📞

Khủng hoảng năng lượng: ‘Cai’ khí đốt Nga, Đức ‘đỏ mắt’ tìm nguồn thay thế, nước xa khó cứu lửa gần

Hải An 13:29 | 21/11/2022
Khi năng lượng Nga bị trừng phạt, Đức tới châu Phi để kiếm tìm giải pháp thay thế nguồn cung khí đốt. Tuy nhiên, đây không phải nhiệm vụ dễ dàng. Nếu không “chạy nước rút”, có thể sẽ là quá muộn.
Với việc Nga bị EU trừng phạt sau chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhiều quốc gia ở châu Âu đang tìm cách rời xa khí đốt, dầu và than đá của nước này bằng cách "xoay trục" sang châu Phi. Trong ảnh: Tổng thống Senegal Macky Sall (phải) phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Senegal, ngày 22/5. (Nguồn: Getty)

Sau vòng trừng phạt thứ sáu của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu mỏ của Nga, châu Âu đang tìm cách loại bỏ cả khí đốt của nước này. Đức - quốc gia vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung khí đốt từ Moscow, đang tìm kiếm các giải pháp thay thế ở châu Phi, vốn xa xôi hơn nhiều so với Nga.

Tuy nhiên, việc tăng cường sản xuất sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, với những thách thức về cơ sở hạ tầng và nhu cầu ngày càng tăng đối với năng lượng tái tạo thay vì nhiên liệu hóa thạch.

Tìm giải pháp thay thế Nga

Với việc Nga bị EU xa lánh sau chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhiều quốc gia ở châu Âu đang tìm cách rời xa khí đốt, dầu và than đá của nước này.

Mặc dù vậy, việc EU cắt giảm 60% khí đốt của Moscow trước khi kết thúc năm 2022 có thể dẫn đến một tác dụng phụ khó chịu - thiếu năng lượng trầm trọng - đặc biệt là vào mùa Đông khi nhu cầu sử dụng tăng lên.

Trong bối cảnh đó, Berlin đang tìm kiếm nguồn cung khí đốt ở châu Phi để bù đắp lượng thiếu hụt từ Moscow. Tại Diễn đàn Năng lượng Đức-châu Phi diễn ra vào tháng 6/2022 ở Hamburg, trữ lượng dầu và khí đốt của lục địa này là một chủ đề quan trọng được đặc biệt quan tâm.

Năm 2020, dầu mỏ châu Phi chiếm gần 9% sản lượng xuất khẩu toàn cầu, với hơn 327 triệu tấn được sản xuất trên lục địa này.

Nhưng việc tăng cường sản xuất và đưa dầu từ châu Phi đến châu Âu sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, với những thách thức về cơ sở hạ tầng và xu hướng ưa chuộng năng lượng tái tạo ngày một tăng ở EU.

Rào cản lớn đầu tiên đối với xuất khẩu khí đốt từ châu Phi sang Đức là thiếu cơ sở hạ tầng. Các dự án phát triển năng lượng đòi hỏi nhiều vốn và thường phụ thuộc vào quan hệ đối tác công tư.

Ông Sultan Wali, Bộ trưởng Năng lượng Ethiopia nói: “Các chính phủ châu Phi không thể thực hiện những dự án này một mình”.

Đồng quan điểm, Ndiarka Mbodji, nhà sáng lập người Pháp gốc Senegal của Công ty Kowry Energy có trụ sở tại Berlin nhận định: “Họ cần sự hỗ trợ tài chính từ Đức và các nước phương Tây giàu có khác.

Châu Phi nắm giữ 'chìa khóa' để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu. Và nếu chúng ta xem xét các nguồn tài nguyên của châu Phi, ví dụ như khí đốt, chúng ta không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của nó”.

Mặc dù châu Phi có triển vọng tích cực như vậy trong việc đáp ứng nhu cầu khí đốt của Đức, một nửa dân số của lục địa hiện vẫn không được tiếp cận với nguồn năng lượng này, với nhiều hộ gia đình còn phụ thuộc vào việc đốt sinh khối (thực vật) để làm năng lượng.

Theo đó, khoảng 900 triệu người châu Phi không được sử dụng khí đốt cho sinh hoạt và trên hết, Nam Phi, quốc gia tương đối mạnh về kinh tế ở châu lục này, đang ở giữa cuộc khủng hoảng năng lượng của chính mình. Tình trạng giảm tải hiện đang diễn ra hằng ngày và tình hình được dự báo sẽ còn tồi tệ hơn mặc dù nước này có tiềm năng khí đốt tự nhiên đáng kể.

Chắc chắn sẽ có không ít người đặt câu hỏi liệu châu Phi có đủ khả năng xuất khẩu khí đốt, khi nhiên liệu này còn có thể được đưa vào sử dụng trong nước hay không.

Châu Phi cần nhanh chóng hành động

Nhiều công ty của Đức muốn hỗ trợ tài chính cho các dự án sản xuất hydro và khí đốt tự nhiên ở châu Phi để xuất khẩu sang châu Âu. Trong khi đó, các quốc gia châu lục này muốn tăng cường sử dụng khí đốt được sản xuất trên chính quê hương mình.

Khí đốt tự nhiên, chủ yếu được sản xuất ở Algeria, Nigeria và Ai Cập, tạo ra ít khí thải carbon hơn so với các nhiên liệu hóa thạch khác như dầu và than nên nó được coi là “nhiên liệu chuyển tiếp”.

Trạm nén khí đốt OGE ở Werne, Đức. (Nguồn: AFP)

Ông Mbodji của Công ty Kowry Energy nói rằng, không nên bỏ qua khí đốt. “Bạn có thể thấy vào lúc này, với xung đột ở Ukraine mà thế giới đang trải qua, cần phải đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.

Và nếu chúng ta nhìn vào nguồn tài nguyên mà châu Phi có, chẳng hạn như khí đốt, chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của nhiên liệu này”.

Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng châu Phi năm 2022 do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố vào ngày 20/6, châu Phi có thể có khả năng xuất khẩu khoảng 30 tỷ mét khối (bcm) khí đốt sang châu Âu vào cuối thập niên này.

Nếu tất cả các mỏ khí đốt tự nhiên của châu Phi được đưa vào khai thác, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận định, châu lục này có thể tạo ra thêm 90 bcm mỗi năm vào năm 2030, với khoảng 2/3 trong số này hướng tới phục vụ nhu cầu trong nước và phần còn lại dành cho xuất khẩu.

Nhưng IEA cũng nhấn mạnh, châu Phi phải hành động nhanh chóng nếu muốn thu lợi từ trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ này. Châu Âu sẽ chỉ cần khí đốt của châu Phi cho đến khi “lục địa già” có thể chuyển phần lớn sang công nghệ carbon thấp hơn.

Tiềm năng xuất khẩu từ năng lượng tái tạo

Có một nguồn năng lượng khác có thể được xuất khẩu, đó là năng lượng mặt trời. Tận dụng tiềm năng khổng lồ về năng lượng mặt trời gần sa mạc Sahara, một tuyến cáp điện ngầm khổng lồ đang được đưa đến châu Âu từ Ai Cập.

Giao lộ GREGY, đi từ Bắc Ai Cập đến Attica (Hy Lạp), mang lại 3.000 Megawatt năng lượng mặt trời cho châu Âu.

Đồng thời, dự án điện Xlinks Morocco-Vương quốc Anh sẽ kết nối Alverdiscott, Devon, với một địa điểm sản xuất năng lượng mặt trời ở Morocco, cung cấp đủ điện cho 7 triệu gia đình vào năm 2030.

Hiện tại, châu Phi không có đủ khí đốt để cứu nước Đức khỏi tình trạng thiếu hụt năng lượng trong mùa Đông này và với việc châu Âu đang thúc đẩy năng lượng sạch hơn, vào thời điểm sản lượng đã tăng lên mức phù hợp, có thể đã quá muộn để tận dụng nguồn dự trữ của châu Phi.

(theo africa-me.com)