Eni là tập đoàn năng lượng quốc doanh lớn nhất của Italy. (Nguồn: Reuters) |
"Eni dự định đàm phán lại với nhà điều hành GCA của Áo và Gazprom của Nga một số lựa chọn để bỏ chặn nguồn cung cấp khí đốt, nhưng còn quá sớm để cung cấp thông tin chi tiết trước khi các bên thống nhất về tính khả thi thực tế", ngày 3/10, người phát ngôn của tập đoàn nói với Reuters.
Việc cắt giảm lượng khí đốt vận chuyển dường như chỉ nhắm mục tiêu đến Italy, quốc gia nhận nguồn cung cấp của Gazprom từ một đường ống đi qua Áo. Trong khi Italy dần giảm bớt lượng khí đốt phải nhập của Nga, diễn biến ngày 1/10 nêu bật tính dễ bị tổn thương của các quốc gia châu Âu trước các động thái của Tổng thống Vladimir Putin nhằm cắt giảm năng lượng cho lục địa này. Sự bế tắc gia tăng vào tuần trước sau khi có những nghi ngờ về sự phá hoại đối với các đường dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) dưới Biển Baltic.
Carola Millgram, người đứng đầu bộ phận quản lý khí đốt tại E-Control của Áo nói: “Đây là vấn đề hợp đồng giữa Gazprom và Eni, và sẽ được giải quyết trong vài ngày tới”. Cơ quan này của Áo cho biết vấn đề liên quan đến hợp đồng mới mà Gazprom vẫn chưa thông qua.
Tranh chấp về các điều khoản hợp đồng và quy định đã kéo theo sự rạn nứt trong quan hệ kinh tế giữa Nga và các quốc gia châu Âu, khi Tổng thống Putin tiếp tục cuộc xung đột với Ukraine. Đầu năm nay, việc Nga yêu cầu phải thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble đã góp phần làm cho giá khí đốt tăng vọt.
Ngày 1/10, Gazprom cho biết họ đang làm việc để giải quyết vấn đề với người mua Italy. Công ty Eni xác nhận việc cắt giảm và cho biết họ đang liên hệ với nhà cung cấp khí đốt của Nga. Chính phủ Áo cũng cho biết họ đang giải quyết vấn đề này ở cấp độ kỹ thuật.
Italy đã từng phụ thuộc vào Nga tới khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu, nhưng đã mạnh tay cắt giảm sự phụ thuộc đó kể từ khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra hồi tháng 2/2022. Italy hiện đã tìm đủ nguồn cung cấp khí đốt thay thế từ Bắc Phi để bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nào trong mùa Đông này nếu Nga cắt nguồn cung cấp. Khí đốt của Nga chiếm khoảng 10% lượng nhập khẩu của Italy trước sự cố ngày 1/10.
Việc Gazprom dừng giao khí đốt cho Italy diễn ra vài ngày sau khi các vụ nổ dưới nước làm tê liệt các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream quan trọng nối Nga với châu Âu.