Thành phố Móng Cái, Quảng Ninh. (Nguồn: Công Thương) |
Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm
Ngày 16/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg đồng ý phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040.
Theo đó, KKTCK Móng Cái được quy hoạch là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc).
KKTCK Móng Cái bao gồm thành phố Móng Cái, Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và 9 xã thị trấn của huyện Hải Hà với quy mô lập quy hoạch trên diện tích tự nhiên khoảng 121.197 ha, trong đó diện tích đất tự nhiên là 69.399 ha và diện tích mặt biển là 51.798 ha.
Ngoài ra, KKTCK này sẽ là trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp và cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Đồng thời, đây cũng là khu du lịch quốc gia có tính chất du lịch biển đảo, thương mại cửa khẩu; là đô thị biển hiện đại và bền vững; là khu vực có vị trí đặc biệt về chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Đến năm 2030, KKTCK có dân số khoảng 310.000 - 320.000 người, nhu cầu đất xây dựng khoảng 15.500 - 16.000 ha. Đến năm 2040, dân số tăng lên khoảng 460.000 - 470.000 người, nhu cầu đất xây dựng khoảng 25.400 - 26.000 ha.
Mô hình cấu trúc của KKTCK Móng Cái gồm 3 hành lang (gồm hành lang đô thị, dịch vụ dọc quốc lộ 18; hành lang du lịch, nông nghiệp và dịch vụ cảng; hành lang sinh thái và biên giới) và 2 vùng phát triển động lực là thành phố Móng Cái và Khu đô thị - công nghiệp cảng biển Hải Hà.
Sau 5 năm thực hiện các quy hoạch này, KKTCK Móng Cái đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông phát triển và ngày càng đồng bộ.
Theo đó, Dự án Xây dựng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã được khởi công ngày 3/4/2019, kết nối trực tiếp với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn. Tuyến đường tạm để kết nối giao thông, thông thương với Đông Hưng (Trung Quốc) đã hoàn thành.
Cầu Bắc Luân 2 được khánh thành từ tháng 9/2017 đã thúc đẩy hợp tác thương mại, du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây (Trung Quốc) và giảm tải cho cầu Bắc Luân 1.
Trong tháng 10 này, Quảng Ninh khởi công 4 dự án trọng điểm, với tổng vốn đầu tư hơn 280.000 tỷ đồng, trong đó có dự án bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (thành phố Móng Cái). Cũng đến cuối năm, tỉnh sẽ hoàn thành 3 dự án, công trình trọng điểm, trong đó có đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Là KKTCK trọng điểm quốc gia, có tiềm năng và lợi thế to lớn, nơi đây đã thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược như Vingroup, Sun Group, FLC, T&T, Ecoland, Amata, Bến Thành Holdings... đến để nghiên cứu, tìm hiểu, đề xuất ý tưởng đầu tư các dự án quy mô lớn, đột phá.
Sự đầu tư đồng bộ về giao thông, cơ sở hạ tầng đã góp phần tạo sức bật quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo nên những động lực tăng trưởng tích cực cho KKTCK trọng điểm quốc gia này.
Thực hiện tốt mục tiêu kép
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thành phố biên giới Móng Cái đã thực hiện thành công mục tiêu kép, giữ vững an toàn; hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng cao so với cùng kỳ; thực hiện tốt trọng trách tuyến đầu trong lĩnh vực thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần giữ đà phát triển kinh tế cho tỉnh.
Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ được hoàn thành trong năm 2021. (Nguồn: Dân trí) |
9 tháng đầu năm 2021, với sự nỗ lực của chính quyền và người dân, Móng Cái duy trì nhịp độ tăng trưởng, với 13/17 chỉ tiêu đạt và vượt tiến độ kế hoạch.
Còn theo Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, khẩu từ ngày 1/1-18/7/2021, tổng trọng lượng hàng xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu đạt 1.079.841 tấn, tăng 89,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số thu phí đạt 34,763 tỷ đồng, bằng 158% so với cùng kỳ 2020, đạt 62,7% kế hoạch cả năm 2021.
Trong đó, Cửa khẩu cầu Bắc Luân đạt 28.358 lượt phương tiện (12.806 phương tiện Việt Nam, 15.552 phương tiện Trung Quốc, trung bình đạt 158 phương tiện/ngày); 471.507 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu, tăng 12,38% so cùng kỳ năm 2020.
Tại Cầu phao tạm km3+4 Hải Yên đạt 24.817 phương tiện, chở 608.334 tấn hàng hóa, tăng 335% so cùng kỳ năm 2020...
Từ đầu năm đến giữa tháng 9/2021 có hơn 200.000 tấn hoa quả được xuất sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái. Các mặt hàng chủ đạo là thanh long, mít sấy khô và hoa quả tươi khác.
Thành phố Móng Cái có nhiều tiềm năng, lợi thế và dư địa lớn để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế biên mậu, du lịch, dịch vụ, logistics.
Qua 5 năm triển khai công tác xây dựng, thu hút đầu tư, đến nay, thành phố đã có những chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt kinh tế - xã hội, với tốc độ đô thị hóa nhanh, bộ mặt đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ đã đạt được những kết quả khả quan.
Cần nhiều bứt phá
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số hạn chế cần lưu tâm, đó là giải phóng mặt bằng và thu hút đầu tư đều chưa có bứt phá.
Công tác giải phóng mặt bằng chưa đạt tiến độ và hiệu quả đề ra; còn để nảy sinh đơn thư khiếu nại và cũng chưa được giải quyết triệt để, dứt điểm. Hiệu quả thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế. Bên cạnh đó, đầu tư công còn dàn trải, manh mún; tư duy phát triển có những chỗ chưa tổng thể, thiếu tầm nhìn dài hạn.
Ngoài ra, những thách thức đối với nơi đây cũng không hề nhỏ. Đó là dân số ít, thị trường lao động nhỏ, yêu cầu giữ được địa bàn tuyệt đối an toàn, không để rủi ro, bất ngờ, mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài, không có yếu tố bất ngờ về an ninh trật tự trên tuyến biên giới.
Trước thành tựu, cơ hội và thách thức đó, ngày 2/10, tại buổi kiểm tra thực tế và làm việc với Thành ủy Móng Cái về triển khai thực hiện Nghị quyết, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXIV; kết quả triển khai nhiệm vụ công tác 9 tháng năm 2021, các kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; phương hướng, nhiệm vụ quý IV/2021, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu TP Móng Cái nỗ lực, quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu thành phố phải phát triển nhanh, đột phá, biến những lợi thế thành những bứt phá hơn nữa về mặt đầu tư, thu hút phát triển dịch vụ (dịch vụ thương mại, dịch vụ cửa khẩu, dịch vụ cảng biển logistic cấp vùng, cấp quốc gia), phát triển du lịch, thu hút dự án chế biến, chế tạo công nghiệp sạch công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, ít ô nhiễm môi trường, phát triển nông, lâm, thủy sản.
Trong hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, lãnh đạo tỉnh yêu cầu thành phố phải có chiến lược khai thác tối đa tất cả các lợi thế của địa phương; dịch vụ cửa khẩu, thương mại biên giới, dịch vụ cảng biển, hậu cần cảng biển, logictics cấp vùng, cấp quốc gia, quốc tế có tính cạnh tranh cao.
Ngoài ra, là vùng đất biên giới, thành phố sẽ chú trọng tăng cường củng cố, mở rộng giao lưu đối ngoại, hợp tác toàn diện với cấp ủy, chính quyền thành phố Đông Hưng và Khu Phòng Thành (Trung Quốc) trên các lĩnh vực, nhất là các hoạt động giao lưu hữu nghị truyền thống, quản lý biên giới, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối,... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển.