📞

Không riêng Trung Quốc, khủng hoảng thiếu điện đang rình rập Ấn Độ

Việt An 09:14 | 08/10/2021
Trung Quốc không phải là nền kinh tế lớn duy nhất của châu Á đối mặt với khủng hoảng năng lượng. Ấn Độ có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trong những tháng tới vì trữ lượng than tại hầu hết các nhà máy điện của nước này đã giảm xuống mức cực kỳ thấp.
Một công nhân làm việc bên trong một bãi than ở ngoại ô Ahmedabad, Ấn Độ. (Nguồn: CNN)

Trong một báo cáo công bố ngày 6/10, Cục Điện lực trung ương Ấn Độ (CEA) cho biết, có tới 75 nhà máy trong số 135 nhà máy nhiệt điện tại nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này đang hoạt động với lượng than đủ dùng dưới 5 ngày.

Khoảng 63 nhà máy có nguồn cung cấp than trong hai ngày, thậm chí ít hơn và 17 nhà máy đã cạn nguồn dự trữ than. Đây là mức độ mà CEA cho là "siêu nghiêm trọng".

Than chiếm gần 70% nguồn năng lượng để sản xuất điện của cả nước.

Trả lời tờ The Indian Express, Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ R.K. Singh nhận xét tình hình sẽ trở nên khó khăn trong 5-6 tháng tới.

Nhu cầu điện đã tăng mạnh ở Ấn Độ trong bối cảnh các doanh nghiệp phục hồi sau đợt dịch Covid-19 hồi đầu năm nay.

Trong một tuyên bố hồi tháng trước, Bộ Năng lượng cho hay, nhu cầu năng lượng tăng cao sẽ làm tăng khả năng hoạt động của nền kinh tế và đây là điều đáng khích lệ, vì điều đó có nghĩa là ngày càng có nhiều hộ gia đình có đủ khả năng mua điện và các ngành công nghiệp đang trở lại mức trước đại dịch.

Tuy vậy, nguồn cung cấp than của Ấn Độ đã bị ảnh hưởng bởi mùa mưa, khi lượng mưa lớn ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận chuyển.

Bộ trưởng Singh nhấn mạnh việc thiếu hụt điện hiện nay đã “vượt quá" mức bình thường nhưng chưa dẫn đến bất kỳ sự cố mất điện nào.

Coal India Limited, công ty sản xuất phần lớn lượng than khai thác ở Ấn Độ đã được yêu cầu tăng cường sản xuất.

Theo các nhà phân tích tại ngân hàng Nomura, nếu Ấn Độ không thể sớm khắc phục tình trạng khan hiếm than, các công ty ngành điện sẽ phải đối mặt với viễn cảnh phải nhập khẩu than với chi phí tăng đáng kể, gây tổn hại đến sự phục hồi kinh tế của đất nước.

Sự bùng nổ hàng hóa sau đại dịch và nỗ lực giảm khai thác than để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu đã khiến giá năng lượng toàn cầu tăng cao ngất ngưởng.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng điện ở Trung Quốc gây ra tình trạng mất điện ở các hộ gia đình và buộc các nhà máy phải cắt giảm sản lượng, đe dọa làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế rộng lớn và gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

(theo CNN)