Chỉ giảm giá thôi thì không đủ để kết thúc cuộc khủng hoảng năng lượng, mà phải xem xét bức tranh kinh tế rộng hơn. (Nguồn: Getty Images) |
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vẫn chưa kết thúc. Họ cảnh báo rằng, thị trường điện, khí đốt suy yếu và hóa đơn giảm cho thấy tình trạng trì trệ kinh tế sâu sắc hơn có thể kéo dài sang thập kỷ tới.
Tomas Marzec-Manser, người đứng đầu bộ phận phân tích khí tại nhà cung cấp dữ liệu ICIS cho hay: “Cuộc khủng hoảng năng lượng đã kết thúc chưa? Chưa. Chúng ta vẫn đang giải quyết cuộc khủng hoảng và ứng phó với bức tranh kinh tế tồi tệ hơn”.
Trước xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022, các đường ống dẫn khí từ Nga là nguồn khí đốt nhập khẩu lớn nhất của châu Âu. Sau khi xung đột bùng phát, lượng khí đốt này đã giảm 2/3 so với mức đỉnh điểm năm 2019, gây ra cú sốc thị trường khiến giá bán buôn tăng gần 10 lần so với mức trước khủng hoảng.
Hiện tại có những dấu hiệu rõ ràng rằng cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt đã bắt đầu có dấu hiệu giảm bớt.
Theo cơ quan Công nghiệp cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, khu vực đã vượt qua mùa Đông thứ hai không có khí đốt Nga và dự trữ khí đốt vẫn còn tới 59%, nhờ nhập khẩu qua đường ống từ Na Uy và bằng đường biển từ Mỹ.
Theo ICIS, các kho dự trữ khí đốt sẽ lấp đầy 95% vào đầu tháng 9 năm nay - vượt xa mục tiêu của EU là 90% vào tháng 11. Lượng khí đốt dồi dào này có nghĩa là giá thị trường sẽ tiếp tục giảm.
Dự báo ban đầu cho thấy, giá khí đốt chuẩn của châu Âu có thể giảm xuống mức trung bình 28,32 Euro/MWh trong những tháng mùa Hè - giảm hơn 17% so với mức trung bình vào mùa hè năm ngoái.
Dù vậy, mức giá trên vẫn cao hơn gấp đôi mức trung bình 11,58 Euro/MWh vào mùa hè năm 2019.
Theo ông Marzec-Manser: "Chỉ giảm giá thôi thì không đủ để kết thúc cuộc khủng hoảng năng lượng, mà phải xem xét bức tranh kinh tế rộng hơn”. Vị chuyên gia này cho rằng, giá khí đốt giảm gần đây một phần là vì nền kinh tế ảm đạm do chính cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra.
Hóa đơn năng lượng cao đã gây ra lạm phát ở các nền kinh tế lớn, dẫn đến khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm mới bị chậm lại.
Điều này lại làm giảm hoạt động kinh tế trên khắp các trung tâm công nghiệp của châu Âu và hạn chế nhu cầu khí đốt từ ngành công nghiệp nặng.
Ông Marzec-Manser khẳng định: "Nhu cầu khí đốt công nghiệp trong năm nay sẽ duy trì ở mức thấp hơn 20% so với mức trước đại dịch. Dù khí đốt có giá cả phải chăng hơn nhưng nhu cầu về sản phẩm vẫn giảm do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, điều đó có nghĩa là nhu cầu khí đốt công nghiệp vẫn chưa phục hồi”.