đã tăng cường hoạt động ngoại giao chưa từng có đối với châu Phi, mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác với các quốc gia ở lục địa đang phát triển và giàu tiềm năng này.