📞

Khủng hoảng lương thực: LHQ phát cảnh báo nóng, EU tính nới 'gọng kìm' các ngân hàng Nga?

Bảo Hà 14:29 | 20/07/2022
Thế giới có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu đói đại trà, bất ổn chính trị và làn sóng di cư không kiểm soát nếu coi nhẹ cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay.
LHQ cảnh báo không thể phớt lờ cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra. (nguồn: EPA-EFE)

Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ) David Beasley đưa ra ý kiến trên trong một cuộc thảo luận được tổ chức tại Hội đồng về các vấn đề quốc tế.

Theo ông, ngay lúc này, "chúng ta đang gặp phải tình trạng khủng hoảng chưa từng có tiền lệ. Nếu không đối phó với nó một cách hiệu quả và có chiến lược, thì chúng ta có nguy cơ sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu đói đại trà, sự bất ổn của hàng chục quốc gia và nạn di cư ồ ạt".

Cảnh báo, vào năm tới, vấn đề này có thể sẽ còn "tồi tệ hơn nhiều" so với hiện tại, quan chức LHQ thừa nhận, cộng đồng quốc tế sẽ gặp khó khăn do giá lương thực tăng vọt trong 6-12 tháng tới. Sau đó, nếu vấn đề không được giải quyết, thế giới có thể lâm vào tình trạng thiếu lương thực.

Giám đốc điều hành WFP nhấn mạnh, tình hình đang diễn biến trầm trọng hơn, trong đó có nguyên nhân do các lệnh hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu phân bón từ Liên bang Nga và Belarus cho các thị trường thế giới.

Liên quan cuộc khủng hoảng lương thực, cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) đề nghị các nước thành viên giải phóng "một số khoản tiền" từ các ngân hàng Nga bị phong tỏa bởi các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) để giúp nối lại hoạt động buôn bán các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm.

EU "muốn làm rõ rằng, không có gì trong các lệnh trừng phạt đang ngăn chặn việc vận chuyển ngũ cốc ra khỏi Nga hoặc Ukraine".

Theo đề xuất được gửi tới các nước EU, "các cơ quan có thẩm quyền của một quốc gia thành viên có thể cho phép giải phóng một số quỹ đóng băng hoặc các nguồn lực kinh tế thuộc các ngân hàng sau khi đã xác định rằng, các quỹ hoặc nguồn lực kinh tế này cần cho việc mua, nhập khẩu hoặc vận chuyển nông sản và thực phẩm, bao gồm lúa mì và phân bón”.

7 ngân hàng của Nga gồm Bank Rossiya, Promsvyaebank, VEB-RF, Otkritie FC Bank, Novikombank, Sovcombank và VTB Bank liên quan đề xuất này.

Động thái diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang chịu áp lực từ các đối tác châu Phi, vốn là khách hàng nhập khẩu hơn một nửa số lúa mì từ Ukraine hoặc Nga trước khi xảy ra cuộc xung đột.

Nguyên thủ quốc gia Senegal và là Chủ tịch đương nhiệm của Liên minh châu Phi Macky Sall đã cảnh báo hậu quả của các lệnh trừng phạt của EU đối với hoạt động buôn bán ngũ cốc, đặc biệt sau khi loại các ngân hàng chính của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift.

EU cáo buộc Nga ngăn chặn xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và đã nâng giá bán ngũ cốc của Nga với thuế xuất 30%, gây ra tình trạng khan hiếm và giá tăng vọt.

(theo Sputnik, AFP)