📞

Không phải xung đột Nga-Ukraine hay vai trò của Berlin ở EU, đây mới chính là thứ người Đức để tâm; nền kinh tế sẽ được ‘sửa chữa’ ra sao?

Hải An 07:25 | 19/12/2024
Tất cả các đảng đều cam kết khôi phục thời kỳ hoàng kim của ngành công nghiệp Đức, nhưng họ có tầm nhìn quá khác biệt, thậm chí đối đầu.
Khi các đợt sa thải hàng loạt trong ngành công nghiệp Đức bắt đầu có tác động và các công ty, vốn là biểu tượng của nền kinh tế quốc gia Tây Âu như Volkswagen, đe dọa đóng cửa nhà máy, thì chính các vấn đề trong nước lại đang chi phối chiến dịch bầu cử cũng như tác động tới tâm lý người dân nước này. (Nguồn: Goldman Sachs)

Trước thềm cuộc bầu cử vào ngày 23/2/2025, các đảng phái Đức có những kế hoạch hoàn toàn khác nhau để “sửa chữa” nền kinh tế đang trì trệ của đất nước. Chiến dịch tranh cử của quốc gia đầu tàu châu Âu đang trở thành một cuộc xung đột ý thức hệ dữ dội về những tầm nhìn kinh tế khác biệt.

Khi người Đức ngày càng lo lắng về nền kinh tế đất nước đang suy yếu, được dự báo sẽ suy thoái trong năm thứ hai liên tiếp, thì câu hỏi về cách khôi phục tăng trưởng đang trở thành vấn đề cấp bách và gây tranh cãi nhất.

Hôm 17/2, trong buổi trình bày về chương trình bầu cử của liên minh, nhà lãnh đạo bảo thủ Friedrich Merz cho biết: “Đất nước đang mất đi sức cạnh tranh. Chúng ta cần một chính phủ ổn định có khả năng hành động”.

Khi các đợt sa thải hàng loạt trong ngành công nghiệp Đức bắt đầu có tác động và các công ty, vốn là biểu tượng của nền kinh tế quốc gia Tây Âu như Volkswagen, đe dọa đóng cửa nhà máy, thì chính các vấn đề trong nước - chứ không phải cuộc xung đột ở Ukraine hay vai trò của Berlin ở châu Âu - lại đang chi phối chiến dịch bầu cử cũng như tác động tới tâm lý người dân.

Theo một cuộc thăm dò gần đây trên truyền hình, vấn đề khiến người Đức lo ngại nhất trước cuộc bầu cử là “sức khỏe” của nền kinh tế, tiếp theo là di cư. Xung đột Nga-Ukraine chỉ đứng thứ tư trong danh sách.

Tất cả các đảng đều cam kết khôi phục thời kỳ hoàng kim của tăng trưởng công nghiệp Đức, nhưng họ có tầm nhìn quá khác biệt, thậm chí đối đầu về cách thực hiện.

Những kế hoạch hoàn toàn khác biệt

Ông Merz, nhà lãnh đạo Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu (CDU), người đang ở vị trí dẫn đầu và có khả năng trở thành thủ tướng tiếp theo của đất nước, đề xuất giảm đáng kể thuế thu nhập, cũng như cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống mức tối đa là 25%. Lãnh đạo CDU cũng muốn cắt giảm các chế độ phúc lợi xã hội mà ông cho rằng chúng không khuyến khích người dân làm việc.

Chính trị gia cho biết, những thay đổi này sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân, giúp kích thích nền kinh tế.

Về mặt tài chính, đảng Dân chủ tự do (FDP) bảo thủ cũng có chính sách tương tự, với đề xuất cắt giảm thuế đối với hầu hết người có thu nhập cũng như cho các công ty. Đảng này cũng muốn chấm dứt chương trình trợ cấp cho năng lượng tái tạo, đồng thời khôi phục các nhà máy điện hạt nhân của đất nước.

Trong khi đó, Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz và đảng Dân chủ xã hội (SPD) trung tả của ông đang vận động các khoản đầu tư công lớn để thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp.

Hôm 17/12, ông Scholz đã đề xuất một quỹ đầu tư trị giá 100 tỷ Euro giống với Đạo luật Giảm lạm phát ở Mỹ và cam kết tăng mức lương tối thiểu lên 15 Euro một giờ từ 12 Euro hiện nay.

Nhà lãnh đạo này nói: “Mục tiêu là để Đức vẫn là một quốc gia công nghiệp hóa mạnh mẽ và thành công, ngay cả trong 10, 20 hoặc 30 năm nữa".

Đồng thời, SPD kêu gọi cắt giảm thuế cho hầu hết những người có thu nhập thấp và tăng thuế đối với người giàu, đề xuất mức phí bảo hiểm "Sản xuất tại Đức" để trợ cấp cho các khoản đầu tư của doanh nghiệp vào hệ thống máy móc thiết bị thông qua khoản hoàn thuế trực tiếp là 10% giá mua.

Về phần mình, đảng Xanh lại đang đề xuất một "quỹ Đức" để tài trợ cho các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng của đất nước và giảm thuế điện xuống mức tối thiểu của châu Âu.

Theo chương trình của đảng này, “quỹ Đức” sẽ "đảm bảo cho thế hệ trẻ một đất nước hiện đại, hoạt động và trung hòa khí hậu cùng một nền kinh tế cạnh tranh thay vì để lại cho họ những gánh nặng nợ nần và cơ sở hạ tầng xuống cấp".

Liệu có giải pháp nào hiệu quả?

Các nhà kinh tế đã đặt ra câu hỏi về việc liệu các kế hoạch nói trên của các đảng có đủ tham vọng và tính hiệu quả để giải quyết những vấn đề về cấu trúc đang làm suy yếu nền kinh tế Đức hay không.

Những thách thức mà nền kinh tế số một châu Âu hiện đang đối mặt gồm: chi phí năng lượng cao ảnh hưởng đến ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và sự sụp đổ của thương mại tự do, vốn là cốt lõi của nền kinh tế dựa vào xuất khẩu.

Ngoài ra, còn có câu hỏi về nguồn tài chính cho các kế hoạch này.

Cả SPD và đảng Xanh cuối cùng đều muốn giải phóng đầu tư công bằng cách cải cách hệ thống phanh nợ của đất nước, giới hạn thâm hụt ngân sách cơ cấu ở mức 0,35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), ngoại trừ trong thời điểm khẩn cấp.

Trong khi đó, CDU muốn tuân thủ các quy tắc chi tiêu, lập luận trong tuyên ngôn của đảng này rằng "các khoản nợ của ngày hôm nay là mức tăng thuế của ngày mai".

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế Đức đã chỉ trích các kế hoạch của các đảng là hứa hẹn nhiều hơn những gì họ có thể thực hiện, trong đó, mục tiêu cắt giảm thuế của ông Merz đã bị chỉ trích đích danh.

Các chuyên gia kinh tế và những người phản đối nhà lãnh đạo phe bảo thủ này ước tính rằng, tổng số tiền thuế mà đảng này đề xuất cắt giảm sẽ lên tới 100 tỷ Euro mỗi năm và nhiều người nhận định tăng trưởng kinh tế sẽ không đủ mạnh để bù đắp cho khoản doanh thu bị mất.

Tuy nhiên, khi được hỏi về những lời chỉ trích, ông Merz lập luận rằng "yếu tố quyết định là khôi phục lại ý chí thực hiện và khả năng tăng trưởng của Đức".

Sau đó, ông giải thích, các vấn đề tài chính sẽ xuất hiện "theo một góc nhìn hoàn toàn khác".

Nền kinh tế Đức được dự báo sẽ tăng trưởng 0,3% vào năm 2025, thấp hơn so với ước tính của khu vực đồng Euro là 0,8% và của Vương quốc Anh là 1,2%. (Nguồn: allianz-trade.com)

Tia sáng le lói cuối đường hầm?

Theo Goldman Sachs, nền kinh tế Đức, vốn tụt hậu so với các nước trong những năm gần đây, đang phải đối mặt với một loạt trở ngại vào năm 2025, bao gồm bất ổn thương mại với Mỹ, giá năng lượng vẫn ở mức cao và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử vào tháng 2 năm sau sẽ mang đến cơ hội để giải quyết các thách thức của đất nước.

Ông Jari Stehn, Chuyên gia kinh tế trưởng châu Âu của Goldman Sachs Research, cho biết: “Kể từ cuối năm 2019, số liệu thống kê khá sốc. GDP của Đức không thay đổi trong khi phần còn lại của khu vực đồng Euro tăng trưởng 5% và Mỹ đạt 11%”.

Theo chuyên gia trên, có 3 nguyên nhân dẫn tới thực trạng này.

Một là, cuộc khủng hoảng năng lượng đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến Đức vì nước này phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt đường ống của Nga. Berlin có nhiều hoạt động sản xuất thâm dụng năng lượng và nền kinh tế tập trung chủ yếu vào hoạt động sản xuất. Vì vậy, việc giá năng lượng tăng có tác động lớn hơn đến Đức so với các quốc gia khác.

Thứ hai, Đức phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Đây là một lợi thế lớn trong quá khứ vì quốc gia Đông Bắc Á đã phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, trong vài năm qua, tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc đã chậm lại, vì vậy, Đức đã bán ít hàng hóa hơn vào cường quốc châu Á.

Ngoài ra, trong hai đến ba năm qua, Bắc Kinh đã dần trở thành đối thủ cạnh tranh với Berlin. Trung Quốc hiện sản xuất nhiều hàng hóa giống với hàng hóa mà Đức sản xuất. Về cơ bản, đối với Berlin, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chuyển từ một điểm đến xuất khẩu chính thành một đối thủ cạnh tranh chính, và Bắc Kinh đã giành được thị phần, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà nền kinh tế hàng đầu EU ghi nhận tình trạng chi phí tăng mạnh.

Thứ ba, Đức có một số vấn đề về cấu trúc, chẳng hạn như mức độ quản lý mà các doanh nghiệp khởi nghiệp phải đối mặt và tình trạng đầu tư công không đủ. Trong vài năm qua, họ đã đưa Đức vào vị thế kém cạnh tranh hơn.

Theo Goldman Sachs Research, nền kinh tế lớn nhất châu Âu được dự báo sẽ tăng trưởng 0,3% vào năm 2025, thấp hơn so với ước tính của khu vực đồng Euro là 0,8% và của Vương quốc Anh là 1,2%. GDP thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) của quốc gia Tây Âu không thay đổi kể từ quý IV/2019.

Tuy nhiên, bất chấp mọi thách thức, cũng có những dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp Đức đang tìm cách thích nghi. Xin mượn lời của chuyên gia kinh tế trưởng châu Âu của Goldman Sachs Research, Jari Stehn, làm lời kết cho bài viết này: "Mặc dù sản lượng công nghiệp đã giảm đáng kể trong vài năm qua, nhưng giá trị gia tăng thực tế đã ổn định hơn nhiều.

Các công ty Đức đã có thể ứng phó bằng cách chuyển từ sản xuất hóa chất hoặc giấy có biên lợi nhuận tương đối thấp… sang sản xuất những mặt hàng có giá trị cao hơn. Tôi nghĩ rằng, đây chính là cách cách để các công ty nước này tiến về phía trước”.

(theo Politico, Goldman Sachs)