📞

Khủng hoảng năng lượng: Đằng sau việc Nga ‘rốt ráo’ lập trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ

Hải An 13:29 | 04/11/2022
Vị trí địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, giữa một bên là các quốc gia giàu khí đốt - như Nga, Azerbaijan, Iran với một bên là châu Âu khan hiếm năng lượng, đang tạo điều kiện để nước này trở thành một trung tâm khí đốt.
Ngày 13/10, tại Kazakhstan, trong cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái), Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu đề xuất xây dựng một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ để đưa hàng sang châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Nga từ lâu đã tìm cách xây dựng các tuyến đường dẫn khí đốt, như đường ống qua Thổ Nhĩ Kỳ, để cung cấp năng lượng cho các nước phương Tây và giảm sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng của châu Âu.

Vào cuối tháng 9, các vụ nổ đã gây sự cố rò rỉ tại Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc), ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực hoạt động của đường ống bơm khí đốt của Nga đến Đức. Đối với nhiều nhà phân tích, vụ việc đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ năng lượng Nga-châu Âu, trong bối cảnh xung đột Ukraine đang căng thẳng.

Cả hai bên đều cho rằng có hành động phá hoại nhắm vào hệ thống đường ống này ở Biển Baltic đi qua gần lãnh hải của Đan Mạch và Thụy Điển. Một cuộc điều tra của Đan Mạch đã kết luận rằng, sự cố là kết quả của một vụ phá hoại, tuy nhiên, nước này không đề cập kẻ chủ mưu.

Sự cố trên càng khiến Moscow "rốt ráo" hơn trong việc tìm các tuyến đường ống thay thế.

Bên lề một hội nghị khu vực ở Kazakhstan ngày 13/10, trong cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: "Nếu Thổ Nhĩ Kỳ và những người mua ở các quốc gia khác quan tâm, chúng tôi có thể xem xét xây dựng một hệ thống đường ống dẫn khí và tạo một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ để bán cho các nước thứ ba, đặc biệt là các nước châu Âu, trong trường hợp họ quan tâm đến điều này".

Ankara đã phản ứng tích cực với đề xuất của nhà lãnh đạo Nga về trung tâm khí đốt. Trong 2 thập niên gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua lượng khí đốt đáng kể từ Nga thông qua một số đường ống như TurkStream và Blue Stream đi qua Biển Đen.

Yasar Sari, một chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Á-Âu Haydar Aliyev thuộc Đại học Ibn Haldun (Thổ Nhĩ Kỳ) nhận định, đây là thời điểm không thể tốt hơn để đưa ý tưởng về một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ đi vào hoạt động.

Một mặt, châu Âu đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng khí đốt. Người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng bởi giá cao và các chính trị gia lo lắng về việc đảm bảo đủ nguồn cung cho mùa Đông sắp tới.

Mặt khác, Nga cần tìm một con đường mới để đưa khí đốt đến tay người tiêu dùng châu Âu sau cuộc tấn công Nord Stream.

Một nguồn tin giấu tên thuộc Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Sau khi Nord Stream gặp sự cố, Nga cần phải định tuyến lại nguồn cung cấp khí đốt của mình cho châu Âu. Và để làm được điều đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể là lựa chọn dễ dàng nhất cho Moscow”.

Mục đích của Nga

Theo nguồn tin trên: “Ngoài việc hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ như một trung tâm khí đốt, Nga chủ yếu cần các tuyến đường ống thay thế và cần khách hàng mới sau các lệnh trừng phạt của phương Tây”.

Sự phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào khí đốt Nga đã giảm đáng kể sau khi Ankara đa dạng hóa thành công các nguồn khí đốt trong hai thập niên qua.

Trong những năm 1990, Nga cung cấp hơn 60% khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, thị phần này đã giảm xuống còn khoảng 40% trong những năm gần đây do Ankara mua hàng từ nhiều nguồn như Azerbaijan, Iran và Iraq.

Ông Gregory Simons, Phó Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Nga và Á-Âu thuộc Đại học Uppsala cho biết: “Thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, Nga có thể bỏ qua các tuyến đường ống phía Bắc để tiếp cận trực tiếp hơn với các thị trường mới.

Tôi nghĩ rằng đề xuất này có lợi cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về cả địa chính trị và địa kinh tế. Vấn đề trừng phạt cũng trở nên ít rắc rối hơn khi Ankara là trung gian.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có nguồn thu, người dân có việc làm mới, đồng thời, đây là đòn bẩy khả dĩ trong quan hệ giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU)”.

Các chuyên gia khác cũng nhận thấy đề xuất khí đốt của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ là một bước tiến đáng kể.

Emre Erturk, người sáng lập và Giám đốc điều hành tại Công ty Tư vấn và dịch vụ thông tin năng lượng CEEN, cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những thị trường lớn nhất ở châu Âu và đóng vai trò đòn bẩy trong các cuộc đàm phán”.

Đối với các quan chức ở Ankara, một vai trò lớn hơn trong thị trường năng lượng khu vực có ý nghĩa hơn nhiều khi xét đến những thách thức địa chính trị mà họ đang phải đối mặt ở Địa Trung Hải.

Hình ảnh rò rỉ trên tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 ở ngoài khơi Bornholm, phía Nam Dueodde, Đan Mạch, ngày 27/9. (Nguồn: Reuters)

Cựu Đại sứ Mỹ tại Azerbaijan Matthew Bryza nhận định: “Đề xuất rất hấp dẫn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Mục đích của nước này là trở thành một trung tâm trung chuyển khí đốt tự nhiên”.

Tuy nhiên, nhà cựu ngoại giao này, người đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách Trung Á của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Bush, tỏ ra nghi ngờ về đề xuất của ông Putin.

“Tôi không rõ đây có phải là kiểu trung tâm mà Thổ Nhĩ Kỳ đã nghĩ đến hay không. Nga coi đây không thực sự là một trung tâm, chỉ là ông Putin sử dụng từ ‘trung tâm’. Ông ấy chỉ đơn giản nói về việc vận chuyển nhiều hơn khí đốt tự nhiên của Nga vào và đi qua Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Bryza nói.

Cựu Đại sứ Mỹ tin rằng, Nga muốn đẩy càng nhiều khí đốt càng tốt qua Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu để bảo vệ thị phần của mình khi xung đột Ukraine bùng phát.

Trong khi đó, Sari, một học giả Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng, mục đích của Moscow là sử dụng tuyến đường của Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp cận các thị trường Bulgaria và Italy, nơi các chính phủ mới tỏ ra cởi mở hơn trong việc tiếp nhận khí đốt Nga.

Ông Sari nói: “Bằng cách bơm khí đốt đến các nước này thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, Nga muốn làm suy yếu quyết tâm của phương Tây chống lại Moscow”.

Làm gì để thành trung tâm khí đốt?

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ muốn là một trung tâm khí đốt, có một số thách thức cần được giải quyết.

Theo các chuyên gia năng lượng, để trở thành một trung tâm khí đốt, cần có nhiều nguồn cung cấp và nhiều con đường giao hàng khác nhau gặp nhau tại một địa điểm mà quốc gia đầu mối có thể giao dịch, tạo điều kiện cho các thỏa thuận thương mại với các công ty từ các quốc gia khác nhau.

Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một địa điểm mà các thành phần kinh tế khác nhau đều có thể tự do kinh doanh khí đốt. Do đó, “việc nhận thêm khí đốt của Nga sẽ không đủ để biến Ankara trở thành một trung tâm khí đốt”, Erturk - một chuyên gia nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề năng lượng, cho biết.

Theo ông Erturk: “Thổ Nhĩ Kỳ cần xác định và thực hiện các quy tắc làm thế nào để trở thành một trung tâm khí đốt. Không thể trở thành trung tâm với khí đốt từ một nguồn duy nhất. Ankara cần phải đánh giá tất cả các nguồn lực một cách tổng thể”.

Vị trí địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, giữa một bên là các quốc gia giàu khí đốt - như Nga, Azerbaijan, Iran với một bên là châu Âu thiếu năng lượng, đang tạo điều kiện để Ankara trở thành một trung tâm khí đốt.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã có nhiều đường ống dẫn dầu và khí đốt trên lãnh thổ của mình bắt nguồn từ một số quốc gia như Azerbaijan, Iran, Iraq, Nga để đưa đến các cảng Địa Trung Hải và một số nước châu Âu như Hy Lạp, Bulgaria và Italy. Các chuyên gia cho biết, mạng lưới đường ống này cung cấp một cơ sở hạ tầng tốt cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này muốn trở thành một trung tâm khí đốt.

Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, để trở thành một trung tâm khí đốt, Ankara cũng cần tăng cường vai trò của khu vực tư nhân, cho phép cả các công ty phương Tây và không phải phương Tây cạnh tranh trên thị trường.

Chuyên gia Erturk nói: “Cần phải tổ chức và tạo ra các cơ hội thương mại trong một cấu trúc mà ở đó nhiều nhà cung cấp và nhiều người mua có thể tiếp cận thị trường. Muốn vậy, ngành năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ phải hội nhập tốt hơn với thị trường năng lượng châu Âu”.

(theo TRT World)