Khủng hoảng năng lượng đang loại bỏ dần sức mạnh công nghiệp của châu Âu, nhưng... (Nguồn: Telegraph) |
Châu Âu kêu gọi các công ty trong ngành công nghiệp mạnh mẽ của mình tiết kiệm năng lượng, trong bối cảnh chi phí xăng dầu và khí đốt tăng cao và nguồn cung bị thu hẹp. "Kết quả" là, nhu cầu về khí đốt tự nhiên và điện đều đã giảm khá mạnh trong quý vừa qua.
Tuy nhiên, còn quá sớm để vui mừng. Thực tế, sự sụt giảm đó không chỉ vì các đơn vị công nghiệp "hưởng ứng" tắt các bộ điều nhiệt, mà họ... đang đóng cửa các nhà máy và có thể... không bao giờ mở cửa trở lại.
Và trong khi việc sử dụng năng lượng ít hơn có thể góp phần giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng - hệ quả từ cuộc xung đột tại Ukraine và nguồn cung từ Nga bị cắt giảm, các giám đốc điều hành, nhà kinh tế và các nhóm ngành công nghiệp cảnh báo rằng, cơ sở công nghiệp từng rất mạnh mẽ của châu Âu có thể sẽ suy yếu nghiêm trọng, nếu chi phí năng lượng cao cứ kéo dài.
Đối mặt với một cú sốc chung bằng cách riêng
Đã 8 tháng kể từ khi Nga phát động Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) vẫn bị chia rẽ sâu sắc về phản ứng chính sách năng lượng của mình.
Tại hội nghị thượng đỉnh gần nhất của tổ chức này (ngày 20-21/10), dù đã trải qua hàng giờ tranh luận, các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên EU vẫn khó khăn trong việc đưa ra một quyết định chung, có hiệu quả.
Thông cáo chính thức nêu rõ "đối mặt với việc thiếu nguồn năng lượng quan trọng từ Nga, Liên minh châu Âu sẽ vẫn đoàn kết để bảo vệ công dân và doanh nghiệp của mình và thực hiện các biện pháp cần thiết như một vấn đề cấp bách". Tuy nhiên, quyết định quan trọng duy nhất mà họ đạt được là đẩy mạnh việc mua khí đốt chung – và điều này thậm chí cũng vẫn đi kèm với những cảnh báo đáng lo ngại.
Với những đặc thù riêng của mỗi thành viên, sự khác biệt trong chính sách ở châu Âu không phải là điều hiếm xảy ra. Nhưng trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, dữ liệu cho thấy sự khác biệt lớn không chỉ về kinh tế giữa các nước thành viên EU mà còn là những tuyên bố công khai và những phản ứng có thể xảy ra.
Tháng 9/2022, lạm phát so với cùng kỳ năm trước dao động từ 6,2% ở Pháp… đến 24,1% ở Estonia.
Sự khác biệt trong hỗn hợp năng lượng quốc gia và tỷ trọng năng lượng trong tổng mức tiêu thụ, phản ánh các phản ứng chính sách quốc gia khác nhau. Với việc công bố gói cứu trợ trị giá 200 tỷ Euro (198 tỷ USD) để hỗ trợ các hộ gia đình và các công ty nội địa, “anh cả” Đức đã gây sốc cho các thành viên khá. Nhiều nước đã coi động thái này giống như “chơi trội” trong cuộc chạy đua trợ cấp mà chỉ người Đức mới có thể giành chiến thắng.
Các nhà quan sát không sai. Chính sách này của Đức đã gửi đi một tín hiệu sai vào một thời điểm không đúng bởi đã cho thấy việc thiếu một chiến lược chung của toàn khối.
Tất nhiên, không chỉ riêng Đức hành động như vậy. Các chính phủ EU đã dành ra một khoản tiền đáng kinh ngạc trị giá lên tới 576 tỷ Euro (570 tỷ USD) để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp trước tình trạng giá năng lượng leo thang trong năm vừa qua. Tuy nhiên, mức trợ cấp khác nhau, dao động từ dưới 1% GDP ở Thụy Điển và Estonia đến hơn 5% GDP ở Hy Lạp và Đức.
Giống như thời kỳ những năm 1970, các phản ứng chính sách của các chính phủ châu Âu đang rất khác nhau, phản ánh tình trạng không gian tài khóa, các triết lý và các ràng buộc kinh tế chính trị khác nhau. Các chương trình tài khóa cũng rất khác nhau. Mặc dù điểm chung nhất trong các chương trình là sự kết hợp giữa việc cắt giảm rộng rãi năng lượng hoặc thuế giá trị gia tăng và chuyển giao có mục tiêu, nhưng tỷ lệ rất khác nhau ở các quốc gia thành viên EU.
Trong khi hầu hết các quốc gia thành viên đã áp dụng biện pháp kiểm soát giá, chỉ một số nước đã áp dụng hệ thống định giá kép, theo đó một lượng năng lượng nhất định được cung cấp với giá được trợ cấp, còn lại áp dụng theo giá thị trường với tất cả các hình thức tiêu thụ khác. Kết quả là không rõ ràng. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tỷ lệ chuyển từ giá bán buôn sang giá bán lẻ khí đốt, tính đến cuối Mùa Xuân, dao động từ dưới 10% đến hơn 40%.
Pháp cùng với Đức là minh chứng cho sự thất bại này trong việc thống nhất một kế hoạch hành động chung. Vào tháng Chín, Pháp đã công bố chính sách hạn chế mức tăng giá khí đốt và điện đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ ở mức 15% vào năm 2023.
Ngược lại, Ủy ban Khí đốt của Đức vừa đề xuất rằng, bắt đầu từ tháng 3/2023 trở đi, khả năng tiếp cận nguồn năng lượng được trợ cấp bị giới hạn ở tỷ lệ 80% mức tiêu thụ trước đây của các hộ gia đình (một chương trình tương tự sẽ áp dụng cho các công ty).
Pháp và Đức cũng mâu thuẫn về việc xây dựng giới hạn giá khí đốt bán buôn. Trong khi Pháp ủng hộ "kế hoạch Iberia" - với việc chính phủ đặt ra mức trần về giá khí đốt được sử dụng trong sản xuất điện – thì Đức lại phản đối điều này vì cho rằng, điều đó sẽ làm cho khí đốt đắt hơn đối với những người sử dụng công nghiệp và sẽ tạo ra tình trạng người thắng và người thua giữa các quốc gia thành viên.
Những phản ứng chính sách khác nhau này đã vấp phải các lời chỉ trích mạnh mẽ, không phải vì vấn đề nguyên tắc mà nó không phù hợp khi đối mặt với một cú sốc chung. Chỉ trong vòng vài tháng, EU đã mất quyền tiếp cận với một nhà cung cấp mà trước đây chiếm khoảng 45% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của họ.
Khó loại bỏ "Chủ nghĩa dân tộc về năng lượng"?
Xét tới bối cảnh một thị trường khí đốt thống nhất ở châu Âu nhưng không phải là một thị trường toàn cầu, việc tìm kiếm sản phẩm thay thế cho khí đốt của Nga là một thách thức chung của châu Âu.
Khi các quốc gia hành động một cách riêng lẻ, việc thất bại trong cắt giảm nhu cầu góp phần đẩy giá khí đốt tăng cao với tất cả các nước và chỉ có một số lượng hạn chế các nhà cung cấp thay thế bên ngoài có sẵn cho các nước.
Nhìn chung, sự phụ thuộc lẫn nhau về phía cầu và tài chính trong EU hoặc Khu vực đồng Euro thấp hơn sự phụ thuộc lẫn nhau về phía cung. Mặc dù các chính sách cơ cấu như cải cách thị trường lao động và sản phẩm có tác động xuyên biên giới, nhưng những chính sách này có xu hướng tương phân mảnh và tiến triển chậm.
Nhưng lần này thì khác. Giá khí đốt và điện đã trở thành những kênh chi phối áp đảo, qua đó các quyết định của một quốc gia thành viên có thể ảnh hưởng đến các quốc gia thành viên khác và những tác động này được khuếch đại bởi chính phản ứng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trước áp lực lạm phát gia tăng.
Do đó, việc không xác định được các chỉ dẫn chung đối với các chính sách năng lượng quốc gia là vô cùng tốn kém. Như các nhà phân tích đã chỉ ra, lợi ích từ việc thống nhất cùng giảm nhu cầu sẽ rất có ý nghĩa. Ngược lại, "Chủ nghĩa dân tộc về năng lượng" có nguy cơ làm tăng giá khí đốt và điện nhiều hơn, làm trầm trọng thêm suy thoái.
Việc đạt được một sự thỏa hiệp không phải là bất khả thi. Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 10 vừa qua, Hội đồng châu Âu đã đạt được một số tiến bộ đối với một kế hoạch kết hợp các lựa chọn dựa trên giá cả và các quy định. Đức có thể phải thừa nhận rằng tình trạng biến động giá cả quá mức là có hại và Pháp cũng có thể phải chấp nhận rằng các động cơ nhằm giảm tiêu dùng là rất quan trọng.
Tuy nhiên, vấn đề lòng tin ngày càng khó giải tỏa, trong khi thời gian trôi qua cùng với tình hình kinh tế ngày càng xấu đi, cơ hội cho một thỏa thuận đang ngày càng khép lại.
Mặc dù các kho chứa của EU đang đầy ắp và thời tiết ấm áp đã khiến giá xăng giảm, nhưng vấn đề năng lượng chưa thể biến mất. Mùa Đông vẫn chưa thực sự đến, nguy cơ về một lệnh cấm vận khí đốt của Nga sẽ gây chia rẽ sâu sắc và ngày càng gia tăng trong EU vẫn rất nghiêm trọng. Việc thất bại trong thực hiện một hành động chung sẽ gửi đi một tín hiệu tai hại.