Các quốc gia EU đang tìm cách giảm phụ thuộc khí đốt Nga. Ảnh minh họa: Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 ở vùng Leningrad, Nga hồi tháng 7/2021. (Nguồn: TASS) |
Ngày 26/8, phát biểu trên kênh truyền hình Nova TV, quyền Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Rosen Hristov cho biết đã mời Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đàm phán về việc nối lại nguồn cung cấp khí đốt, vốn đã bị tạm dừng từ tháng 4 do bất đồng về phương thức thanh toán.
Ông Hristov tuyên bố: “Chúng tôi đã nói với họ rằng, chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đàm phán về hợp đồng và mong muốn đưa ra một số thay đổi nhằm tối ưu hóa hợp đồng đó”.
Quyền Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria cho hay, nước này sẽ đề nghị Gazprom chuyển thời hạn sử dụng khối lượng khí đốt còn lại theo hợp đồng năm nay sang năm 2023.
Theo thỏa thuận với Gazprom, Bulgaria phải sử dụng ít nhất 80% trong tổng số 3 tỷ m3 khí đốt được cung cấp mỗi năm, nhưng cho tới nay nước này mới chỉ sử dụng 1 tỷ m3. Tình trạng này có thể khiến Bulgaria phải thanh toán một khoản tiền “nhiều chữ số” nếu xảy ra tranh chấp pháp lý.
Năm 2020, hơn 70% lượng khí đốt nhập khẩu của Bulgaria là từ Nga. Nguồn cung đã bị gián đoạn sau khi Sofia từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng Ruble theo cơ chế mới do Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra.
Cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Tây Ban Nha thông báo Thủ tướng Pedro Sanchez sẽ hội đàm với người đồng cấp Olaf Scholz tại Đức vào ngày 30/8 tới nhằm thảo thuận về cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Tây Ban Nha và Đức diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang vật lộn để giảm nhẹ sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Hiện các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng tránh xảy ra tình trạng thiếu hụt khí đốt trong mùa Đông năm nay do giá năng lượng và điện tăng cao.
Trong những tuần gần đây, lập trường của Tây Ban Nha và Đức về vấn đề năng lượng đã xích lại gần nhau hơn rất nhiều, với việc Thủ tướng Scholz ủng hộ kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí đốt nối Bán đảo Iberia với Trung Âu để hạn chế mức độ phụ thuộc vào khí đốt của Nga, một dự án được Madrid ủng hộ từ lâu.
Đầu tháng này, Thủ tướng Scholz đánh giá một đường ống vận chuyển khí đốt từ Iberia đến Trung Âu có thể đóng góp “to lớn” cho nỗ lực xoa dịu cuộc khủng hoảng nguồn cung.
Tây Ban Nha hiện có 6 bến cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để xử lý khí đốt vận chuyển đến bằng đường biển, qua đó có thể giúp EU tăng cường hoạt động nhập khẩu. Tuy vậy, Tây Ban Nha chỉ có 2 liên kết công suất thấp với mạng lưới khí đốt của Pháp, vốn có kết nối với phần còn lại của châu Âu.
| Bỏ ngoài tai cảnh báo trừng phạt từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn giao thương với Nga Ngày 26/8, Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Nureddin Nebati đã bày tỏ phản ứng về bức thư Bộ Tài chính Mỹ gửi tới ... |
| Được Quốc hội 'bật đèn xanh', Tây Ban Nha chính thức bước vào thời kỳ 'thắt lưng buộc bụng' năng lượng Ngày 25/8, Quốc hội Tây Ban Nha đã thông qua sắc lệnh của chính phủ nước này về các quy định nhằm tiết kiệm năng ... |
| Sau tàu Anh, Quần đảo Solomon lại từ chối tàu Mỹ cập cảng Tàu tuần duyên USCGC Oliver Henry của Mỹ đã không được cập cảng tại thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon do không được chính ... |
| Khủng hoảng giá năng lượng: Cảnh báo mùa Đông khắc nghiệt với người nghèo ở Anh Các nhà vận động tại Anh cho biết, các hộ gia đình tại nước này sẽ cần 1.000 Bảng Anh tiền cứu trợ để sống ... |
| Nguồn cung khí đốt Nga 'cập kênh', Đức 'ráo riết' tìm đến năng lượng mặt trời Một "cơn bão hoàn hảo" đang thúc đẩy người tiêu dùng Đức chuyển sang sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời. Nhu cầu đối ... |