Giữa cuộc khủng hoảng năng lượng, việc tắt điện ở các biểu tượng ‘đốt’ tiền điện ở châu Âu có hiệu quả? (Nguồn: Getty Images) |
Khi châu Âu phải đối mặt với các hóa đơn điện cao chất ngất, do tác động của cuộc trừng phạt và trả đũa giữa Nga-châu Âu. Hệ thống chiếu sáng lộng lẫy vào ban đêm ở các khu vực mang tính biểu tượng của châu Âu đang được đặt vào diện nghi vấn — bao gồm cả những chiếc đèn lộng lẫy của Tháp Eiffel - biểu tượng của kinh đô ánh sáng, khi cả khu vực đang tiến dần vào một mùa Đông lạnh lẽo.
Cùng với những địa danh nổi tiếng, trái tim của Thủ đô Paris hoa lệ không còn sáng đèn đến 1 giờ sáng hôm sau như thường lệ. Từ ngày 23/9, chính quyền của Thủ đô nước Pháp đã chính thức chuyển khung giờ sáng đèn ở khu vực Tháp Eiffel về 23 giờ 45 tối. Trong khi đó, các địa điểm nổi tiếng khác như Tòa thị chính Paris, Cung điện Pharo, Tháp Saint-Jacques, các đài kỷ niệm và bảo tàng sẽ không còn sáng đèn sau 22h đêm.
Các động thái tương tự đã được thực hiện trên khắp châu Âu. Các nhà chức trách ở Berlin giảm ánh sáng ban đêm tại Cột Chiến thắng và Nhà thờ Tưởng niệm Kaiser Wilhelm…
Jean-François Martins, người đứng đầu ban quản lý Tháp Eiffel cho rằng, “quyết định tắt đèn là một cử chỉ mang tính biểu tượng cao — một phần của nhận thức ngày càng tăng về vấn đề điều độ năng lượng. Nỗi sợ hãi thực sự bắt đầu khi cái lạnh của mùa Đông bắt đầu “gõ cửa”, nếu không có gì thay đổi, châu Âu sẽ tiếp tục phải đối mặt với chi phí năng lượng ngày càng gia tăng - được thúc đẩy bởi lạm phát, xung đột địa chính trị tại Ukraine và thời tiết khắc nghiệt. Bởi vậy, việc chuẩn bị tinh thần và triển khai cắt giảm tiêu thụ điện trước khi giá lạnh bắt đầu là rất quan trọng.
“Từ 5 đến 10 mùa Đông tới sẽ thật kinh khủng nếu không làm gì cả”, là trạng thái đầy lo lắng của Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten gửi gắm trong một dòng tweet vào cuối tháng trước.
Khi trước đó, ngày 26/7, Liên minh châu Âu đã công bố một thỏa thuận cắt giảm sử dụng khí đốt tự nhiên 15% trong mùa Đông năm nay. Thỏa thuận tuyên bố rõ, “quyết định hôm nay đã cho thấy rõ ràng các nước thành viên sẽ kiên quyết chống lại bất kỳ nỗ lực nào của Nga nhằm chia rẽ EU bằng cách sử dụng nguồn cung cấp năng lượng như một thứ vũ khí”.
Không phải đợi lâu, ngay đầu tháng này, Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt vô thời hạn thông qua đường ống chính dẫn tới châu Âu – Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1), với lý do kỹ thuật - hệ quả của các lệnh trừng phạt của châu Âu nhằm vào Nga.
Khi được hỏi, liệu nguồn cung sẽ tiếp tục nếu các lệnh trừng phạt chống Nga được nới lỏng hoặc dỡ bỏ, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov không ngần ngại nói với giới truyền thông là: "tất nhiên."
Không chỉ động thái tắt đèn tại các biểu tượng mang tính quốc gia, các kế hoạch tiết kiệm năng lượng đang được “cổ vũ” trên khắp châu Âu, bao gồm lệnh cấm các bể bơi nước nóng tư nhân ở Đức, tắt các bảng hiệu được chiếu sáng tại các chuỗi cửa hàng tạp hóa ở Pháp và điều hòa không khí giới hạn ở 27 ° C trong các tòa nhà công cộng ở Tây Ban Nha...
Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây cho biết, châu Âu và đất nước của ông đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với việc Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt, nhưng các nhà phê bình lại nhanh chóng bày tỏ sự nghi ngờ.
Marcel Fratzscher, Chủ tịch Tổ chức tư vấn DIW của Đức, cảnh báo nếu tình hình không có gì mới “nhiều công ty sẽ phá sản” do cuộc khủng hoảng năng lượng này và “một cuộc suy thoái trên toàn khu vực là khó tránh khỏi”.
Trong bối cảnh đầy bi quan như vậy, tắt đèn sớm một chút tại các khu vực nổi tiếng có vẻ chỉ là một động thái nhỏ, nếu xét về tính hiệu quả. Tuy nhiên, như Giám đốc Ban quản lý Tháp Eiffel Martins đã lưu ý, đó là một “cử chỉ mang tính biểu tượng cao”.